1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những vấn đề nổi cộm của thế giới nửa đầu năm 2016

(Dân trí) - Thế giới đã chứng kiến những biến động trong nửa đầu năm 2016. Trong khi cả châu Âu đã bị sốc với quyết định nhất trí "ly hôn" EU của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý thì người Mỹ choáng váng và sửng sốt khi ứng viên tổng thống gây nhiều tranh cãi Donald Trump cầm chắc tấm vé ứng cử tổng thống của đảng Cộng hòa.

Tình hình Biển Đông tiếp tục nóng


Tàu sân bay Mỹ tập trận ở biển Tây Philippines (Ảnh: Reuters)

Tàu sân bay Mỹ tập trận ở biển Tây Philippines (Ảnh: Reuters)

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng trong nửa đầu năm 2016 do các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Càng về giữa năm, Biển Đông càng “tăng nhiệt” trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Lay, Hà Lan chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.

Từ đầu năm, Trung Quốc đã leo thang các hành động phi pháp ở Biển Đông như đưa các hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa và đẩy mạnh xây dựng phi pháp ở Trường Sa, trong đó có việc hoàn thành một đường băng trái phép. Mỹ và các quốc gia trong khu vực đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích các hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Tại Diễn đàn Shang-ri La lần thứ 15 ở Singapore, Bắc Kinh cũng hứng "bão" chỉ trích của các quốc gia trong khu vực vì các hành động ngang ngược ở Biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển, Mỹ, Úc và New Zealand đã điều tàu chiến, máy bay tới Biển Đông để khẳng định tự do hàng hải trong khu vực.

PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” vào ngày 12/7 tới. Với việc kết quả của vụ việc được dự đoán sẽ bất lợi cho Philippines và Trung Quốc tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết, các chuyên gia dự đoán tình hình Biển Đông có thể còn biến động trong thời gian tới.

Châu Âu chấn động vì vụ "ly hôn" của Anh


Hai phụ nữ tham gia cuộc tuần hành phản đối Anh rời EU tại London (Ảnh: Reuters)

Hai phụ nữ tham gia cuộc tuần hành phản đối Anh rời EU tại London (Ảnh: Reuters)

Việc đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ “ly hôn” Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 đã gây sốc khắp châu Âu và gây chấn động thế giới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia bỏ phiếu rời khỏi liên minh gồm 28 thành viên. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã khiến thế giới bàng hoàng và gây ra sụt giảm giá trị trên các thị trường chứng khoán khắp thế giới.

Đối với người Anh, cuộc trưng cầu dân ý đã gây xáo trộn trên chính trường, với việc Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức, trong khi Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn thất bại trong một cuôc bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng. Trong khi đó, cử tri Anh tỏ ra hoang mang và đã xuống đường biểu tình phản đối Brexit.

Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý lại và sẽ từ chức vào tháng 10 tới, để người kế nhiệm bắt đầu tiến trình Anh rút khỏi EU. Tiến trình đàm phán để Anh rời EU được dự đoán sẽ phức tạp và kéo dài, có thể mất tới 2 năm.

Chiến dịch bầu cử sơ bộ tại Mỹ gây nhiều bất ngờ


Một nghệ sĩ phác họa chân dung 2 ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump trên những quả bí (Ảnh: Reuters)

Một nghệ sĩ phác họa chân dung 2 ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump trên những quả bí (Ảnh: Reuters)

Chiến dịch bầu cử sơ bộ kéo dài và tốn kém nhằm tìm ra ứng viên của 2 chính đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 trở thành tâm điểm chú ý tại Mỹ. Chiến dịch ban đầu thu hút sự quan tâm một phần vì những phát ngôn gây sốc của ứng viên Cộng hòa Donald Trump và sau đó là những chiến thắng bất ngờ của ông này trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang.

Mùa bầu cử sơ bộ đang đi tới hồi kết, khi ứng viên dẫn đầu của hai chính đảng đã lộ diện và chỉ chờ được xướng tên trong đại hội đảng toàn quốc trong tháng 7 này. Ở phía đảng Dân chủ, cuộc đua khá bình lặng và chiến thắng gần như chắc chắn thuộc về ứng viên được dự đoán về nhất ngay từ đầu là Hillary Clinton. Trong khi đó, về phía đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump gây bất ngờ khi dẫn đầu. Việc một nhân vật chưa hề có kinh nghiệm chính trị “hạ gục” mọi đối thủ sừng sỏ đã gây hốt hoảng trong đảng Cộng hòa.

Những tuyên bố gây nhiều tranh cãi của ông Trump cũng gây bàn tán khắp thế giới, như các phát ngôn về người nhập cư, người Hồi giáo, chống khủng bố... Một loạt các lãnh đạo thế giới, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, tới Tổng thống Pháp Francois Hollande, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel... đã buộc phải lên tiếng về những phát ngôn tranh cãi của tỷ phú bất động sản New York.

Sau mùa bầu cử sơ bộ, cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ sẽ bước vào giai đoạn mới, khi ứng viên của các chính đảng chạy đua vào Nhà Trắng, với sự kiện quan trọng cuối cùng là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Quan hệ Nga-NATO vẫn “ông chẳng bà chuộc”


Các binh sĩ Nga (Ảnh: Sputnik)

Các binh sĩ Nga (Ảnh: Sputnik)

Quan hệ Nga-NATO chưa có dấu hiệu tan băng kể từ đầu năm nay, với việc hai bên liên tiếp cáo buộc nhau làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

NATO đang hiện thực hóa kế hoạch nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh ở Đông Âu, Địa Trung Hải và Biển Đen. Liên minh này liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận gần biên giới Nga trong nỗ lực nhằm trấn an các quốc gia Đông Âu lo ngại về hành động của Moscow gần Ukraine. Mỹ và NATO hồi tháng 5 đã kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và đầu tư 800 triệu USD. Liên minh quân sự còn lên kế hoạch để đưa 4 tiểu đoàn với khoảng 4.000 binh sĩ tới khu vực Baltic nhằm tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu.

Khi tàu chiến Mỹ gia tăng sự hiện diện trong khu vực, giới chức Nga và Mỹ liên tục tố tàu chiến của nhau có các hành động “áp sát nguy hiểm” ở Địa Trung Hải và Biển Baltic.

Đáp lại, Nga cũng tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn; tuyên bố sẽ đáp trả các hành động của NATO như sắp hoàn tất quá trình phát triển một hệ thống tên lửa mới có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ của liên minh quân sự này và sẽ trả đũa tương xứng nếu Phần Lan gia nhập NATO.

Triều Tiên không từ bỏ tham vọng hạt nhân


Nhà lãnh đạo Triều Tiên quan sát một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: KCNA/EPA)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên quan sát một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: KCNA/EPA)

Bán đảo Triều Tiên vẫn là một điểm nóng của thế giới nửa đầu năm 2016 với các bước đi của Bình Nhưỡng nhằm phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 1, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thực hiện thành công vụ hạt nhân lần thứ 4, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Chỉ ít ngày sau đó, Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng 2.

Trong tháng 4 và 5, Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa tầm trung Musudan, được cho là có khả năng bắn tới đảo Guam của Mỹ, nhưng cả 5 lần đều không thành công.

Triều Tiên còn tuyên bố đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, coi đây là một "thành công lớn". Liên hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và mạnh hơn đối Triều Tiên nhưng các biện pháp này dường như không có tác động gì đối với tham vọng hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á.

Hồ sơ Panama gây rúng động chính trường thế giới


Ảnh minh họa: Motherjones

Ảnh minh họa: Motherjones

Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, được gọi là “Hồ sơ Panama”, đã làm thế giới “chao đảo” khi tiết lộ nhiều bí mật động trời của các nhân vật nổi tiếng. Hàng triệu chứng từ thuế của công ty Mossack Fonseca tại Panama đã bị công bố trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Các tài liệu này tố cáo hoạt động rửa tiền và trốn thuế liên quan đến nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới, trong đó có 72 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của các quốc gia, các ngôi sao thể thao, tỷ phú.... Những tài liệu này được thu thập từ 40 năm qua, trong giai đoạn từ 1977 tới cuối 2015 và liên quan tới khoảng 214.000 tổ chức doanh nghiệp tại nước ngoài.

Hồ sơ Panama” được cho là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, thậm chí lớn hơn vụ tiết lộ của WikiLeaks năm 2010. Vụ việc đã khiến một số nhân vật mất chức như Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha José Manuel Soria, Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo Michael Grahammer cùng một số quan chức cấp cao thuộc của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Hàng loạt quốc gia, trong đó có Đức, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Úc... đã cam kết sẽ kiểm tra xem có bao nhiêu công dân của họ là khách hàng của Mossack Fonseca và liệu họ đã trốn thuế hay không.

IS bị đẩy lùi tại Iraq và Syria


Syria đã giải phóng thành cổ Palmyra khỏi tay IS (Ảnh: Reuters)

Syria đã giải phóng thành cổ Palmyra khỏi tay IS (Ảnh: Reuters)

Từ năm 2014, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria và tuyên bố thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” trên các khu vực mà chúng chiếm đóng. Trong nửa đầu 2016, cuộc chiến chống lại IS tại Iraq và Syria đã chứng kiến những thắng lợi quan trọng.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 3, từ đầu năm 2015 đến nay IS đã mất 22% lãnh thổ chiếm được ở Iraq và Syria. Cụ thể IS mất 14% lãnh thổ tại Iraq và Syria trong năm 2015, và mất thêm 8% nữa từ đầu năm 2016 đến nay.

Tại Syria, quân đội chính phủ, với sự trợ giúp của các lực lượng Nga, hồi tháng 3 đã giành lại thành cổ Palmyra từ tay phiến quân IS, gần một năm sau khi IS chiếm quyền kiểm soát thành cổ này. Chiến dịch quân sự kéo dài gần 1 tháng, với hàng trăm cuộc không kích của Nga và các quân đội Syria. Việc giải phóng thành cổ Palmyra được coi là một chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, có thể giúp cắt đứt tuyến đường trung chuyển vũ khí và chiến binh của IS giữa 2 miền của Syria.

Tại Iraq, chính phủ Iraq hồi cuối tháng 6 tuyên bố đã hoàn toàn giải phóng thành phố Fallujah khỏi lực lượng IS. Fallujah cũng nằm ở vị trí chiến lược, cách thủ đô Baghdad khoảng 60 km về phía tây. Thắng lợi tại thành phố này giúp quân đội Iraq có thêm đà để tiến tới giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq bị rơi vào tay IS kể từ tháng 6/2014.

Hàng loạt vụ tấn công đẫm máu


Sân bay tại Brussels tan hoang sau vụ đánh bom ngày 22/3 (Ảnh: Reuters)

Sân bay tại Brussels tan hoang sau vụ đánh bom ngày 22/3 (Ảnh: Reuters)

Thế giới đã bị chấn động bởi các vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở nhiều nơi, mà phần lớn trong số đó do nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo gây ra. Phải kể đến trong số đó là vụ tấn công sân bay ở Brussels (Bỉ) làm 32 người chết, vụ tấn công và bắt cóc con tin tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) làm 22 người thiệt mạng, vụ đánh bom đẫm máu nhất tại Iraq kể từ năm 2016 làm 250 người chết; đánh bom tự sát và xả súng tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hôm 14/1, khiến 7 người chết.

IS cũng bị nghi gây ra vụ xả súng và đánh bom kiểu Brussels tại sân bay lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Istanbul mới đây, cướp đi sinh mạng của 44 người. Dù IS chưa lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng IS là thủ phạm.

Một người đàn ông đã gây ra vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ khi sát hại 50 người tại một hộp đêm ở thành phố Orlando hồi tháng 6/2016. Chưa rõ động cơ gây án của thủ phạm của vụ xả súng, kẻ đã bị tiêu diệt, nhưng các nguồn tin báo chí Mỹ cho biết tên này đã thề trung thành với IS.

An Bình