1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những bé gái giả trai ở Afghanistan

(Dân trí) - Vì lý do kinh tế và xã hội mà nhiều bậc cha mẹ ở Afghanistan muốn có một cậu con trai. Cũng chính vì điều này mà từ bao nhiêu năm nay một số bé gái đã phải sống cuộc sống của những bé trai.

 

Những bé gái giả trai ở Afghanistan

Mehrnoush tạm thời giả trai để làm Mehran

Khi Azita Rafhat, cựu nghị sỹ quốc hội Afghanistan, chuẩn bị cho các cô con gái của mình đi học, cô đã mặc cho một trong những đứa con của mình rất khác. 3 con gái của cô được mặt bộ áo choàng màu trắng, đầu đội khăn trắng, nhưng cô con gái thứ tư, Mehrnoush, mặc vét và thắt cà vạt. Khi ra ngoài, Mehrnoush không còn là bé gái nữa, mà là bé trai có tên Mehran.

 

Azita Rafhat không có con trai và để lấp chỗ trống, không bị mọi người chế giễu vì “tội” không có con trai, cô đã có quyết định này. Mọi việc rất đơn giản, bởi chỉ cần cắt tóc và mua vài bộ quần áo con trai.

 

Thậm chí còn có tên gọi cho truyền thống này ở Afghanistan,  Bacha Posh, hay giả trai cho các bé gái.

 

“Khi bạn có vị trí tốt ở Afghanistan và bạn giàu có, mọi người nhìn bạn rất khác. Họ sẽ nói cuộc sống của bạn sẽ hoàn hảo chỉ khi có một cậu con trai”, cô cho biết.

 

Ở Afghanistan, vì những lý do kinh tế và xã hội, mà người dân ở đây luôn thích có con trai.  Chồng của Rahfhat, anh Ezatullah Rafhat, cho rằng có con trai là biểu tượng của niềm kiêu hãnh và danh dự. “Ai dến nhà tôi cũng nói: “Ồ, thật tiếc vì bạn không có một cậu con trai”. Vì vậy chúng tôi đã nảy ra ý tưởng cải trang cho con gái của chúng tôi. Mà con bé cũng thích được thế.”

 

Hơn nữa Azita Rafhat không phải là bà mẹ duy nhất có quyết định giả trai cho con gái.

 

Giả trai chỉ trong một thời gian

 

Ở các khu chợ Afghanistan, có thể thấy nhiều bé gái cải trang làm con trai. Một số gia đình giả trai cho con gái của họ để các em có thể dễ dàng làm việc trên phố, kiếm sống cho gia đình.

 

Song những bé gái giả trai sẽ không sống cuộc sống của đấng mày râu suốt cuộc đời. Khi bước sang tuổi 17 hoặc 18, các em lại trở về với đúng giới tính của mình. Nhưng thay đổi này không hề đơn giản.

 

Elaha sống ở Mazar-e Sharif, miền bắc Afghanistan. Cô đã giả trai trong suốt 20 năm, bởi gia đình cô không có con trai và cô mới trở về làm con gái hai năm trước khi phải vào đại học.

 

Tuy nhiên, Elaha không cảm thấy mình hoàn toàn là con gái. Cô cho biết những thói quen không phải là con gái vẫn còn và cô không hề muốn kết hôn. “Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ đã cải trang cho tôi là con trai bởi tôi không có anh em trai. Mới gần đây thôi, khi là con trai, tôi được ra ngoài, chơi với những cậu bé khác và được tự do hơn.”

 

Cô đã miễn cưỡng trở lại giới tính thật của mình, chỉ vì truyền thống xã hội. “Nếu cha mẹ ép tôi phải kết hôn, tôi sẽ đền đáp cho sự đau khổ của phụ nữ Afghanistan, và đánh chồng tôi thậm tệ để anh ta sẽ đưa tôi tới tòa án mỗi ngày”, Elaha cho hay.

 

“Chuyện thường ngày ở huyện”

 

Những bé gái giả trai ở Afghanistan
Tại Kabul nhiều bé gái giả trai để ra phố làm việc.
 

Atiqullah Ansari, người đứng đầu ngôi đền xanh nổi tiếng ở Mazar-e Sharif cho biết truyền thống gái giả trai là nhằm cầu xin thần thánh. Theo ông, những gia đình không có con trai đã cải trang cho con gái của họ làm con trai là để lấy may, để Chúa trời cho họ một cậu con trai. Các bà mẹ không có con trai thường đến đền Hazrat-e Ali để thỉnh xin ngài cho họ con trai.

 

Theo Atiqullah Ansari, tại Afghanistan, chuyện gái giả trai rất phổ biến. Hầu hết mọi người đều có người thân, người hàng xóm từng giả trai cho con gái.

 

Fariba Majid, người đứng đầu Phòng nhân quyền phụ nữ ở tỉnh Balkh, bắc Afghanistan, cũng từng giả trai, với cái tên Wahid. “Tôi là con gái thứ ba trong gia đình và khi tôi sinh ra, cha mẹ đã quyết định giả trai cho tôi”, cô cho hay. “Tôi làm việc với cha ở cửa hàng của ông và thậm chí còn tới Kabul để mang hàng hóa ở đó về”.

 

Cô cho rằng trải nghiệm làm con trai đã giúp cô lấy được sự tự tin và giúp cô có chỗ đứng ngày hôm nay. Không có gì ngạc nhiên thậm chí Azita Rafhat, mẹ của Mehran cũng từng giả là bé trai. “Khi còn nhỏ, tôi cũng từng giả trai và làm việc cùng với bố tôi. Tôi đã được trải nghiệm cả thế giới đàn ông và phụ nữ. Nó giúp tôi trở nên tham vọng hơn trong công việc của mình”, cô cho hay.

 

“Vi phạm nhân quyền”

 

Truyền thống gái giả trai đã tồn tại ở Afghanistan nhiều thế kỷ nay. Theo Daud Rawish, nhà xã hội học ở Kabul, truyền thống này có thể bắt đầu từ khi người Afghanistan phải chiến đấu chống quân xâm lược mà trong đó nhiều phụ nữ cần phải giả trai.

 

Tuy nhiên, Qazi Sayed Mohammad Sami, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền Balkh, đã gọi đây là sự vi phạm nhân quyền.

 

“Chúng ta không thể thay đổi được giới tính trong chốc lát. Bạn không thể đổi một bé gái thành bé trai chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đó là chống lại con người”, ông cho hay.

 

Truyền thống đã có ảnh hưởng xấu tới một số bé gái. Các em cảm thấy bị bỏ lỡ mất những ký ức tuổi thơ quan trọng cũng như mất đi cá tính của họ. Song với một số khác lại thấy tuyệt vời khi được “nếm” mùi tự do mà họ sẽ không bao giờ có được nếu sống cuộc sống của những bé gái.

 

Nhưng với nhiều người, câu hỏi lớn đặt ra là: Sẽ có một ngày nào đó các bé gái Afghanistan có được tự do và tôn trọng như các bé trai?

 

Phan Anh

Theo BBC