1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phong trào “Chiếm phố Wall” đang biến đổi về chất và lượng?

(Dân trí) - Hai ngày cuối tuần, khẩu hiệu duy nhất kêu gọi “Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu” đã được giương lên tại 951 thành phố của 82 quốc gia. Xuất phát từ phong trào “Chiếm phố Wall” tại New York, phong trào phản kháng này đang biến đổi về chất và lượng?

 
Phong trào “Chiếm phố Wall” đang biến đổi về chất và lượng? - 1
"Chiếm phố Wall" tuyên bố đã quyên góp được 300.000USD.
 
 Mục tiêu –- không chỉ là “những ông chủ giàu có”

“Chiếm phố Wall” khởi phát với một nhóm nhỏ sinh viên khoảng một chục người tại công viên Zuccotti, thành phố New York ngày 17/9. Sau mấy tuần phát động, phong trào đã lan ra trên cả chục tiểu bang ở Mỹ, rồi đến hàng trăm thành phố ở hàng chục nước.

Mục tiêu của phong trào là gì? Quan sát những khẩu hiệu, biển chữ giương lên trong các cuộc biểu tình thì có nhiều đòi hỏi: Đòi đánh thuế người giàu nhiều hơn nữa; Đòi chấm dứt việc ngân hàng tịch thu nhà vì chủ nhân không còn khả năng trả nợ; Đòi rút quân Mỹ về, chuyển ngân sách chiến tranh qua cho việc giáo dục; Chống tăng học phí đại học; Đòi việc làm.

Khẩu hiệu của phong trào là “99%”, tức là 99% dân là người nghèo hay chỉ đủ ăn, trong khi đó 1% người cực giàu điều khiển guồng máy kinh tế tài chính Mỹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người.

Có một thực tế là hiện nay, 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ 40% tài sản của Mỹ. Trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất làm chủ chỉ có 7% tài sản nước Mỹ. Một phần tư thế kỉ trước, 33% tài sản quốc gia do 1% giới giàu làm chủ.

Về thu nhập, 1% người có mức lương cao chiếm 24% tổng số thu nhập của toàn dân. Nhiều người cho rằng cách biệt giàu nghèo như thế là bất công xã hội và đã có những nhận định là phong trào “Chiếm phố Wall” đang khởi xướng một cuộc chiến tranh giai cấp tại Mỹ.

Người ta cho rằng phong trào “Chiếm phố Wall” không có mục tiêu rõ ràng, dù rằng những người này giận dữ lên tiếng chống lại sự tham lam của “1% những ông chủ giàu có của các công ty hay ngân hàng lớn,” hệ thống thuế khóa thiếu công bằng, nạn thất nghiệp tăng cao hay cách biệt thu nhập quá lớn.

Và những gì họ mong muốn cũng thật đơn giản, họ chỉ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và những cuộc biểu tình được diễn ra một cách tự nhiên.

Khi phong trào “Chiếm phố Wall” lan sang thủ đô Washington, những người tham gia biểu tình mang theo một tinh thần khác, họ không chỉ lên án sự tham lam của một bộ phận giàu có mà còn chỉ trích Chính phủ không giải quyết được những bức xúc của người dân.

Lây lan nhanh

Tuy không có một mục tiêu hay lịch trình cụ thể, nhưng phong trào “Chiếm phố Wall” lại không ngừng tăng lên về con số và họ ngày càng có tổ chức hơn.

Cuộc biểu tình từ New York đã lan rộng ra nhiều thành phố lớn ở nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây: Boston, Washington DC, Denver, San Francisco, L.A… và thậm chí còn lan sang các nước khác trên thế giới như tại Canada, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Ireland, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mỗi khi tới một thành phố, phong trào này lại có một tên mới gắn với tên của thành phố đó.

Cuộc biểu tình từ New York đã dẫn đến “một ngày toàn cầu” hôm 15/10, gồm các cuộc phản đối trên nhiều nơi khắp thế giới, hối thúc các chính trị gia lắng nghe người dân mà không phải là nghe các “tài phiệt ngân hàng”.

Tại Mỹ, phong trào phản kháng tập trung vào tình trạng thất nghiệp, vào những ưu đãi mà chính quyền đã dành cho giới ngân hàng và tài chính ở Phố Wall.

Phong trào chống đối tại châu Âu chủ yếu là để phản đối các chính sách cắt giảm chi tiêu công cộng đặc biệt là tại các nước đang gặp khó khăn kinh tế, tài chính nghiêm trọng nhất trong khối euro.

Số người biểu tình không đáng kể ở châu Á là để hưởng ứng phong trào này.

Tác động và những dự báo

Lúc đầu, giới lãnh đạo và truyền thông không chú ý đến phong trào, cho rằng tham gia biểu tình là những người không có việc làm và chẳng biết làm gì hơn là xuống đường.

Nhưng trong những tuần qua các cuộc biểu tình tại nhiều nơi đã được chú ý.

Những người "chiếm Phố Wall" chủ yếu tập trung trước các ngân hàng hoặc công ty tài chính lớn. Thành phần tham gia cũng rất đa dạng, họ là những cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, công nhân, y tá, linh mục hay ngay cả những giáo sư ở các trường đại học.

Như vết dầu loang, phong trào đã tổ chức được nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi và gây chú ý trong chính trường từ Tổng thống Obama đến những nghị sĩ trong Quốc hội.

Đòi hỏi nổi bật nhất của "chiếm phố Wall" là tăng thuế nhà giàu và tạo công ăn việc làm. Đó cũng là những điều gây tranh cãi tại quốc hội lâu nay. Nhưng các nhà phân tích cho rằng phong trào rộng lớn này đã bộc lộ nhiều vấn đề cơ bản đang tồn tại trong xã hội Mỹ, và có khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới các quyết định chính sách của Chính phủ Mỹ.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đang khủng hoảng, mức thất nghiệp toàn quốc là 9,1%, tại địa phương trên 10% và chỉ còn một năm nữa là đến ngày bầu lại Tổng thống và Quốc hội, thì tiếng nói sẽ được lắng nghe và ảnh hưởng của phong trào sẽ rộng lớn.

Chính giới Mỹ cảnh báo phong trào đang phát triển "như nấm" khắp nước Mỹ sẽ biến các cuộc bầu cử năm 2012 thành một cuộc khẩu chiến giữa những người cực đoan trên chính trường Mỹ.

Một số nhân viên tài chính tại Phố Wall tỏ ra lo ngại điều này sẽ dẫn tới những chính sách mang tính trừng phạt chẳng hạn đánh thuế cao hơn lên người giàu.

Joseph Stiglitz, một nhà kinh tế từng đoạt giải thưởng Nobel ủng hộ phong trào này, cho rằng Phố Wall đã không thể hoàn thành vai trò của nó với tư cách là đơn vị phân phối vốn và quản lý rủi ro. Ông cũng cho rằng toàn bộ xã hội Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ do những việc làm sai lầm của Phố Wall gây ra, trong khi lợi nhuận lại rơi vào túi của một vài cá nhân

Bên ngoài nước Mỹ, nhiều tổ chức đang khuyến khích thêm nhiều những cuộc biểu tình nữa, nhất là khi cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại Pháp vào ngày 3 và 4/11.

Nguyễn Viết