1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines cho phép khoan dầu trên biển, dù Trung Quốc phản đối

(Dân trí) - Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Philippines vẫn quyết định sẽ bắt đầu cung cấp hợp đồng thăm dò dầu khí cho một số công ty nước ngoài từ tháng tới, kể cả tại những khu vực tranh chấp với Trung Quốc trong vùng Biển Đông.

 

Báo chí trong nước và khu vực hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jose Almendras hôm 27/2 tuyên bố chính phủ hy vọng vào tháng 3 tới sẽ trao hợp đồng cho bất kỳ công ty nào thắng thầu, kể cả tại hai khu vực nước này đang tranh chấp với Trung Quốc.

Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch cho đấu thầu 15 lô dầu khí ngoài khơi Philippines, đã được khởi động vào giữa năm 2011.

Ông Jose Almendras một lần nữa khẳng định hai khu vực cho đấu thầu nằm vùng biển phía tây bắc đảo Palawan hoàn toàn thuộc lãnh thổ Philippines.

Tuy nhiên, phía Manila không cho biết là các tập đoàn dầu khí nào đã tỏ ý quan tâm đến các lô thăm dò được Manila đưa ra đấu thầu.

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng bộ Năng lượng, ông Jay Layug, chỉ nói chung chung là đã có khoảng 20 công ty đã nộp hồ sơ ban đầu, trong đó những tập đoàn quốc tế lớn.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Philippines đã loan báo kế hoạch trao quyền thăm dò dầu khí trong hai khu vực này, là những nơi Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.

Trung Quốc vẫn khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của mình trên toàn vùng Biển Đông. Trong kháng thư ngoại giao gửi hồi cuối tháng 7/2011, Trung Quốc muốn Philippines “ngay lập tức rút mọi đề nghị đấu thầu tại Khu vực 3 và 4” đồng thời không thực hiện các hành động “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Manila phản bác quan điểm của Bắc Kinh và tuyên bố hai khu vực cách tỉnh Palawan 80 km về phía Tây Bắc nằm trong vùng lãnh thổ của Philippines.

Cũng năm ngoái, Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm phạm Reed bank (Bãi Cỏ Rong) mà Manila cho là họ có chủ quyền. Ngoài ra, Philippines cũng cho rằng Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí của họ trong vùng Biển Đông.
 
Trung Quốc: Kế hoạch khai thác dầu của Philippines “là bất hợp pháp”
 
Trung Quốc hôm qua lại lên tiếng khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và vùng biển gần kề” và phản đối kế hoạch của Philippines cho phép một số công ty nước ngoài ký hợp thăm dò dầu khí ở vùng biển này từ tháng tới.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm qua, ngay sau khi Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jose Almendras hôm 27/2 tuyên bố chính phủ hy vọng vào tháng 3 tới sẽ trao hợp đồng cho bất kỳ công ty nào thắng thầu, kể cả tại hai khu vực nước này đang tranh chấp với Trung Quốc.

Ông Hồng nói: “Bất kỳ quốc gia hoặc công ty nào khai thác dầu khí ở những khu vực nằm trong quyền hạn của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc, thì đều vi phạm luật pháp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục các nước liên quan “tôn trọng tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông” và “kiềm chế những hành động sẽ làm phức tạp hoặc làm trầm trọng thêm tranh chấp hiện nay”.

Tuyên bố mới nhất của Manila là bước tiếp theo trong kế hoạch của nước này cho đấu thầu 15 lô dầu khí ngoài khơi Philippines, đã được khởi động vào giữa năm 2011.

Trung Quốc luôn phản đối kế hoạch mời các công ty nước ngoài vào khai thác ở hai khu vực đang tranh chấp (Khu vực 3 và 4), nói rằng những khu vực này “là một phần của khu vực biển Hoa Nam (từ Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông), trong vùng biển mà Trung Quốc có chủ quyền và quyền thực thi pháp lý”.

Tuy nhiên, các quan chức Philippines khẳng định rằng Khu vực 3 và 4 “không nằm trong vùng tranh chấp” trên Biển Đông “mà hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Philippines. 

Khi Philippines loan báo kế hoạch này tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc khi đó cũng đòi Philippines “ngay lập tức rút mọi đề nghị đấu thầu tại Khu vực 3 và 4” đồng thời không thực hiện các hành động “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc. Đòi hỏi này lập tức bị Manila phản bác.

Hà Khoa
Theo Kyodo, AP