1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump loại chiến lược gia trưởng khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã loại chiến lược gia trưởng Steve Bannon khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia, đảo ngược quyết định gây tranh cãi của ông hồi đầu năm nay nhằm cho phép một cố vấn chính trị có vai trò chưa có tiền lệ trong các cuộc họp tối cao về an ninh.

Ông Trump loại chiến lược gia trưởng khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia


Tổng thống Donald Trump và chiến lược gia trưởng Steve Bannon (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump và chiến lược gia trưởng Steve Bannon (Ảnh: AFP)

AFP đưa tin, ông Bannon, 63 tuổi, một cựu giám đốc truyền thông kiêm nhà sản xuất phim, đã được đưa vào ủy ban nòng cốt của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) - vốn chỉ bao gồm vài thành viên nội các, các quan chức quân đội và tình báo cấp cao - hôm 28/1. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích của một số nghị sĩ quốc hội và giới chuyên gia chính sách ngoại giao tại Washington.

Những người phản đối cho rằng vai trò của ông Bannon trong NSC cho phép một người thiếu kinh nghiệm ngoại giao có quá nhiều tiếng nói trong việc đưa ra các quyết định.

Nhưng các nguồn tin báo chí Mỹ hôm qua cho hay, ông Bannon đã bị loại khỏi danh sách các thành viên và ủy ban nòng cốt của NSC hôm 5/4.

Ông Bannon, người là giám đốc điều hành chiến dịch tranh của ông Trump trong những tháng trước cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, từng được xem cánh tay phải của ông Trump và ở một số khía cạnh nào đó đại diện cho tiếng nói dân tộc chủ nghĩa “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Mỹ. Trước khi tham gia chính quyền Trump, ông đứng đầu Breitbart News, một trang web cánh hữu.

Việc ông Bannon bị loại khỏi NSC là một bước lùi đối với vùng ảnh hưởng của ông trong Nhà Trắng, nơi ông có tiếng nói trong hầu hết các quyết định quan trọng.

Nội bộ lục đục

Nhưng một cố vấn của ông Trump cho biết ông Bannon vẫn là nhân vật quyền lực như trước kia. “Ông ấy vẫn tham gia vào mọi vấn để và vẫn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của tổng thống”, cố vấn giấu tên nói.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng cho hay ông Bannon sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng về chính sách và giảm nhẹ cuộc cải tổ NSC, nói đây là hoạt động bình thường.

“Đây là một cuộc cải tổ theo lẽ thường nhằm đảm bảo rằng Hội đồng An ninh Quốc gia được tổ chức theo cách thức giúp tổng thống tốt nhất trong việc giải quyết và đưa ra những quyết định khó khăn”, ông Pence nói với Fox News.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay ông Bannon không còn cần thiết có mặt trong NSC sau khi sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump, Michael Flynn.

Ông Flynn đã buộc phải từ chức hôm 13/2 do nói dối về các liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ, trước khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1. Quan chức trên nói ông Bannon được đưa vào NSC để kiểm tra ông Flynn và chỉ tham gia một cuộc họp thường kỳ của NSC.

Theo Reuters, người sẽ thế chỗ ông Bannon trong “nhóm nòng cốt” của NSC, là Rick Perry, Bộ trưởng Năng lượng chịu trách nhiệm giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Quyết định của ông Trump nhằm cải tổ NSC cũng đưa Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, và Dan Coats, Giám đốc Tình báo Quốc gia, người đứng đầu 17 cơ quan tình báo của Mỹ, trở lại NSC. Quan chức Nhà Trắng giấu tên cho hay sự thay đổi này là nhằm đưa NSC trở lại chức năng cơ bản vốn có của nó.

Cuộc cải tổ cũng dường như đánh dấu một chiến thắng cho cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, người từng nói với một số chuyên gia an ninh quốc gia rằng ông đang ở trong “cuộc chiến đến cùng” với Bannon và những người khác trong đội ngũ nhân viên Nhà Trắng.

Nhóm Nhà Trắng của ông Trump đã vấp phải các cuộc đấu đá và mẫu thuẫn nội bộ ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Trong những ngày gần đây, vài quan chức cấp cao về an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ cho biết cơ chế định hình phản ứng của chính quyền Trump đối với các thách thức cấp bách như Syria, Triều Tiên hay Iran vẫn chưa hình thành.

An Bình

Tổng hợp