1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháp từng muốn nhập làm một với Anh

(Dân trí) - Theo tài liệu lưu trữ của chính phủ Anh, nước Pháp của ngài chủ tịch Hội đồng Pháp Guy Mollet từng có đề nghị sáp nhập vào nước Anh.

Ngày 15/1, đài BBC của Anh cho công bố các tài liệu chính thức tiết lộ, nước Pháp và nước Anh từng dự định tiến hành một sự kết hợp chưa từng có thời kỳ những năm 1950. Tài liệu chính thức của văn phòng thủ tướng Anh cách đây khoảng 20 năm ghi rõ: "Trong chuyến lưu trú mới đây tại nước Anh ngày 10/9/1956, chủ tịch Hội đồng Pháp, ông Guy Mollet đã đưa ra khả năng về một sự thống nhất hai quốc gia Anh- Pháp". ( Chức chủ tịch Hội đồng Pháp tương đương với chức thủ tướng hiện nay).

 

Nước Pháp của nền cộng hòa IV và nước Anh khi đó được coi như những cường quốc, sẵn sàng trong việc giải quyết chung các vấn đề quốc tế như kênh đào Suez của Ai Cập. Đài BBC nhận định, sự thống nhất hai quốc gia cho phép ngăn ngừa các đối đầu trực tiếp giữa các binh lính, khi căng thẳng gia tăng tại biên giới Israel, đồng minh của Paris và Jordani được Luân Đôn hậu thuẫn. Vào thời điểm đó, Cộng đồng chung châu Âu chưa ra đời mà phải đợi đến Hiệp ước Rome được kí ngày 25/3/1957.

 

Thủ tướng Anh lúc đó, ông Anthony Eden đã từ chối lời đề nghị của Guy Mollet, nhưng bày tỏ sự quan tâm bằng cách đưa ra đề nghị khác: nước Pháp gia nhập khối Thịnh vượng chung, tập hợp những nước có mối liên hệ lịch sử với nước Anh. Điều đó bao hàm việc nữ hoàng Anh sẽ trở thành người đứng đầu nhà nước Pháp.

 

Theo tài liệu ghi ngày 28/9/1956, ông Eden hi vọng qua các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của nước Pháp, "chúng ta (nước Anh) sẽ cân nhắc với thời hạn không xác định việc nước Pháp gia nhập Khối thịnh vượng chung. Ông Mollet không nghĩ rằng việc nước Pháp chấp nhận vương quyền của nữ hoàng sẽ thúc đẩy các khó khăn và liệu người Pháp có chấp nhận tư cách công dân chung theo mô hình của Cộng hòa Ailen". Theo đài BBC, cho đến nay tại Pháp không hề tồn tại bất cứ tài liệu nào đề cập tới vấn đề này.

 

Rất nhiều người Pháp cũng như người Anh ngạc nhiên trước công bố này. Giáo sư Henri Soutou, Đại học Sorbonne phát biểu trên BBC rằng, đó là một dự định phi lý, ý tưởng về việc nước Pháp ra nhập khối Thịnh vượng chung cũng như việc công nhận vương quyền của nữ hoàng Anh sẽ không bao giờ được chấp nhận.

 

Ông Denis MacShane, cựu bộ trưởng phụ trách châu Âu của thủ tướng Anh Tony Blair coi đó như là "phần bổ sung thú vị vào sự chằng chịt dai dẳng" giữa hai nước, kéo dài từ cách đây hàng ngàn năm khi Guillaume Kẻ Chinh Phục tìm cách biến nước Anh thành thuộc địa của Pháp. Ông hài hước kết luận, những bí mật thú vị kiểu đó giống như các chú thích dưới trang lịch sử và nước Pháp và nước Anh giống như một cặp vợ chồng già có đăng ký kết hôn, nhưng người này thường nghĩ cách tiêu diệt người kia mà không hề nghĩ đến giải pháp li dị.

 

Ngọc Nhàn
Theo Le Monde, AFP, Reuters