Những kỉ niệm về Hà Nội với tôi

(Dân trí) - Hà Nội ngày xưa, nay đã khác hẳn. Nó ồn ào với bao biến động đổi thay của thời cuộc. Tôi hiểu Hà Nội thuở bé thơ đã đi vào kí ức như truyện cổ tích… Đất nước chuyển mình chóng mặt, Hà Nội cũng không ngoại lệ, Hà Nội phải là đầu tàu.

“Khâm (khi) mô em ra cậu Xứng ở Hà Nội em ăn kẹo…” câu nói ngọng nghịu nhưng đầy vẻ tự hào bởi có ông cậu là thiếu tá làm bên Bộ Công an của cậu bé 4 tuổi là tôi với anh chị mình ở thành phố Vinh (Nghệ An), mặc dù đã bao nhiêu năm trôi qua mà như vẫn còn văng vẳng bên tai… Hà Nội ngày thơ bé trong tôi là vậy đó!

Lần đầu tiên đặt chân ra mảnh đất thủ đô ngàn năm văn vật là sau ngày Mỹ chịu ngồi vào bàn kí kết Hiệp định Pa-ri vào năm 1968 đàm phán về ngừng ném bom miền Bắc. Tôi đi theo chú Dũ (là em con chú họ của ba tôi – chú làm việc tại Sở Bưu điện Hà Nội) ra thăm mẹ và các em.

Hà Nội qua báo chí, phim ảnh, đài phát thanh hay những trang sách vở thuở học trò với tôi thật là ấn tượng. Có lẽ ở một vùng quê nghèo Xứ Nghệ với quá nhiều sự vất vả trong chiến tranh khi trên bom dưới đạn, lúc lam lũ trong kinh tế chật vật của đời thường thời bao cấp và ở cái lứa tuổi học trò, Hà Nội thủ đô luôn có sức cuốn hút tôi mạnh mẽ lắm.

Cũng phải, bởi ở ngoài Hà Nội có “chú” Võ Nguyên Giáp đại tướng lừng danh qua chiến dịch Điện Biên phủ 1954, bởi ông anh trai tôi thường làm ra vẻ quan trọng với tôi: “Chú Giáp là họ hàng với nhà ta đấy!” (chẳng là cùng họ Võ mà!) Đúng là trẻ con thật, vậy mà tôi cứ tin sái cổ! Và dĩ nhiên là vênh mặt lên đi khoe với lũ bạn hàng phố trong ánh mắt ghen tị của chúng nó!

Còn một lẽ nữa, các bác chú cậu - bà con họ hàng với gia đình tôi khi tập kết ra Bắc đều công tác ở Hà Nội, chỉ có ba mẹ tôi (ra Bắc hoạt động từ năm 1946) là ở trong thị xã Vinh này (sau này gọi là thành phố Vinh).

Hà Nội trong tâm tưởng của tôi ngày bé thơ đó có cái gì quyến rũ và thôi thúc lắm. Ba tôi thường bảo: “Con muốn ra ngoài đó chơi thì con phải ráng mà học cho giỏi!”

Thỉnh thoảng các bác chú cậu vào Vinh thăm gia đình tôi, thể nào cũng có những món quà từ thủ đô. Thường là sách truyện thiếu nhi, tranh ảnh về hồ Gươm và Tháp Rùa, chùa Một Cột, hộp bút chì màu, những đồ chơi và dĩ nhiên là kẹo bánh, ngon ơi là ngon! Mặc dù ở thị xã Vinh ngày đó của chúng tôi đâu có thiếu bánh kẹo.

Tháp Bút – dấu tích xưa.

Tháp Bút – dấu tích xưa.

Hồ Gươm thiêng – Rồng bay một thuở hay tiếng của cha ông vọng về?

Hồ Gươm thiêng – Rồng bay một thuở hay tiếng của cha ông vọng về?

Nhưng sau ngày Mỹ ném bom 5/8/1964 trên toàn miền Bắc, vì điều kiện chiến tranh và công tác nên mọi người cũng thưa vào hơn. Thế là nỗi nhớ Hà Nội trong tôi lại cồn cào… Tôi chăm viết thư cho các bác chú cậu và tự hứa sẽ học giỏi. Đúng là năm nào cũng được danh hiệu: “Học sinh tiên tiến”, đi thi học sinh giỏi văn. Và để thưởng cho đứa cháu, các bác chú cậu thường gửi qua bưu điện những món quà mà tôi thích.

Dần dà Hà Nội cũng qua đi với tôi thầm lặng dần theo thời gian năm tháng…

Hà Nội của ngày xưa, nay đã khác hẳn. Nó ồn ào với bao biến động đổi thay của thời cuộc? Tôi hiểu Hà Nội ngày nào thuở bé thơ đã đi vào kí ức như truyện cổ tích… Cũng phải, đất nước chuyển mình với nhịp độ đổi mới đến chóng mặt thì Hà Nội cũng không là ngoại lệ, thậm chí Hà Nội phải là đầu tàu.

Người Hà Nội ở LB Nga lâu nay mà cụ thể là tại thủ đô Mátxcơva sinh sống, làm việc và học tập cũng không nhiều lắm! Có lẽ sau người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định… mới đến Hà Nội. Không biết so sánh như vậy có khập khiễng lắm không?

Thi thoảng tôi mới gặp bà con quê gốc ở đất “Rồng bay” (Thăng Long). Tuy nhiên, cũng có thời kì người Hà Nội tại Nga khá đông, đó là vào những năm 80, 90 về trước. Dân Hà Nội giỏi làm ăn kinh tế lắm! (Và cũng có một điều lạ: Hầu như người miền Bắc có mặt làm ăn sinh sống tại Nga nhiều hơn người miền Nam).

Dẫu là ở Hà Nội hay ở phương trời nào, tôi cũng nhận thấy “dân gốc Thăng Long” (chứ không phải là những người từ nơi khác đến Hà Nội sinh sống, làm ăn) rất lịch sự từ đi đứng, nói năng… Phải chăng họ được dạy dỗ từ tấm bé trong những gia đình nền nếp gia phong?

Cột cờ Thăng Long hay là hồn thiêng sông núi?

Cột cờ Thăng Long hay là hồn thiêng sông núi?

Hay nguồn nước sinh ra của đất Kinh kỳ xưa nổi tiếng với bao sĩ tử Hà thành tao nhân mặc khách đã tạo cho con người một vẻ lịch lãm? (Nói vậy nhưng cũng chưa hẳn là vậy, bởi vẫn còn đó đây lác đác những hiện tượng buồn mà trong bài viết này, tôi chỉ muốn dành cho người Hà Nội nói chung những nét đẹp…).

Và điều này cũng làm tôi liên tưởng tới sự dịu dàng lịch thiệp đến dễ thương của người dân thành phố Huế - đất Cố đô xưa và cũng bởi nơi đó là quê ngoại của tôi. Mà ấn tượng với tôi về Huế là ở những câu thơ một thời đã đi vào tâm trí:

“…Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!

Nhớ tự ngày xưa thuở chín mười,

Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng,

Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi…”

(Thơ Tố Hữu)

Hà Nội với tôi còn là ở những bài hát của một thời khói lửa và xây dựng: “Người Hà Nội”, “Bài ca Hà Nội”, “Hà Nội niềm tin và hi vọng”, “Em ơi, Hà Nội phố”, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Làng lúa làng hoa”, “Hoa sữa”…

Hay ở họa sĩ Bùi Xuân Phái qua những nét vẽ thần sầu của ông về Hà Nội với phố cổ. Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh tài danh với những bức ảnh đen trắng không thể lẫn vào đâu với Hà Nội qua hồ Gươm, hồ Tây… Và cả nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân với bút ký “Phở” lừng danh một thuở… Ở bộ phim thời khói lửa chống Mĩ: “Em bé Hà Nội” qua vai diễn xuất sắc của bé Lan Hương đã lấy đi nước mắt của bao người…?

Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn vẫn đó…

Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn vẫn đó…

Còn xúc động nào hơn khi “Hà Nội trong mắt ai?”, những thước phim tư liệu nóng bỏng mang tính thời sự về thủ đô ngàn năm văn hiến, đã là một câu hỏi day dứt lòng người về thế thái nhân tình? (Bộ phim đã phải nếm trải bao cay đắng – chỉ vì “dám” động đến những “bức tường” vô hình (!) và tưởng vĩnh viễn bị xếp vào kho, mãi tới khi may mắn được chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem và cho phép công chiếu)

Hà Nội với tôi còn là sau những ngày “cách mạng chính biến” mùa thu năm 1991 tại Nga (chuyến phép đầu tiên của tôi từ ngày đặt chân lên xứ sở của bạch dương tuyết trắng và những người Nga đôn hậu), tôi lại được nện gót giày dạo bước trên những con đường sầm uất rất đặc trưng của 36 phố phường.

Những hàng Bạc, hàng Gai, hàng Đào, hàng Bông, hàng Chiếu, hàng Mã, hàng Trống… mà ngắm nhìn mà trò chuyện mà nhẩn nha nhấm nháp chén trà Thái Nguyên còn tỏa làn khói xanh với mùi thơm quyến rũ ở vỉa hè của bà cụ già tóc bạc phơ với cái nhìn đôn hậu như mẹ tôi đang ở trong Đà Nẵng, mà xì xụp bát phở bò tái còn nóng hôi hổi thơm nức mũi bởi hành hoa, rau mùi, bởi vị cay cay chảy nước mắt nước mũi của ớt giấm tỏi… Lòng cứ thầm tưởng tượng như mình đang thưởng thức “Phở” của Nguyễn Tuân!

Hà Nội với tôi cũng là một đêm trắng vào năm 1991 tại ga Hàng Cỏ bởi tôi vừa xuống chuyến tàu giữa đêm khuya và không muốn làm phiền đến giấc ngủ khi gõ cửa nhà bạn. Tôi muốn lang thang một mình để cảm nhận cái không gian đêm mát mẻ, cái náo nhiệt tấp nập trên sân ga với bao bóng người nhỏ bé đủ các miền quê Bắc Trung Nam qua lại (nó khác với không khí trên sân ga của nước Nga xa xôi mà tôi vừa ở đó trở về…) Và, tôi cũng kịp nhận thấy bao cái cay, cái đắng, cái ngọt… trên sân ga nhỏ bé đêm đó.

Trong chuyến về phép năm đó, dẫu đó đây cũng có chút ồn ào, chút xô bồ (khác thời hòa bình trước và sau năm 1968 lắm), Hà Nội năm 1991 này chưa giàu có như bây giờ. Xe đạp vẫn còn phổ biến, xe máy thì còn khiêm tốn lắm, ô tô hãy còn là của Nhà nước. Người dân hãy còn nghèo khổ lắm mặc dù đổi mới đã được 5 năm (1986).

Nhà cửa hãy còn mộc mạc dù đã có nhiều tòa nhà mới cất vẫn còn thoang thoảng mùi vôi. Người dân có vẻ như đã đông đúc hơn, nhất là dân tứ xứ đổ về Hà Nội sinh sống làm ăn học hành. Xích lô cũng nhiều hơn, quang gánh cũng nhiều hơn, cây tỏa bóng mát bên đường cũng nhiều hơn, hàng quán có phong phú hơn nhất là cái đám bán buôn phe phẩy thì nhộn nhạo lắm!

Và nay, mùa xuân Quý Tỵ 2013 – trước ngày trở lại nước Nga, tôi lại rảo bước trên những con đường thênh thang đến ngạc nhiên của một Hà Nội khác hẳn sau 21 năm đằng đẵng xa quê! Khác với lần trước tôi không phải đi dạo bằng “hăng cải” (hai cẳng – đôi chân ấy mà!) mà được cưỡi trên ô tô, xe máy của những người bà con và bè bạn.

Tôi đã thấy một Hà Nội thực sự choáng ngợp. Những tòa nhà cao ốc hàng mấy chục tầng sừng sững. Cầu vượt, đường cao tốc thênh thang. Phố xá sầm uất. Hàng hóa phong phú. Người xe như mắc cửi nhất là cái đám ô tô ngoại xịn bóng nhoáng với biển xanh nhà nước, biển trắng tư nhân hoa cả mắt. Chưa hết, cái đám xe máy mới khủng! Cứ loang loáng loang loáng đến là chóng mặt.

Tôi có cảm giác một Hà Nội tuy mới mẻ hiện đại hơn nhưng lại có cái gì đó như hơi lộn xộn? Như pha trộn giữa anh thôn quê và anh dân phố? Như hỗn hợp giữa anh Á với anh Âu – Mỹ? Tôi rùng mình bởi xe máy ầm ầm vun vút như tên bay, thậm chí nhiều lúc bất chấp cả luật lệ.

Hà Nội phố phường hôm nay: Người và Xe?

Hà Nội phố phường hôm nay: Người và Xe?

Tôi cảm thấy khó thở vì bụi bặm và tiếng ồn lên ngôi. Cảm thấy bức bối vì những chùm dây điện các loại đen ngòm như mạng nhện (kèm theo là mối lo vì nguy hiểm rình rập từ mớ hổ lốn này?) tỏa trùm đè nặng cả hàng cây xanh bên đường – tôi như nghe tiếng thở dài của hàng cây xanh tội nghiệp bởi mang trên mình cái gánh nặng “của nợ” ấy.

Phố phường đông đúc kẻ bán người mua đủ thứ hàng hóa Tây, Tàu, Ta… thật – giả lẫn lộn? Phố phường cũng hoa cả mắt bởi đủ khách thập phương Âu Mỹ Á Phi… Hoa cả mắt bởi biển quảng cáo nhan nhản đủ màu sắc sặc sỡ. Hoa cả mắt bởi nhà cao thấp chen nhau với đủ kiểu dáng Tây Tàu cứ vươn ra mặt đường mà thi thố.

Hoa cả mắt bởi dòng xe lao vun vút. Hoa cả mắt vì cái cung cách xây dựng lung tung lộn xộn không ra qui hoạch gì cả, kiểu mạnh ai nấy chơi! Hoa cả mắt vì trong cái tình người hôm nay nó cứ như đôi lúc lởn vởn phủ một màn sương hay một cơn gió lạnh lùng thoảng qua? Hoa cả mắt vì trong cái sạch sẽ lại có cả những cái tạp nham lộn xộn cứ vô tình hay hữu ý chường ra trước mắt ta?

Đi chán chê chúng tôi lại tấp xe vào những quán xá bên đường đưa vội vào dạ dày bát phở bò tái hay chín, nạm gầu nhưng xem ra có vẻ như khang khác với phở ngày xưa lắm? Bởi nhìn ra đâu đâu cũng cơm phở cháo?

Có thú vị hơn chăng là khi tôi cùng mấy anh bạn thân thưởng thức vị “cơm bụi – phủi” ở quán “M.T.” bên đường với chả rươi, chả bọc lá lốt, cá diếc hầm nhừ với tương ngon khó tả, cơm canh rau cua, cà pháo trắng phau nhai giòn tan…

Những món ăn đồng quê mà từ lâu đã xa vắng với tôi lắm rồi! Hay thi vị hơn khi thưởng thức món chả cá ở quán “A.V.” (tự dưng tôi quên bẵng sao mình không tới chả cá Lã Vọng nổi tiếng của đất Hà Thành? Vậy mà khi còn ở bên kia tôi đã tự lên “kế hoạch” rồi!)

Chén trà Thái Nguyên của ông cụ về hưu bên kia đường cũng khác xưa nhiều so với chén chè Thái Nguyên của bà cụ tóc bạc phơ dạo nào? (Phải chăng cái ám ảnh về loại thuốc trừ sâu khi bón cây chè đã làm giảm đi cái thú uống chè tao nhã và cái vị chè vốn là sản phẩm mà đất trời ban thưởng cho?)

Tôi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó rất Hà Nội thuở xưa? Tìm mãi trong dòng xe và người nườm nượp như trẩy hội tuy khá nhiều bóng hồng nhưng lại có phần mạnh mẽ thời trang hơn với váy ngắn xẻ tà ngang đùi… Áo ngắn cũn cỡn khoe lưng trần, thậm chí là khoe bụng và rốn (?)… Không phải làn tóc đen dài óng ả và những tà áo dài trắng tinh khiết hay xanh da trời thướt tha thục nữ và vành nón che nghiêng nghiêng với nụ cười e ấp? Hà Nội xưa của chúng ta đâu rồi? Lòng tôi bỗng chớm một nỗi buồn không tên – bởi xã hội đã đổi thay nhiều lắm!

Lòng tôi thoáng gợn chút băn khoăn: Sao Hà Nội giờ lại mở rộng đến thế nhỉ? Thậm chí là có cả vùng sơn cước như Hòa Bình? Người ta nói đùa: Hà Nội giờ đây có cả sơn nữ?! Sao Hà Nội không phải là cái ngày xưa đã đi vào thơ ca nhạc truyện, vào tâm khảm bao người của đất Thăng Long Rồng bay một thuở?

Hãy giữ một Hà Nội nghìn năm văn hiến chứ đừng pha tạp lai căng. Có phải tôi đã lạc hậu rồi chăng? Ừ, cứ cho là thế! Thì đã sao nhỉ. Nếu vì quá đông người sinh sống làm việc, tại sao ta không lập những vùng đất mới không liên quan đến Hà Nội? Tại sao cái gì cũng cứ dồn vào thủ đô?

Cứ như một ngôi nhà đã quá tải không nên mở rộng nó ra mà hãy làm một căn nhà khác đẹp hơn, rộng hơn! Việc gì cứ nới cái nhà cũ ấy ra làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản?

Tuy nhiên, tôi như nhận thấy trong ánh mắt, nụ cười hay những lời nói thoảng nhẹ với âm sắc không lẫn vào đâu của “người Hà Nội gốc” còn lại hôm nay có cái gì đó sâu xa và ẩn chứa một niềm tin, một điều gì khó nói (?) đang chờ đợi ở phía trước mà tôi đã lờ mờ hiểu…

Nhiều, nhiều lắm…kể không hết về những con người, cảnh vật qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, của đất kinh đô Thăng Long xưa, Hà Nội nay? Dẫu không phải là “con dân” của đất thủ đô “Rồng bay” (Thăng Long) nhưng trong lòng tôi từ thuở bé thơ cho đến hôm nay vẫn nghĩ về Hà Nội với một tấm lòng ngưỡng mộ nguyên sơ.

Và lúc này đây, lòng tôi chợt trở về và chìm đắm suy tư với bao điều trong: “Em ơi! Hà Nội phố” (Phú Quang) qua giọng ca ngọt ngào và cả những lời tự sự thổn thức thuở bé thơ một thời đã đi qua của ca sĩ Bằng Kiều:

“…Em ơi, Hà Nội phố

Ta còn em mùi hoàng lan

Ta còn em mùi hoa sữa

Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ

Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm.

Ta còn em hàng phố cũ rêu phong

Và từng mái ngói xô nghiêng

Nao nao kỷ niệm

Chiều Hồ Tây, lao xao hoài con sóng

Chợt hoàng hôn về tự bao giờ…”

Văn Miếu – Nơi tích tụ nhân tài giòng dống con cháu Rồng – Tiên

Văn Miếu – Nơi tích tụ nhân tài giòng dống con cháu Rồng – Tiên

Đã có bao người trăn trở với một Hà Nội – không chỉ là như cô gái nhỏ thuở hẹn hò mà là một Hà Nội xưa yêu dấu đến nao lòng…?

Mátxcơva, Mùa Xuân Quý Tỵ 2013.

Võ Hoài Nam