1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump bị truy tố nhưng dư luận cũng xét xử Bộ Tư pháp Mỹ

Quốc Đạt

(Dân trí) - Động thái truy tố ông Trump gần đây khiến Bộ Tư pháp Mỹ đứng trước phép thử chưa từng có tiền lệ, bởi họ sẽ phải thuyết phục không chỉ 12 thành viên bồi thẩm đoàn mà còn cả dư luận trong nước.

Ông Trump bị truy tố nhưng dư luận cũng xét xử Bộ Tư pháp Mỹ - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một điểm vận động tranh cử tại Miami hồi tháng 6 (Ảnh: New York Times).

Với việc tuyên bố cáo trạng đối với ông Trump hôm 1/8, công tố viên đặc biệt Jack Smith chĩa mũi nhọn vào một mục tiêu gây tranh cãi, trong bối cảnh nhiều người dân xứ cờ hoa vốn đã có tâm lý hoài nghi động cơ của Bộ Tư pháp Mỹ.

Thái độ của người dân Mỹ trước quyết định truy tố dường như chỉ phụ thuộc vào việc họ nhìn nhận ông Trump ra sao, cũng như việc liệu họ có tin cáo buộc gian lận bầu cử của ông vào năm 2020 hay không.

Đối với các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa, quyết định truy tố cũng là phép thử đối với năng lực của chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ tính liêm chính của lá phiếu và buộc những người chối bỏ bầu cử phải chịu trách nhiệm vì góp phần dẫn đến cuộc bạo loạn đồi Capitol hôm 6/1/2021.

Người ủng hộ ông Trump sẽ thấy "âm mưu"

Với những người trung thành với ông Trump, lệnh truy tố sẽ chỉ là một "âm mưu" khác do quan chức chính quyền ông Biden thực hiện để làm suy yếu vị cựu tổng thống trong cuộc đua năm 2024.

Ken Gormley - Hiệu trưởng Đại học Duquesne, người từng viết sách về các cuộc điều tra liên bang nhắm vào Tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton - cho rằng vụ án lần này rất khác thường, khó rạch ròi yếu tố chính trị và pháp lý.

"Bộ Tư pháp Mỹ đang mạo hiểm, tương tự những lần khác cơ quan này xử lý các vụ án hình sự có vấn đề mới, chưa từng được xét xử tại tòa án", ông Gormley nói.

Ông Trump bị truy tố nhưng dư luận cũng xét xử Bộ Tư pháp Mỹ - 2

Công tố viên đặc biệt Jack Smith phát biểu hồi tháng 6 tại Washington (Ảnh: AP).

Công tố viên sẽ phải đưa vụ án của ông Trump ra tòa trong bối cảnh người dân từ mọi khuynh hướng chính trị có thái độ hoài nghi đối với hoạt động công tố ở Mỹ.

Một khảo sát của Đại học Marquette thực hiện hồi tháng 7 cho thấy gần 60% đảng viên Cộng hòa không có hoặc có rất ít niềm tin vào Bộ Tư pháp Mỹ, trong khi con số này ở đảng viên Dân chủ chỉ là 16%. Tổng thể, khoảng 40% người dân Mỹ không tin tưởng hoặc tin tưởng ở mức thấp.

Không chỉ vậy, khoảng 81% cử tri đảng Cộng hòa trong một thăm dò tháng 4 của Wall Street Journal cho biết cáo trạng của công tố viên quận Manhattan nhằm vào ông Trump, liên quan tới khoản tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, có động cơ chính trị và vô căn cứ. Con số này của tổng thể cử tri Mỹ là 41%.

Suy nghĩ của ông Trump là điều then chốt

Bản cáo trạng hôm 1/8 cáo buộc ông Trump phạm bốn tội danh, bao gồm âm mưu lừa đảo nước Mỹ và âm mưu cản trở các quyền của cử tri. Dù việc sử dụng các tội danh này để xử lý một cựu tổng thống chưa từng xảy ra, một số nhà quan sát cho rằng công tố viên vẫn có thể dựa vào các tiền lệ liên quan.

Paul Fishman, cựu công tố viên Mỹ, chỉ ra rằng Bộ Tư pháp từng dùng hai tội danh trên để buộc tội thành công đủ loại bị cáo có hành vi cản trở công vụ và hoạt động kiểm phiếu.

"Cả hai quy định ấy đều có phạm vi ứng dụng rộng cho nhiều bối cảnh khác nhau, và các tòa án cũng đã nhiều lần chấp nhận cách công tố viên sử dụng chúng ", ông Fishman nói.

Ông Trump bị truy tố nhưng dư luận cũng xét xử Bộ Tư pháp Mỹ - 3

Trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ tại thủ đô Washington, D.C. (Ảnh: Wall Street Journal).

Tuy nhiên, một số khác đánh giá vụ án là "mỏng" chứng cứ và mơ hồ về pháp lý. Ông Jonathan Turley, giáo sư luật thuộc Đại học George Washington, cho rằng công tố viên tới nay chưa thể cho thấy ông Trump biết rõ mình đang lan truyền dối trá, trong khi đây có thể là điều quan trọng giúp buộc tội.

Ngoài ra, ông Trump có thể chỉ ra rằng vụ án này vi phạm quyền tự do ngôn luận của mình, theo giáo sư Turley. Ngay bây giờ, các luật sư của ông Trump đã bắt đầu lập luận rằng tuy vị cựu tổng thống nói sai sự thật về kết quả bầu cử 2020, ông ấy tin những gì mình nói và niềm tin ấy được các cố vấn củng cố.

Bản cáo trạng thừa nhận ông Trump có quyền thách thức kết quả bầu cử, thậm chí có thể đưa ra các tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử.

Nhưng công tố viên khẳng định những gì ông Trump làm đã vượt ra ngoài các quyền đó. Cáo trạng cho rằng ông Trump biết - và đã nhiều lần được quan chức liên bang và tiểu bang khuyến cáo - rằng những tuyên bố của ông là sai sự thật. Ngoài ra, những phát biểu được dùng để thực hiện tội danh lừa đảo cũng không được hiến pháp bảo vệ, theo các chuyên gia pháp lý.

Những lá phiếu bầu cử năm 2020 đã trao cho ông Biden chiếc ghế tổng thống. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân Mỹ vẫn tin rằng kết quả bầu cử năm 2020 có sự gian lận và đây sẽ là một rào cản nữa mà Bộ Tư pháp Mỹ sẽ phải vượt qua để mang lại tính chính danh cho chiến thắng của họ, nếu có, tại tòa án.

Ở chiều ngược lại, nếu ông Trump được tuyên bố trắng án, việc này cũng có thể hợp thức hóa các hành động sau cuộc bầu cử năm 2020 của vị cựu tổng thống, từ đó gây bức xúc cho những người tin rằng ông đã cố tìm cách duy trì quyền lực một cách trái pháp luật.

Theo Wall Street Journal