1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump giục đảng Cộng hòa chặn dự luật viện trợ Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Donald Trump kêu gọi đảng Cộng hòa từ chối thỏa thuận mà Thượng viện Mỹ vừa công bố, trong đó bao gồm 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.

Ông Trump giục đảng Cộng hòa chặn dự luật viện trợ Ukraine - 1

Ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Las Vegas, Nevada, Mỹ vào ngày 27/1 (Ảnh: Reuters).

"Đừng ngốc nghếch! Chúng ta cần Dự luật Nhập cư và Biên giới riêng biệt. Nó không nên được gắn với viện trợ nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào!", ông Trump, người đang muốn ngăn Tổng thống Joe Biden có được chiến thắng lập pháp lớn trước cuộc bỏ phiếu tháng 11, cho biết.

Khi mà cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 gần như chắc chắn sẽ là trận tái đấu giữa ông Biden và ông Trump, cựu Tổng thống đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích người kế nhiệm đảng Dân chủ về vấn đề người di cư trái phép cao kỷ lục ở biên giới phía nam nước Mỹ.

Ngày 4/2, Thượng viện Mỹ đã công bố dự luật nhập cư với những quy định ngặt nghèo nhất trong những năm qua, bao gồm nhiều biện pháp rất hạn chế mà ông Biden đã cam kết ký thành luật.

Dự luật này trị giá 118,3 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel, 10 tỷ USD viện trợ nhân đạo, gần 5 tỷ USD cho các đối tác châu Á - Thái Bình Dương như đảo Đài Loan, và 20 tỷ USD nguồn ngân sách mới cho công tác biên giới.

Nếu dự luật trên được thông qua, đây sẽ là chiến thắng lớn cho những người có tư tưởng diều hâu về vấn đề nhập cư.

Nguyên nhân là đảng Dân chủ đã đưa ra nhiều nhượng bộ mà phe này vẫn thường phản đối gay gắt, như việc hạn chế quyền hạn của tổng thống trong việc cho phép người tị nạn nhập cư vì lý do nhân đạo, đẩy nhanh quy trình trục xuất, và yêu cầu đóng cửa biên giới khi số người nhập cư vượt 5.000 lượt/ngày.

Dự luật trên cũng không bao gồm những ưu tiên lập pháp mà đảng Dân chủ thường thúc đẩy như lộ trình nhập tịch cho khoảng 11 triệu người di cư không có giấy tờ hợp lệ tại nước Mỹ.

Theo AFP