1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước đi "vừa cương, vừa nhu" của ông Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin giữ vững quan điểm cứng rắn với các đề xuất an ninh của Moscow, nhưng vẫn để "hé" cánh cửa ngoại giao cho các nỗ lực xuống thang căng thẳng.

Nước đi vừa cương, vừa nhu của ông Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).

Với việc Nga được cho là đã triển khai quân và khí tài xung quanh Ukraine, và phương Tây thẳng thừng từ chối yêu cầu an ninh của Moscow, viễn cảnh căng thẳng xuống thang trong tương lai gần dường như đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, kể cả khi Nga tiếp tục tăng cường lực lượng ở biên giới Ukraine và tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn, ông Putin vẫn để ngỏ ra cánh cửa cho đàm phán trong một nước cờ đầy tính toán để thuyết phục phương Tây chấp nhận các đề nghị từ phía Moscow.

Dù NATO nhiều lần cáo buộc Nga muốn "động binh" với Ukraine, nhưng Moscow tuyên bố rằng họ không có kế hoạch làm như vậy, nhấn mạnh rằng họ chỉ muốn những quan ngại về mặt an ninh của họ được xử lý.

Cứng rắn và dứt khoát

Nga muốn Mỹ và đồng minh không mở rộng NATO về phía đông, không triển khai vũ khí gần Nga và không kết nạp thêm Ukraine. Washington và NATO đã bác bỏ những đề xuất này, nhưng họ cũng bỏ ngỏ việc đàm phán về những giới hạn trong việc triển khai tên lửa ở châu Âu, một cơ chế minh bạch hơn liên quan tới việc tổ chức tập trận và các biện pháp nhằm tạo niềm tin khác.

Ông Putin chưa chính thức phản hồi các đề xuất từ phương Tây, nhưng đã ra tín hiệu rằng những điều khoản này chỉ là "thứ yếu" và khẳng định ông sẽ không chấp nhận câu trả lời là "không" cho các yêu cầu chính của Moscow.

Sự kiên quyết của cả 2 phía đã khiến căng thẳng gia tăng. Giới quan sát nhận định, Nga dường như muốn thể hiện quan điểm cứng rắn của họ về vấn đề an ninh khi triển khai lượng quân lớn và khí tài hiện đại tới gần Ukraine, cũng như tập trận trên nhiều mặt trận để nâng cao năng lực phòng thủ cho Nga. Quan điểm của Nga là nước này không phải là bên đang gây đe dọa, mà là bên đang bị đe dọa và Moscow sẽ kiên quyết theo đuổi hướng đi có thể đảm bảo an ninh.

Mỹ và Phương Tây đã cảnh báo kịch bản áp lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga nếu kịch bản "động binh" xảy ra, bao gồm việc cấm các giao dịch dùng USD, hạn chế nhập khẩu mặt hàng quan trọng, hoặc đóng cửa đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 nối từ Nga sang Đức.

Phương Tây cũng triển khai thêm quân nhân tới Ba Lan, Romania, Đức và nhấn mạnh cam kết của họ với sườn phía đông của NATO. Các chuyến máy bay vận chuyển khí tài, đạn dược cũng được đưa tới Ukraine thời gian qua.

Chuyên gia an ninh Ben Hodges từ Trung tâm phân tích chính sách châu Âu nhận định rằng, để ứng phó với các động thái từ Mỹ và phương Tây, Nga dường như đang đẩy căng thẳng lên một cách có tính toán.

Moscow được cho triển khai quân đội ở nhiều hướng xung quanh Ukraine để đẩy áp lực tối đa lên phương Tây với hy vọng rằng NATO cuối cùng có thể sẽ nhượng bộ.

Ông Fyodor Lukyanov, chuyên gia từ Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng có trụ sở tại Moscow, dự đoán rằng việc phương Tây từ chối thảo luận về các đề nghị của Nga sẽ kích hoạt tình hình tiếp tục leo thang.

"Về mặt logic, Nga sẽ cần phải tiếp tục tăng căng thẳng. Nếu mục tiêu không đạt được, bạn sẽ phải gia tăng căng thẳng, mà biện pháp đầu tiên là phô diễn sức mạnh quân sự", ông Lukyanov dự đoán.

Để "hé" cánh cửa ngoại giao

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, Nga sẽ không muốn có động thái quân sự với Ukraine, và nếu việc gia tăng áp lực thông qua quân sự bất thành, ông Putin có thể sử dụng các biện pháp khác để thách thức phương Tây.

"Tổng thống Putin không muốn giải quyết căng thẳng Ukraine bằng các biện pháp chiến tranh mà là đưa phương Tây tới bàn đàm phán. Khi xung đột bùng phát, toàn bộ cuộc chơi sẽ thay đổi hoàn toàn, với rủi ro sẽ tăng vọt lên mức độ khác. Và chúng ta biết là ông Putin không phải là một chính trị gia mạo hiểm. Ông ấy là người giỏi tính toán", ông Lukyanov nhận định.

Dù Nga thể hiện thái độ kiên quyết về việc yêu cầu an ninh của họ phải được chấp thuận, viễn cảnh này có thể là bất khả thi vào thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Nga vẫn đang nỗ lực thực hiện nỗ lực ngoại giao với những "người chơi" có tiếng nói khác trong căng thẳng Ukraine nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng.

Giới quan sát nhận xét, Nga có thể cuối cùng sẽ chấp nhận thỏa hiệp nhằm tránh xung đột bùng phát và để các bên "không bị mất mặt".

Khi đó, dù phương Tây có thể không công khai rút lại chính sách mở rộng của NATO, nhưng họ dường như cũng không có ý định sớm kết nạp thêm Ukraine hay các nước Liên Xô cũ vào liên minh. Kịch bản được các chuyên gia đưa ra sẽ là một lệnh tạm hoãn kết nạp thành viên của NATO.

Một khả năng được đưa ra là "Phần Lan hóa" Ukraine, tức là Ukraine sẽ giữ thái độ trung dung với cả Nga và phương Tây như cách Phần Lan đã làm sau Thế chiến II. Chính sách này giúp Phần Lan duy trì quan hệ với Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh. Nếu Kiev thực hiện động thái này, nó sẽ thay đổi hướng đi hướng tới thành viên NATO của Ukraine trong nhiều năm qua và có thể phải hứng chỉ trích trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, công chúng Ukraine cuối cùng có thể sẽ chấp nhận kịch bản này hơn là mối đe dọa bị vướng vào xung đột giữa Nga và Phương Tây.

Một động thái xuống thang căng thẳng tiềm năng khác có thể bao gồm các bước đi nhằm làm dịu tình hình ở đông Ukraine, nơi lực lượng đòi độc lập xung đột với chính phủ Ukraine từ năm 2014 tới nay. 

Nga kêu gọi phương Tây thúc đẩy Ukraine hoàn thành nghĩa vụ trong thỏa thuận hòa bình do Pháp và Đức làm trung gian, bao gồm việc Kiev trao quyền tự trị cho các lãnh thổ do phe ly khai nắm giữ. Việc thực hiện các điều khoản này đã bị gián đoạn, do nhiều người Ukraine coi đây là động thái đi ngược với lợi ích quốc gia.

Theo apnews.com