1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Biden nêu kịch bản quân đội Mỹ đối đầu với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine và tiếp tục nhằm vào một đồng minh NATO, quân đội Mỹ sẽ buộc phải đối đầu với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.

Ông Biden nêu kịch bản quân đội Mỹ đối đầu với Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: EPA).

"Nếu Nga giành được Ukraine, họ sẽ không dừng lại ở đó. Quan trọng là chúng ta phải nhìn xa hơn", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 6/12.

Ông cũng nhấn mạnh: "Nếu Nga tấn công một đồng minh của NATO, khi đó, chúng ta, với tư cách thành viên NATO, cam kết sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO. Chúng ta sẽ làm điều mà hiện giờ chúng ta đang cố tránh là: Quân đội Mỹ đối đầu với quân đội Nga".

Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ sẽ không để Nga giành chiến thắng. Do vậy, ông hối thúc quốc hội nhanh chóng thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.

"Quốc hội cần thông qua nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine trước khi họ nghỉ lễ. Chỉ đơn giản vậy thôi", ông nói.

Ông cảnh báo, nếu quốc hội không làm điều này, họ đã trao cho Nga "món quà lớn nhất", giúp Moscow củng cố vị thế cả trên chiến trường và bàn đàm phán với Ukraine.

Nhà Trắng trong tuần này nói rằng, Mỹ sắp hết thời gian và ngân sách hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, cho dù thế nào, Washington vẫn giữ lập trường không thúc ép Ukraine đàm phán, nhượng bộ Nga. "Tất cả phụ thuộc vào họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định rằng việc Mỹ bỏ rơi Ukraine vào thời điểm này sẽ là một sai lầm lịch sử", ông nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, Tổng thống Biden chuẩn bị các cuộc thương lượng để tìm ra tiếng nói chung lưỡng đảng cả về vấn đề viện trợ cho Ukraine cũng như chính sách đảm bảo an ninh biên giới.

An ninh biên giới là một trong những vấn đề chính cản trở đàm phán giữa Nhà Trắng và quốc hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine, Israel.

Ông Biden cho biết, ông sẵn sàng đưa ra nhượng bộ đáng kể về vấn đề biên giới, song cũng khẳng định đảng Cộng hòa sẽ không có được tất cả những thứ mà họ muốn. Tuy nhiên, ông không làm rõ tuyên bố này.

Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá khoảng 106 tỷ USD, trong đó dành hơn 60 tỷ USD để viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn gặp trở ngại tại quốc hội.

Thượng viện Mỹ hôm qua đã bỏ phiếu phản đối dự luật. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ngày 5/12 cũng nêu rõ, việc viện trợ bổ sung cho Ukraine "phụ thuộc vào việc chính phủ ban hành những thay đổi mang tính chuyển đổi đối với luật an ninh biên giới của quốc gia".

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Chiến sự kéo dài trong khi Ukraine không đạt được đột phá nào trên chiến trường gần một năm qua dường như kéo theo tâm lý nghi ngại cho các đồng minh, đối tác.

Nga cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột leo thang, kéo dài và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine