1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Điềm báo 72 ngày hỗn loạn cuối cùng

Minh Phương

(Dân trí) - Việc ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper có thể chỉ là khởi đầu cho một cuộc “thanh lọc” toàn diện những người bị coi là không còn đủ trung thành với ông trong 72 ngày cuối của nhiệm kỳ.

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Điềm báo 72 ngày hỗn loạn cuối cùng - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải ngay lập tức Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/11 thông báo sa thải “ngay lập tức” Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng không hoàn toàn bất ngờ bởi quan hệ giữa ông và người đứng đầu Lầu Năm Góc vốn sóng gió nhiều tháng trở lại đây sau khi ông Esper từ chối huy động quân đội để ngăn các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra sau cá chết của công dân da màu George Floyd hồi tháng 5.

Vài tuần trước bầu cử, ông Esper được cho là đã viết sẵn thư từ chức. Ông cũng biết ngày này của ông cuối cùng sẽ tới. Việc cách chức Bộ trưởng Esper bình thường cũng không phải điều gì quá gây chú ý bởi chỉ trong 2 năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có tới 4 quyền bộ trưởng. Tuy nhiên, thực tế nó lại gây chú ý bởi đánh dấu động thái đầu tiên của ông Trump trong 72 ngày cuối cùng nhiệm kỳ có thể coi là hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

Đến nay ông Trump vẫn chưa nhận thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với ứng viên Dân chủ Joe Biden. Đội ngũ tranh cử của ông khẳng định ông vẫn còn cơ hội chiến thắng trong cuộc đua này. Bản thân ông Trump từng nói vào hôm bầu cử 3/11 rằng: “Chiến thắng thì dễ dàng nhưng thua không bao giờ là dễ dàng”.

Vì vậy, ông Trump vô cùng giận dữ khi về sau ứng viên Biden trong cuộc bầu cử mà ông tin chắc có thể chiến thắng dễ dàng nếu kiểm phiếu hợp lệ. Điều đó có nghĩa là việc sa thải Bộ trưởng Esper có thể là khởi đầu cho một thời gian sóng gió còn lại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trước thềm bầu cử, ông Trump nhiều lần chỉ trích Giám đốc FBI Christopher Wray vì không thể tiến hành một cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng nội bộ. Washington Post cho biết hồi cuối tháng 10 rằng ông Trump đang cân nhắc sa thải ông Wray sau bầu cử. Đó cũng sẽ là một hồi chuông cảnh báo đối với Bộ trưởng Tư pháp William Barr, một đồng minh của ông Trump nhưng đã khiến ông phật lòng vì trì hoãn điều tra nghi vấn sai phạm trong công việc điều tra phản gián của FBI trong cuộc bầu cử 2016. Trang tin Axios cũng cho biết hồi cuối tháng 10 rằng, ông Trump có thể cách chức người đứng đầu Cục điều tra liên bang Mỹ (CIA) Gina Haspel.

Việc loại bỏ người đứng đầu Bộ Quốc phòng, CIA, FBI và Bộ Tư pháp, có thể chỉ là khởi đầu cho một cuộc “thanh lọc” toàn diện những người bị coi là không còn đủ trung thành với ông Trump.

“John McEntee, giám đốc Phòng nhân sự của Nhà Trắng, đang lan truyền thông tin rằng nếu Tổng thống nghe thấy bất cứ ai có ý định tìm một công việc khác, họ sẽ bị sa thải”, một quan chức giấu tên trong chính quyền của ông Trump cho biết.

Sau các quyết định sa thải, ông Trump có thể cũng sẽ ban hành các lệnh ân xá và giảm án. Khả năng này là rất lớn bởi ông Trump hồi tháng 7 từng giảm án cho Roger Stone, một đồng minh chính trị lâu năm, hay cho cựu thống đốc Illinois Rod Blagojevich. Ngoài ra, ông Trump có thể có những động thái khác thông qua các sắc lệnh hành pháp hay thay đổi quy định cho đến khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông kết thúc vào trưa 20/1/2021.