1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhân Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội:

Những mốc son tiến tới một cộng đồng lớn mạnh

(Dân trí) - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời sau nhiều năm nhiều quốc gia ở Đông Nam Á ấp ủ dự định thành lập một tổ chức khu vực thúc đẩy hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa.

Và thực tế đã khẳng định rằng các nước thành viên vì một cộng đồng lớn mạnh đã xây dựng được một ASEAN ngày càng lớn mạnh.

Cùng với sự ảnh hưởng của các trào lưu hình thành “chủ nghĩa khu vực” trên thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ II và sau nhiều cuộc thảo luận, ngày 8/8/1967, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Thái Lan, Philipines, Singapore và Phó Thủ tướng Malaysia ký tại Bangkok bản Tuyên bố thành lập ASEAN.
 
Trước khi đạt được tuyên bố này, nhiều tổ chức khu vực đã xuất hiện và một số hiệp ước giữa các nước trong khu vực được ký kết, như năm1959 là Hiệp ước Hữu nghị và Kinh tế Đông Nam Á (gồm Malaysia và Philipines); năm1961 là Hiệp hội Đông Nam Á (gồm Thái Lan, Philipines và Malaysia) và năm1963 là tổ chức gồm Malaysia, Philipines và Indonesia, gọi tắt là MAPHILINDO ra đời.
 
Những mốc son tiến tới một cộng đồng lớn mạnh - 1


Lãnh đạo những nước đầu tiên đặt nền móng cho ASEAN –Narciso Ramos của Philippines, Adam Malik của Indonesia, Thanat Khoman của Thailand, Tun Abdul Razak của Malaysia, S. Ralaratnam của Singapore – ký tuyên bố ASEAN năm 1967

Từ 5 nước thành viên ban đầu, đến nay ASEAN đã có 10 quốc gia thành viên, gồm: Indonesia, Thái Lan, Philipines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia. ASEAN có diện tích 4,5 triệu km2, dân số khoảng 575 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.487 tỷ USD (ước tính năm 2009). Cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc hoạt động của ASEAN gồm: Hội nghị Cấp cao ASEAN (Từ năm 2001, được tổ chức thường niên); Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM – thường niên); Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM); Hội nghị Bộ trưởng các ngành (khi cần thảo luận sự hợp tác cụ thể)...

Những mốc son tiến tới một cộng đồng lớn mạnh - 2
Các nước thành viên ASEAN ngày nay

Ngày 27/11/1971, tại Cuala Lămpơ, Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Đặc phái viên của Hội đồng Hành pháp Quốc gia Thái Lan đã ký và công bố “Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập ở Đông Nam á”. Tuyên bố quan trọng này đã định ra các mục tiêu cơ bản và lâu dài của ASEAN là xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức nào của các cường quốc bên ngoài.

Những mốc son tiến tới một cộng đồng lớn mạnh - 3
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ASEAN tại Bali năm 1976

Ngày 24/2/1976, tại Bali, Indonesia, nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) nhằm thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn, tình hữu nghị và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần tăng cường sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước Đông Nam á.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng đã mở ra một trang mới trong lịch sử của khối liên kết khu vực này. Việt Nam đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, tham gia ngay từ đầu Diễn đàn Khu vực ASEAN, cam kết tiến hành thực hiện tốt các chương trình cũng như cơ chế hợp tác của ASEAN. Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác đề ra nhiều sáng kiến mới khắc phục những mặt yếu kém trong ASEAN, thúc đẩy hợp tác khu vực phát triển.

Những mốc son tiến tới một cộng đồng lớn mạnh - 4


Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị ASEAN lần thứ VI tại Hà Nội tháng 12/1998

Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 (năm 2004), lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí xây dựng bản Hiến chương ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 (năm 2007), lãnh đạo các nước ASEAN đã ký thông qua Hiến chương ASEAN và ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hoàn tất việc phê chuẩn Hiến chương trong vòng một năm. Ngày 15/12/2008, Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực sau khi được tất cả các nước thành viên ASEAN phê chuẩn. Đây là một sự kiện quan trọng, là bước ngoặt lịch sử của Hiệp hội trong hơn 40 năm hình thành và phát triển.

Những mốc son tiến tới một cộng đồng lớn mạnh - 5

Các ngoại trưởng ASEAN dự lễ đánh dẫu Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực tại Jakarta tháng 12/2008

Hiến chương ASEAN đánh dấu một bước chuyển mình cơ bản của Hiệp hội sang một giai đoạn mới, trở thành một tổ chức liên chính phủ, có tư cách pháp nhân và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý. Với Hiến chương ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN công nhận rằng việc thúc đẩy quan hệ trong khu vực sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên, góp phần nâng cao vị trí trung tâm của ASEAN trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN có sức cạnh tranh và ngày càng liên kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, trở thành nền móng cho việc đẩy mạnh quan hệ Đông Á.

Nguyễn Viết
Tổng hợp