1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nữ văn sĩ nổi tiếng là... gái làng chơi

Đó là một phụ nữ Thụy Sỹ vừa qua đời ngày 31/5 ở tuổi 76 vì bệnh ung thư. Từ lâu, bà đã treo ở cửa ra vào nhà mình tấm biển: “Bà Grisélidis Real, nhà văn, hoạ sỹ, gái làng chơi”…

Cho đến lúc từ giã thế gian, bà vẫn mang dáng vẻ một phụ nữ digan nay đây mai đó, vẫn đeo những đồ nữ trang hạng xoàng, mặt vẫn thoa phấn, mắt vẫn sáng long lanh, người đàn bà ấy giờ đây gần như được cả thế giới Âu Mỹ nói tới, với đủ lời trang trọng, cảm động và lạ tai. Nào là Cuộc chiến đấu của Grisélidis Real đã chấm dứt, Cái chết của Grisélidis Real, Gái điếm và nhà văn. Nào là: Cáo phó – Grisélidis Real, Nhà văn và gái bán hoa ở Genève, Chia buồn - Cô điếm cách mạng. Nào là: Grisélidis Real có biệt tài chuyển từ vỉa hè sang ngòi bút, Grisélidis Real đã toàn tâm toàn ý đấu tranh cho phẩm giá của các gái đĩ, Gái làng chơi và người đàn bà vĩ đại, Đẹp vô cùng, Grisélidis Real

 

Grisélidis Real sinh ngày 11 tháng 8 năm 1929 ở Lausanne, Thụy Sỹ, trong một gia đình  trí thức khá giả. Cha bà là hiệu trưởng Trường Thụy Sỹ ở nước ngoài. Mẹ là giáo viên trường ấy. Những năm đầu đời, bà sống cùng cha mẹ ở Alexandrie, Ai Cập, rồi Athènes, Hy lạp, nơi cha mẹ làm việc.

 

Không may, cha chết khi bà mới 8 tuổi. Bà theo mẹ cùng gia đình trở về Thụy Sỹ. Cha luôn bận bịu với công việc. Mẹ thì quá nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn. Do vậy bà học hành chểnh mảng, hay nghịch ngợm trong lớp, bị chê trách về hạnh kiểm.

 

Bà hay lủi thủi đi chơi một mình, thích lang thang rất lâu trong rừng. Từ khi cha mất, bà thỉnh thoảng còn bị đói, tình cảm thiếu thốn, tâm thần không thật ổn định. Tuy nhiên, bà vẫn học xong phổ thông rồi vào đại học Nghệ thuật trang trí Zurich.

 

Ra trường, bà nỗ lực kiếm sống như một họa sỹ. Có điều, luôn luôn ám ảnh bà là sự không thỏa mãn vì những thiếu sót trong học tập và cư xử của  bản thân. Song song với nghiệp vẽ, bà còn làm người mẫu. Sau khi kết hôn với một nghệ sỹ, bà gặp một chuyên gia phân tích tâm lý, có biệt tài “gợi mơ trong khi tỉnh”.

 

Quan hệ ngắn ngủi với ông này đảo lộn hẳn cuộc sống nội tâm của bà. Với ông ta, lần đầu tiên bà cảm thấy thế nào là cực khoái. Phát hiện không phải là không ghê gớm ấy đeo đẳng bà suốt từ bấy, khiến bà dần dần khám phá một điều khác quan trọng hơn nhiều.

 

Đó là bất hạnh tình dục, mà không ít người âm thầm chịu đựng mà không hay biết, bất hạnh có thể làm tan vỡ nhiều gia đình, đẩy nhiều kẻ thiếu bản lĩnh đến phớt đời hay lầm lỡ… Khám phá bất ngờ thức tỉnh nơi bà một đời sống mới chừng như khác thường nhưng được quý trọng và ngợi ca như nói trên.

 

Cuộc sống diễn ra nhanh chóng quá. Bà chưa đến ba mươi tuổi mà đã có mang mười một lần, nạo bỏ bảy lần. Trong bốn đứa con, chỉ hai đứa là của chồng. Nhiều bất hoà không chỉ với chồng buộc bà phải ly dị và đưa bốn con cùng trốn sang Đức năm 1960 với một người tình đang trong một trại tâm thần.

 

Lạ nước lạ cái, trong khi xoay xở tìm việc, bà chấp nhận quan hệ xác thịt với một lái xe taxi ngay trên đường, tiền kiếm được không ít. Vả chăng, từ khi mới vào đời, bà đã không mấy dễ chịu khi phải dưới quyền người khác. Bà từng ước ao không phải làm nô lệ cho một cửa hàng, một văn phòng hay một ông chủ.

 

Đã thế, nhu cầu cơm áo gạo tiền cho các con là một sức ép mỗi ngày một tăng. Để có tiền, bà làm tình nhân của nhiều người cùng lúc rồi đi vào bán  mình lúc nào không hay. Điều lạ là công việc này mang lại cho bà không chỉ tiền bạc mà còn nhiều rung động tâm hồn mới lạ.

 

Đấy là tình thương đối với những người cùng cảnh ngộ, sự xót xa trước những “giọt nước mắt mà đời không trông thấy” từ những gia đình lục đục hay bị phá vỡ, khiến người vợ phải ra đứng đường, người chồng phải tìm an ủi nơi nhà chứa hay quán rượu.

 

Đấy cũng là sự phẫn uất trước kỳ thị và ghét bỏ của xã hội, hay sự tàn bạo lạnh lùng của pháp luật đối với lớp người đáng thương bậc nhất của cõi người.

 

Hàng ngày vừa bị đói  vì muốn dành tất cả cho con, bà vừa không được quyền chọn khách, phải “làm việc” liên tục và nhọc nhằn. Thế nhưng, do những xao xuyến vừa nói, bà tranh thủ mọi cơ hội và thời gian để tìm hiểu về nghề mại dâm, đương nhiên chủ yếu qua sách báo.

 

Bà đọc rất nhiều, khiến bạn chơi hết sức kinh ngạc. Bà lần hồi nhận ra vai trò của chủ nghĩa phồn thực được thần thánh hoá ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Bà hiểu được rằng nghề mại dâm tồn tại từ lâu lắm rồi, rằng gái làng chơi không phải tất cả đều xấu xa tồi tệ…

 

Từ nghề mại dâm, bà tìm hiểu về tâm lý học, đặc biệt là tâm lý tình dục. Bà cũng đi sâu vào khoa tình dục học. Lâu dần, nhà bà trở nên một thư viện đặc biệt, đầy sách về những gì liên quan đến phồn thực, quan hệ nam nữ. Đó thực sự là một trung tâm tư liệu về tình dục và về mại dâm toàn cầu…

 

Đầu những năm 1970, bà sang Pháp với một người tình nghiện ngập mà bà cố gắng cứu khỏi khổ đau và tù tội. Bà tích cực tham gia vào các hoạt động của giới mại dâm ở đây, ví dụ cuộc chiếm nhà thờ Saint – Bernard ở Montparnasse, của tập thể gái làm tiền Paris với yêu sách chủ yếu là chính phủ bãi bỏ tiền phạt khi họ chèo kéo khách ngoài đường, chấm dứt truy tố chồng hay tình nhân của họ về tội đồng loã…

 

Đầu những năm 1980, bà quay về Thụy sỹ. Ngày 5/5/1982, Trung tâm Aspasie - tên kỹ nữ bạn tình của  Périclès - do bà thành lập ra đời, nhằm trợ giúp gái bán hoa về vật chất và tinh thần. Nhờ trung tâm, quan hệ với cảnh sát tốt đẹp hơn, người môi giới mại dâm hiếm dần, đời sống những cô gái sa cơ lỡ bước dễ chịu hơn. Năm 1998, bà thành lập Trung tâm trợ giúp mại dâm thứ hai mang tên Astarté, nữ thần sinh sản.

 

Bà đứng ra tổ chức hay hăng hái tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo, tranh luận ở Thụy sỹ và nhiều nơi trên thế giới. Khi AIDS mới bùng nổ, bà phản đối những chiến dịch tuyên truyền cố ý hay vô tình quy tội cho gái làm tiền…

 

Các hoạt động phong phú, dồn dập của bà không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái. Chẳng hạn, bà từng bị một đạo diễn lợi dụng nhiệt tình của bà để biến những cảnh quay mà bà tham gia trong một phim nói về nghề “bán trôn nuôi miệng” thành những cảnh thuần tuý gợi dục. 

 

Do đó, từ rất sớm, bà đã đến với văn chương, nơi tâm sự và suy tư được bầy tỏ trung thực và tự do nhất. Bà làm thơ, viết tiểu thuyết, tất cả thấm đẫm một chất trữ tình nhói đau và ước nguyện. Ngay trước khi qua đời, bà còn làm những vần thơ chân thật hiếm thấy: Vâng, tôi từng sống/ và chủ yếu từng tan nát lòng/ trước tuổi/ vì đói/ vì thiếu cha/ vì người mẹ quá nghiêm khắc và quá thương người/ …/ vì đắng cay trước cảnh sát/ vì rạc cẳng đêm tìm khách/ vì tình yêu… .

 

Thật may, đầu năm nay, người ta vừa tái bản hai trong số những tác phẩm hay nhất của bà. Ấy là Mầu đen cũng là một mầu (1974) và Sổ tay vũ hội của một kỹ nữ (1981). Cả hai tiểu thuyết đều dựa vào đời thực của bà, toát lên một tình yêu thương xót xa và bao dung thấm thía. Cuộc đấu tranh của bà hiện được nhiều phụ nữ khác tiếp tục.

 

Hẳn do nhận thức được mình là một biểu hiện của tư tưởng về nhân phẩm con người, từ lâu, bà đã treo ở cửa ra vào nhà mình tấm biển: “Bà Grisélidis Real, nhà văn, hoạ sỹ, gái làng chơi”…

 

Theo Tiền phong