1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những mục tiêu tiềm tàng của siêu bom Nga FAB-3000 tại Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Những quả bom FAB-3000 mạnh nhất có mô-đun UMPC sẽ được Quân đội Nga sử dụng để tấn công mục tiêu nào của Ukraine? Các máy bay nào của họ có thể mang được loại bom này?

Những mục tiêu tiềm tàng của siêu bom Nga FAB-3000 tại Ukraine - 1

Tiêm kích bom Su-34 của Không quân Nga (Ảnh: The Drive).

Mục tiêu nào tiềm tàng

Vào ngày 20/3, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới một tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở vùng Nizhny Novgorod, đại diện của tổ hợp, này đã chính thức thông báo việc sản xuất hàng loạt loại vũ khí có sức công phá mạnh nhất, đó là siêu bom FAB-3000 hay còn gọi là "búa tạ nặng ba tấn".

Hiện nay, hai loại FAB-5000 hay FAB-9000 không được Nga dùng vì chưa có loại phương tiện nào mang được chúng.

FAB-3000 cũng đã được Tu-22M3 sử dụng bằng phương pháp thả rơi tự do để tấn công nhà máy thép Azovstal trong chiến dịch bao vây thành phố Mariupol vào tháng 5/2022.

Do lực lượng phòng không Ukraine tương đối mạnh, nên việc sử dụng loại siêu bom này, sẽ chỉ có thể thực hiện được khi kết hợp với mô-đun UMPC (mô-đun lập kế hoạch, hiệu chỉnh phổ quát), đồng thời có thể phải lắp thêm động cơ tên lửa đẩy phụ.

Từ kinh nghiệm sử dụng bom cỡ lớn FAB-1500 trên chiến trường Ukraine cho thấy, mặt dù đã thiết kế lại toàn bộ mô-đun UMPK, nhưng tầm bay của bom lượn FAB-3000 có thể sẽ kém hơn.

Rõ ràng là việc tăng khối lượng của bom sẽ ảnh hưởng lớn đến tầm bay, do vậy chúng phải có thiết kế mô-đun lượn riêng.

Việc sử dụng rộng rãi loại vũ khí cực mạnh này sẽ giúp Quân đội Nga giải quyết yêu cầu chiến trường, đặc biệt là với những mục tiêu đặc biệt kiên cố.

Việc nối lại sản xuất hàng loạt FAB-3000 đã được Quân đội Nga chào đón nồng nhiệt. Khi được trang bị các mô-đun UMPK, những quả bom nặng ba tấn này sẽ có thể tiêu diệt bất kỳ công sự dưới lòng đất nào của Ukraine với độ chính xác cao.

Theo đánh giá từ thực tế chiến trường, các loại bom 500kg hay 1.500kg của Nga đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát thành công pháo đài Avdiivka cũng như nhiều khu vực phòng thủ kiên cố khác. Và bây giờ, nếu sử dụng bom FAB-3000 một cách hợp lý, có thể giúp Nga phá hủy bất kỳ boongke hay hầm ngầm nào của Ukraine theo đúng nghĩa đen.

Với những loại mục tiêu không thể bị tấn công hiệu quả bằng bom hoặc tên lửa thông thường đang có trong biên chế, thì loại siêu bom này sẽ có đất "dụng võ". Các cây cầu bắc qua sông Dnieper - hiện vẫn chưa bị Nga tấn công - có thể là những nơi được "nếm mùi" đầu tiên.

Những mục tiêu tiềm tàng của siêu bom Nga FAB-3000 tại Ukraine - 2

Máy bay Tu-22M3 của Nga (Ảnh: Wikipedia).

Máy bay nào có thể mang bom FAB-3000?

Việc Quân đội Nga công khai việc sản xuất hàng loạt bom FAB-3000 cho thấy họ không sử dụng kiểu nhỏ giọt mà sẽ dùng hàng ngày với quy mô lớn, tuy nhiên đòi hỏi phải có đủ oanh tạc cơ nhưng điều này không hề đơn giản.

Các chuyên gia nêu tên ba loại máy bay mà Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có thể sử dụng gồm Su-34, Tu-22M3 và Tu-160M.

Tiêm kích bom Su-34

Su-34 - "ngựa thồ" chủ lực của Nga ở Ukraine - có tải trọng chiến đấu gấp đôi Su-24 nhưng sở hữu khả năng cơ động gần như ngang bằng tiêm kích.

Su-34 là chiến đấu cơ thuộc thế hệ 4+, tuy nhiên, trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, chúng buộc phải bay trên đầu mục tiêu để thả bom thường. Chiến thuật cổ điển này đã biến chúng thành mục tiêu tương đối dễ đối với phòng không Ukraine, khiến nhiều chiếc bị bắn hạ.

Giải pháp cho vấn đề này là trang bị mô-đun UMPK cho bom rơi tự do, giúp phi công thả bom mà không cần bay vào bán kính sát thương của các hệ thống phòng không tầm trung hay tầm thấp của Ukraine.

Bom cỡ 500kg là loại đầu tiên được trang bị mô-đun UMPK, sau đó là 250kg và 1.500kg. Để sử dụng FAB-3000, mô-đun UMPK phải được thiết kế lại.

Về mặt lý thuyết, Su-34 có thể mang được một quả bom lượn FAB-3000 vì nó có giá treo bình nhiên liệu phụ gắn ngoài PTB-3000 có cùng khối lượng.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là Su-34 không được thiết kế để leo cao, tăng tốc để thả bom có kích thước như vậy ở tốc độ siêu thanh.

Nói cách khác, nếu bắt đầu sử dụng Su-34 để liên tục thả bom FAB-3000, thì tình trạng kỹ thuật sẽ rất nhanh chóng giảm xuống. Và Nga cũng không có nhiều Su-34 để có thể lãng phí như vậy.

Ngoài ra Su-34 còn phải dùng để phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal hoặc các thùng chứa cho radar Sych, khi những chiếc A-50U cảnh báo sớm của Nga bị tê liệt.

Tu-22M3 và Tu-160

Loại oanh tạc cơ thứ hai Nga thực sự có thể sử dụng "búa tạ ba tấn" là máy bay ném bom mang tên lửa siêu âm tầm xa Tu-22M3.

Về lý thuyết, FAB-3000 cũng có thể được sử dụng trên máy ném bom chiến lược Tu-160, nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải nâng cấp các khoang chứa bom bên trong của chúng, điều này rất lãng phí, khó có thể thực hiện được.

Những mục tiêu tiềm tàng của siêu bom Nga FAB-3000 tại Ukraine - 3

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga (Ảnh BQP Nga).

Xét đến thực tế chiến trường Ukraine hiện nay, Tu-22M3 mang được tất cả các loại bom trong biên chế của Nga. Nó có thể mang 18 quả FAB-500, hoặc 8 quả FAB-1500, hoặc 3 quả bom FAB-3000 trong một lần xuất kích.

Tu-22M3 có ba giá treo có thể chịu được sức nặng của một quả bom nặng 3 tấn gồm một giá treo ở giữa (bụng) cùng hai giá treo ở cánh mà không cần phải cải tạo hay gia cố gì.

Trong giai đoạn đầu Nga cũng đã sử dụng Tu-22M3 làm nhiệm vụ chiến thuật, thực hiện các cuộc không kích vào Azovstal do khi đó lực lượng Ukraine đang bị bao vây đồng thời thiếu vũ khí phòng không hiệu quả.

Nhưng liệu Tu-22M3 có trở thành "ngựa thồ" chủ lực trong việc sử dụng FAB-3000 của Nga? Câu trả lời có lẽ là không.

Thực tế là chúng được phát triển cho những nhiệm vụ mang vũ khí hạt nhân, mục đích chính là tiêu diệt các nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ.

Máy bay Tu-22M3 được thiết kế như một sát thủ tàu sân bay với tên lửa chống hạm, là nền tảng của lực lượng không quân hải quân Nga. Ngoài ra, chúng có khả năng tấn công các mục tiêu của khối NATO, ở khắp lãnh thổ châu Âu.

Tuy nhiên, trong cuộc cải cách quân đội dưới thời Bộ trưởng Serdyukov, Tu-22M3 đã bị loại bỏ khỏi lực lượng chống hạm tầm xa của không quân hải quân, chuyển sang không quân tầm xa của Hàng không Vũ trụ Nga.

Tu-22M3 đã ngừng sản xuất từ lâu, hiện không có nhiều chiếc còn hoạt động tốt. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra: liệu Bộ Quốc phòng Nga có sẵn sàng chuyển một phần Tu-22M3 thành máy bay ném bom chiến thuật hay không?

Giữa lúc mối quan hệ giữa Nga - NATO ngày một leo thang căng thẳng, đồng thời cuộc xung đột với Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết liệt,  Bộ Quốc phòng Nga có lẽ sẽ chỉ sử dụng Tu-22M3 ở quy mô khiêm tốn để đáp ứng nhiệm vụ trước mắt.

Hiện Không quân Nga có nhiềuTu-95MS nhưng chúng quá chậm, không thể cung cấp cho bom tốc độ cần thiết ban đầu.

Hiện tại đã muộn để Nga bắt đầu nghiên cứu, phát triển loại oanh tạc cơ mới nhưng việc thiếu phương tiện mang bom lượn siêu nặng như FAB-3000 có thể được giải quyết nếu quá trình sản xuất Tu-160M được tăng tốc cũng như tận dụng, phục hồi đưa vào sử dụngTu-22M3 để tăng hỏa lực trên chiến trường Ukraine.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine