1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những gam màu u ám của bức tranh thế giới 2015

(Dân trí) - Sau năm 2014 đầy biến động và bất ổn, mọi điểm nóng trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, những yếu tố tác động chính vẫn hiện hữu, báo hiệu thế giới sẽ tiếp tục trải qua một năm nhiều khó khăn với những diễn biến khó đoán định.

Nhìn lại năm 2014, đời sống quốc tế có thể được gói gọn trong cụm từ “bất ngờ, bất ổn và bất an”. Đó là hệ quả tất yếu từ một loạt điểm nóng quốc tế bùng lên từ châu Á tới châu Âu, từ Bắc Phi tới Trung Đông và kể cả ở Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng chủ yếu nhất là do chính sách xoay trục an ninh của Mỹ, sự trỗi dậy quyết liệt của Trung Quốc, cuộc đối đầu căng thẳng Đông-Tây và sự nổi lên của tổ chức khủng bố cực đoan IS. Ngoài ra, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi và các vụ tai nạn liên tiếp của ngành hàng không và hàng hải châu Á cũng là những yếu tố “tô thêm gam tối” cho bức tranh u ám của thế giới trong năm qua.

Sau quá nhiều căng thẳng và bất ổn trong năm 2014, thế giới đang cố gắng tìm kiếm điểm những cân bằng với hy vọng có thể kéo mọi việc lắng xuống. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay, khó có thể kỳ vọng vào những diễn biến tích cực sẽ đến trong năm 2015, cho dù có được nhìn nhận bằng con mắt lạc quan nhất.

Giá dầu lao dốc tác kéo chìm kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi giá dầu. (Ảnh minh họa:
Kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi giá dầu. (Ảnh minh họa: Cleantechnia)
 
Việc giá mặt hàng “vàng đen” tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, hiện đã xuống dưới 50 USD/thùng và có thể còn xuống tiếp trong thời gian tới, đang đặt ra bài toán nan giải cho kinh tế thế giới.

Tất nhiên, nạn nhân chính của tình trạng này là những nước xuất khẩu dầu và có dự toán ngân sách phụ thuộc vào giá dầu như Nga, Venezuela, Kazakhstan, Iran, Iraq, Nigeria, Qatar. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những nền kinh tế khác không bị tác động.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi kinh tế các nước trên bị ảnh hưởng thì tất yếu kinh tế thế giới cũng bị vạ lây. Với một nền kinh tế và hệ thống tài chính thế giới rất dễ bị tổn thương hiện nay, việc giá dầu giảm dù với bất kỳ lý do gì cũng sẽ khiến những khó khăn hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, báo hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính mới đang manh nha hình thành.  

Quan hệ Đông - Tây chưa "hạ nhiệt"

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại G20 ở Nga năm 2013. (Ảnh:
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại G20 ở Nga năm 2013. (Ảnh: Getty)
 
Cuộc khủng hoảng Ukraine trong năm qua đã đẩy quan hệ Đông - Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hồ sơ Ukraine không chỉ dẫn tới việc vẽ lại bản đồ châu Âu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, mà còn dẫn tới một cuộc chiến tranh kinh tế khốc liệt với các lệnh trừng phạt liên tiếp được đưa ra, các quyết định “nắn” dòng cung khí đốt và cuộc chiến giá dầu đang đe dọa đẩy nền kinh tế ốm yếu thế giới quay trở lại trạng thái nguy kịch sau một thời gian ngắn phục hồi nhẹ.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đang gây chia sẽ trong chính nội bộ Liên minh châu Âu (EU) khi một số thành viên cương quyết “xuống tay cứng rắn” với Nga, trong khi số khác chỉ muốn “giơ cao đánh khẽ” vì không muốn kinh tế bị ảnh hưởng.

Mâu thuẫn trong EU sẽ khiến liên minh này khó tìm được tiếng nói chung với Nga, dù là trừng phạt hay tìm kiếm hợp tác “đôi bên cùng có lợi”. Bên cạnh đó, việc Kiev chưa có được một chính quyền đủ mạnh và quan trọng nhất là Mỹ chưa từ bỏ chính sách lôi kéo đồng minh vào cuộc chiến chống Nga sẽ khiến mối quan hệ Đông - Tây chưa thể hạ nhiệt trong năm nay.

Một số chuyên gia còn lo ngại quy mô đối đầu Nga - phương Tây mở rộng phạm vi hơn vào giữa năm nay khi Nga tìm cách xích lại gần hơn với Trung Quốc, còn phương Tây được khích lệ bởi thắng lợi từ cuộc chiến giá dầu và những hành động quyết liệt của Quốc hội Mỹ hiện do đảng Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát.

Năm "thử lửa" của tranh chấp biển đảo ở châu Á

Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh:
Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP
 
Dù những tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Á, đặc biệt tại Biển Đông và Hoa Đông, đã có những dấu hiệu hạ nhiệt nhất định trong những tháng cuối năm 2014 nhưng đây vẫn là vấn đề canh cánh của các quốc gia trong khu vực trong năm 2015.

Thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng 2015 sẽ là năm “thử lửa” ở các vùng biển trong khu vực khi Trung Quốc không còn chủ trì các hội nghị quốc tế lớn, ban lãnh đạo nước này lại đang có kế hoạch triển khai rầm rộ các sáng kiến đưa ra trong năm trước để hiện thực hóa “giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc cần chiếm giữ các cửa ngõ trọng yếu ra Thái Bình Dương. Vì thế, nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông và Hoa Đông nhằm phục vụ mục tiêu chiếm giữ các vùng biển này trong tương lai.

Việc Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tạo các đảo ở Biển Đông, bí mật thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, lần đầu tiên cử tàu chiến xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình hình căng thẳng ở hai vùng biển này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2015, năm bản lề của ASEAN trước ngưỡng cửa thành lập Cộng đồng chung và là năm dự báo sẽ có nhiều thay đổi lớn trong trật tự khu vực cũng như thế giới liên quan đến những chuyển động địa chiến lược của các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Dịch bệnh Ebola khó bị đẩy lùi hoàn toàn

Trong năm 2014, dịch bệnh Ebola đã làm chết 7.000 người trong tổng số gần 20.000 ca nhiễm.

Mặc dù cộng đồng thế giới đã có những nỗ lực rất lớn trong việc huy động cả “sức người, sức của” để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra ngoài vùng Tây Phi, song các phản ứng không đủ nhanh, đủ mạnh.

Việc thế giới chưa tìm ra thuốc điều trị cũng như vắc-xin phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này sẽ khiến dịch bệnh Ebola chưa thể bị tận diệt, đặc biệt khi bệnh dịch đã lan tới hầu khắp các thành thị ở 3 nước “ổ dịch” (Liberia, Sierra Leone và Guinea) nghèo khó, thậm chí đe dọa vượt qua biên giới ba nước này.

IS vẫn là thách thức lớn nhất

Sau gần một năm hoạt động, làn sóng khủng bố mới do IS phát động và tiến hành đã làm chao đảo toàn bộ thế giới. Ít ai có thể ngờ rằng “khối ung thư” mang tên IS này lại có thể “di căn” nhanh chóng đến vậy sau hơn 10 năm Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Sự nổi lên nhanh chóng và tàn bạo của IS là kết quả tích hợp của nhiều nguyên nhân, Trong đó, quan trọng nhất là IS có chiến lược hoạt động rất bài bản, tiềm lực tài chính hùng mạnh, nhiều trang thiết bị chiến đấu hiện đại và một đội quân thiện chiến dao động từ 50.000 - 200.000 người với nhiều thành viên đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Bên cạnh đó, sai lầm chiến lược của Mỹ trong chính sách Trung Đông, tình trạng mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo cố hữu ở “chảo lửa” thế giới, sự giúp sức của các phương tiện Internet và chiến dịch không kích kém hiệu quả của liên minh quốc tế vô hình chung cũng “đóng góp” vào chiến thắng của lực lượng này.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng giải pháp quân sự chống IS là cần thiết nhưng chưa đủ. Để có thể đẩy lui lực lượng này, cộng đồng thế giới cần có một chiến lược tổng thể với sự tham gia mạnh mẽ của tất cả các quốc gia, bất luận phương Tây hay phương Đông, Hồi giáo hay Arập…

Tuy nhiên, những lợi ích đan xen chồng chéo ở Trung Đông, sự nghi ngờ giữa các bên (nhất là Mỹ và một số nước Arập với Iran và Syria), những khó khăn kinh tế rình rập do giá dầu giảm mạnh và mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc ở Trung Đông sẽ cản trở đáng kể nỗ lực tiêu diệt IS, khiến lực lượng này tiếp tục trở thành mối đe dọa lớn nhất cho thế giới trong năm 2015.

Hồ sơ hạt nhân Iran và xung đột Israel-Palestine chưa có hồi kết

Dù đã có nhiều bước tiến tích cực trong năm qua nhưng rõ ràng hồ sơ hạt nhân Iran vẫn là điểm rất khó nắm bắt với cả chính quyền Tehran lẫn Washington.

Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ các bên rất khó đi tới thống nhất chung trong việc xác định giới hạn phát triển hạt nhân của Iran và tiến độ dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự thiếu hụt lòng tin và lo sợ ý đồ chiến lược của nhau là nguyên nhân chính khiến các bên còn dền dứ. Đáng quan ngại là tình trạng này sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2015 do Quốc hội đối lập ở Mỹ cam kết sẽ hành xử cứng rắn với nếu Iran và nhóm P5+1 không đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 7 tới.

Đức Vũ