1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản 100 ngày sau thảm hoạ kép:

Những nỗ lực không ngừng và ngổn ngang thách thức

(Dân trí) - Chỉ trong vài phút, thiên tai đã cướp đi của Nhật Bản hơn 15. 400 người, chưa tính hơn 8.000 người mất tích; cuốn đi 3,5 % tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản, chưa tính đến những thiệt hại do sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I gây ra.

 
100 ngày đã qua, khu vực chịu thảm hoạ còn ngổn ngang dấu vết của thiên tai thảm khốc...
 
 
Những nỗ lực không ngừng và ngổn ngang thách thức - 1
Việc quét dọn những bãi rác khổng lồ là công việc đòi hỏi thời gian.

Tái thiết - mới ở giai đoạn đầu

Theo ước tính mới nhất được chính phủ Nhật Bản công bố hơn 3 tháng sau thảm hoạ kép 11/3 ở đông bắc nước này, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 210 tỷ USD - cao hơn khoảng 1,8 lần so với những tổn thất sau trận động đất Kobe năm 1995 (khi đó tổng thiệt hại là khoảng 119,2 tỷ USD).

Không biết bao nhiêu những ngôi nhà, cơ sở sản xuất, văn phòng, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp đã bị cuốn trôi; cùng thiệt hại do toàn bộ hệ thống cầu đường, xa lộ, hệ thống phân phối ga, điện, nước, bến cảng và đất canh tác bị hủy hoại.

Nếu so sánh với thảm họa tại Kobe thì thiệt hại đối với các công trình nhà cửa cao hơn gấp 1,7 lần; trong khi đó, tổn thất đối với các cơ sở nông và ngư nghiệp cao gấp 20 lần. Chính phủ cho rằng, sở dĩ tổng thiệt hại lớn như vậy là do thảm họa hôm 11/3 đã tàn phá trên một diện rộng hơn so với thảm họa tại Kobe.

Hiện vẫn có hơn 90.000 người bị ảnh hưởng của thiên tai phải sống ở nơi lánh nạn. Cung ứng điện lực và khí đốt ở tuyệt đại đa số khu vực bị ảnh hưởng của động đất/sóng thần đều đã cơ bản khôi phục, nhưng vẫn có khoảng 58.000 hộ gia đình bị ngừng cung cấp nước sạch.

Ngoài ra, do doanh nghiệp ngành ngư nghiệp, nông nghiệp và ngành chế tạo ở vùng thiên tai bị thiệt hại nặng, riêng ba tỉnh Miyagi, Iwate, Fukushima đã có khoảng 40.000 nghìn người dân bị ảnh hưởng của thiên tai đang tìm việc làm, nhưng hiện nay trong phạm vi ba tỉnh này chỉ có khoảng 4.300 cơ hội việc làm dành cho họ.

Công cuộc tái thiết mới chỉ ở giai đoạn đầu: việc quét dọn những bãi rác khổng lồ gặp nhiều chậm trễ, nạn nhân còn sống sót vẫn chưa có có được một mái nhà dù là tạm thời.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân

Tiếp theo sau là hiểm họa phóng xạ do nhà máy Fukushima I gây nên. Là một trong 7 nước công nghiệp hàng đầu, guồng máy sản xuất của xứ Phù Tang đã bị chựng lại. Nhật Bản liên tục bị các cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro hạ điểm tín nhiệm.

Các nhà phân tích cho rằng chỉ nội cuộc khủng hoảng hạt nhân này thôi cũng khiến nước Nhật bị tổn thất từ 50-100 tỉ USD. Trong khi đó, 100 ngày sau thiên tai, tình trạng khu nhà máy điện nguyên tử Fukushima vẫn hoàn toàn bế tắc.

Trong tháng 5 /2011, nhập siêu của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất so với hai năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân chính là do Tokyo đã phải tăng nhập khẩu năng lượng vào lúc mà chỉ có 19 trên tổng số 54 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc còn hoạt động để cung cấp điện cho mạng lưới công nghiệp, và bảo đảm mức tiêu thụ cho 127 triệu dân.

Bên cạnh đó thì guồng máy sản xuất của Nhật Bản đã bị chững lại khiến tổng kim ngạch xuất khẩu giảm tới 10,3% trong cùng thời kỳ. Ngành công nghệ xe hơi, điện tử vừa thiếu phụ tùng, vừa bị cúp điện lại vừa phải khắc phục hậu quả thiên tai, nên nhịp độ sản xuất đã bị chậm lại. Trong báo cáo gần đây Ngân hàng Thế giới lo ngại kim ngạch sản xuất công nghiệp của Nhật Bản trong năm nay sẽ giảm đi tới 3,7% so với tài khóa 2010.

Trong lĩnh vực du lịch: không có gì ngạc nhiên khi biết rằng sau hai vụ thiên tai cộng thêm khủng hoảng hạt nhân ở khu nhà máy Fukushima, khối lượng du khác nước ngoài vào Nhật trong tháng 5 vừa qua đã giảm đi hơn 50% so với cùng thời kỳ năm ngoái và một tháng trước đó, thì đà tuột dốc này còn nghiêm trọng hơn nữa (-62%). Theo lời một chuyên gia kinh tế, trong ba tháng vừa qua, ngành du lịch Nhật Bản đã thất thu khoảng 1.500 tỷ yen.

Chính quyền Tokyo đã giải ngân 50 tỷ USD, và tuần trước là 25 tỷ tiếp theo để khởi công các chương trình tái thiết vùng bị nạn. Nội các của Thủ tướng Naoto Kan cũng đang nghiên cứu khả năng áp dụng một loại thuế mới, gọi là thuế tương trợ nạn nhân thiên tai để đem về khoảng 300 tỷ USD trong vòng 10 năm sắp tới để xây dựng lại nhà ở, hạ tầng cơ sở đã bị ngọn sóng 14 mét cuốn đi.

Trà Giang
Tổng hợp