1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Zelensky đối mặt thách thức ngoại giao từ đồng minh phương Tây

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đối mặt với các thách thức về ngoại giao lớn chưa từng có từ các đồng minh phương Tây kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát, theo giới chuyên gia.

Ông Zelensky đối mặt thách thức ngoại giao từ đồng minh phương Tây - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

AFP nhận định, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người từng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các đồng minh trong cuộc chiến với Nga, dường như đang đối mặt với nhiều bước lùi trong hoạt động ngoại giao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 2/2022 - thời điểm xung đột bùng phát.

Ngày 21/9, ông Zelensky lần thứ 2 tới thăm Quốc hội Mỹ kể từ khi xảy ra cuộc chiến với Nga nhằm phát đi thông điệp kêu gọi Washington tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, trong lần này, bối cảnh chính trị đã thay đổi. Một năm trước, ông Zelensky đã phát biểu trước quốc hội do đảng Dân chủ nắm quyền.

Trong lần này, đảng Cộng hòa đã giành lại được Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã từ chối để ông Zelensky phát biểu trước cơ quan lập pháp như tháng 12 năm ngoái.

Một số thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm ông McCarthy, đang bày tỏ sự hoài nghi về tính minh bạch và hiệu quả từ các khoản viện trợ hơn 100 tỷ USD mà Mỹ chuyển và cam kết chuyển cho Ukraine. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới nguồn lực của Kiev trong giai đoạn kế tiếp của cuộc chiến.

Trong năm qua, "các nhóm khác nhau trong chính trường Mỹ đã tranh cãi về việc giảm hoặc thậm chí ngừng hỗ trợ", ông Mick Ryan, một tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu, cho biết.

Ông McCarthy đã đặt ra những câu hỏi như: "Trách nhiệm giải trình ở đâu đối với số tiền chúng ta (Mỹ) đã chi tiêu (ở Ukraine)?" và "Kế hoạch chiến thắng (của Ukraine) là gì?".

Ông Ivan Klyszcz, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Quốc tế Estonia (ICDS), cho rằng ngay cả ông Zelensky rất nỗ lực, ông dường như cũng chỉ có thể kiềm chế được sự hoài nghi ngày càng tăng của Đảng Cộng hòa, chứ không thể xóa bỏ hoàn toàn.

Do đó, xu hướng hiện tại là Ukraine "ngày càng phụ thuộc vào châu Âu" sẽ tiếp tục, chuyên gia này nói với AFP.

Trong thời gian qua, Ukraine đã tiến hành cuộc phản công mùa hè, nhưng chưa đạt được thành tựu thực sự đáng kể do họ phải đối mặt với năng lực phòng thủ tốt hơn dự báo từ Nga.

"Rất có thể Nga sẽ dành thời gian để đào sâu hơn nữa, xây dựng các công sự mới và chuẩn bị cho mùa xuân", Giám đốc cơ quan tình báo quân sự Estonia Margo Grosberg nhận định.

Ngay cả những người theo chủ nghĩa lạc quan cũng không còn tin rằng cuộc chiến có thể sớm kết thúc.

Ông Ryan nói: "Ngay cả những người ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất cũng thấy rõ rằng đây là một cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024 và có thể cả năm 2025".

Vì vậy, một số tiếng nói từ phương Tây dường như đã bắt đầu gợi ý Ukraine về phương án đàm phán với Nga.

Cuối tháng trước, Stian Jenssen, giám đốc văn phòng của tổng thư ký NATO, gợi ý rằng Ukraine có thể được cấp tư cách thành viên NATO để đổi lấy việc nhượng lại một số lãnh thổ cho Nga. Sau đó, ông đã rút lại các bình luận. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng "việc quyết định khi nào các điều kiện đàm phán được đưa ra là tùy thuộc vào người Ukraine và chỉ người Ukraine".

Tuy nhiên, điều này phản ánh một thực tế rằng, phương Tây có thể bắt đầu đặt câu hỏi về tiến trình phản công của Ukraine trong một cuộc chiến tiêu hao có thể kéo dài thêm nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm nữa.

Căng thẳng với đồng minh thân thiết

Ngoài nhận được sự hoài nghi từ các đồng minh phương Tây, Ukraine tiếp tục đối mặt với một thách thức khác trong tuần này, từ nước ủng hộ Kiev nhiệt tình hàng đầu trong gần 19 tháng qua là Ba Lan.

Ba Lan thông báo sẽ tạm dừng trang bị vũ khí cho Ukraine và thay vào đó tập trung vào hoạt động phòng thủ của chính họ, trong bối cảnh 2 bên căng thẳng về vấn đề ngũ cốc của Kiev.

Ba Lan là một trong những quốc gia phương Tây hỗ trợ đáng kể cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này.

Theo giới chức Ba Lan, họ đã viện trợ quân sự hơn 3 tỷ euro cho Kiev trong vòng hơn một năm qua. Các viện trợ này bao gồm đạn dược, xe bọc thép, vũ khí hạng nặng cũng như máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất.

Quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine trở nên căng thẳng gần đây do vấn đề ngũ cốc.

Ủy ban châu Âu hôm 15/9 thông báo không gia hạn thêm các hạn chế tạm thời đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang 5 quốc gia láng giềng đều là thành viên của EU. Tuy nhiên, Ba Lan, Hungary và Slovakia quyết định đơn phương gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine.

Đáp lại, Ukraine đã đệ đơn kiện 3 nước này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Lý giải về quyết định gia hạn lệnh cấm, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết điều quan trọng nhất đối với chính phủ Ba Lan là lợi ích của người nông dân, lợi ích của ngành nông nghiệp Ba Lan.

Ông cũng cảnh báo sẽ bổ sung thêm nhiều sản phẩm từ Ukraine vào danh sách hàng hóa bị cấm nhập khẩu trên lãnh thổ Ba Lan nếu phía Ukraine có thêm những động thái khiến căng thẳng gia tăng.

Các chuyên gia cảnh báo, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự đoàn kết giữa Ukraine và phương Tây suy yếu đều có lợi cho Nga.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quyết định của Ba Lan phần nào bị tác động bởi cuộc bầu cử vào tháng tới, đó có thể là cách để đảng cầm quyền Ba Lan thu hút sự ủng hộ của các cử tri vốn phản đối viện trợ Ukraine.

Theo các chuyên gia dự đoán, cuối cùng, Ba Lan dường như vẫn sẽ duy trì mục tiêu hỗ trợ để ngăn Ukraine gặp bất lợi trong cuộc chiến với Nga. 

Theo AFP, New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine