1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ tên lửa Triều Tiên bắn trúng máy bay chở khách

(Dân trí) - Việc Triều Tiên phóng các tên lửa của nước này qua lãnh thổ Nhật Bản và hướng về phía khu vực Thái Bình Dương mà không đưa ra cảnh báo trước đã gây ra mối nguy hiểm lớn đối với các máy bay dân sự hoạt động trên không phận quốc tế.

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ thử ngày 15/9 (Ảnh: Reuters)
Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ thử ngày 15/9 (Ảnh: Reuters)

Tồn tại nguy cơ dù xác suất thấp

Triều Tiên sáng 15/9 đã phóng một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản và làm kích hoạt hệ thống báo động tại nước này trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Cũng như trong các vụ thử nghiệm trước đây, Bình Nhưỡng phóng tên lửa mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào trước. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra khả năng va chạm giữa tên lửa Triều Tiên với các máy bay dân sự đang chở khách vào cùng thời điểm đó.

Theo giới chuyên gia, xác suất xảy ra một vụ va chạm như vậy là rất thấp, tuy nhiên nguy cơ này vẫn luôn tồn tại.

“Nếu một máy bay chở khách bị trúng tên lửa, sức ép buộc Mỹ và các đồng minh tiến hành động thái quân sự đáp trả sẽ tăng lên rất cao”, ông Vipin Narang, Phó Giáo sư kiêm chuyên gia an ninh Nam Á tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ nhận định.

Theo chuyên gia Narang, không thể loại trừ nguy cơ va chạm giữa tên lửa Triều Tiên với máy bay chở khách, và nếu kịch bản này thực sự xảy ra thì “con đường dẫn tới chiến tranh” là hoàn toàn có thể tồn tại.

Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)
Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)

Chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat cũng đồng tình với quan điểm này. Theo chuyên gia Panda, mặc dù khả năng xảy ra va chạm là rất thấp “vì chúng ta đang nói đến 2 vật thể tương đối nhỏ va chạm với nhau trong một không gian 3 chiều”, song các vụ thử tên lửa vẫn tạo ra mối đe dọa cho các máy bay thương mại.

Thông thường, trước khi thử tên lửa, các quốc gia sẽ đưa ra thông báo để các hãng hàng không và tàu thuyền biết thông tin và tránh di chuyển vào một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, Triều Tiên không đưa ra thông báo như vậy.

Tương tự các quốc gia khác, Triều Tiên cũng được quyền tiếp cận dữ liệu hàng không dân dụng quốc tế. Vì vậy, các nhà khoa học Triều Tiên mới có thể nghiên cứu vùng không phận mà họ sắp phóng tên lửa và xác định xem khu vực nào có ít dân cư sinh sống nhất.

Chuyên gia Panda cho rằng Triều Tiên “chắc chắn muốn hạn chế xuống mức thấp nhất nguy cơ xảy ra va chạm” giữa tên lửa của nước này và các máy bay dân sự.

“Ngược lại với những gì mọi người vẫn nghĩ, Triều Tiên không muốn xảy ra một vụ việc như vậy. Họ cũng sẽ nghiên cứu đường đi của tên lửa để giảm thiểu hết mức các nguy cơ”, chuyên gia Panda cho biết.

Các yếu tố gây nguy hiểm

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về đường đi của tên lửa Triều Tiên hôm 15/9 (Ảnh: AFP)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về đường đi của tên lửa Triều Tiên hôm 15/9 (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, một vụ va chạm vẫn có thể xảy ra bởi 2 yếu tố: thứ nhất là tên lửa bay chệch hướng và đi vào không phận có nhiều máy bay đang hoạt động, thứ hai là tên lửa nổ tung trên không trung và tạo ra nhiều mảnh vỡ.

Đề cập tới yếu tốt thứ nhất, theo chuyên gia Narang, trước khi tiến hành phóng thử, Triều Tiên đã tính toán sao cho tên lửa của nước này sẽ chỉ bay qua phần “mỏng” nhất của lãnh thổ Nhật Bản theo lộ trình mà Bình Nhưỡng dự tính sẽ có ít máy bay qua lại nhất. Tất nhiên, những dự tính này của Triều Tiên được đưa ra dựa trên giả thuyết rằng vụ phóng tên lửa của họ sẽ thành công.

“Vụ thử tên lửa mới nhất hôm 15/9 của Triều Tiên được cho là tên lửa Hwasong-12. Các vụ thử trước đây cho thấy, đây là tên lửa có tỷ lệ phóng thành công rất thấp. Do vậy, nó hoàn toàn có thể bay chệch hướng so với dự tính ban đầu và đi vào vùng không phận đông đúc hơn”, chuyên gia Panda giải thích.

Liên quan tới yếu tố thứ hai, các chuyên gia cho rằng tên lửa Triều Tiên có thể nổ tung và vỡ thành nhiều mảnh khác nhau tại một khu vực nào đó trên không trung. Theo chuyên gia Panda, các mảnh vỡ bắn ra từ sau vụ nổ tên lửa có thể gây nguy hiểm cho các máy bay dân sự đang hoạt động ở trên cao.

Dù khả năng va chạm giữa tên lửa Triều Tiên và máy bay chở khách không cao, nhưng các hãng hàng không quốc tế cũng đã xem xét các phương án dự phòng để tránh mọi nguy cơ có thể xảy ra.

“Một số hãng hàng không cho biệt họ đang thay đổi các đường bay, tránh di chuyển qua không phận Triều Tiên cũng như khu vực giữa Triều Tiên và Hokkaido (Nhật Bản), chuyên gia phân tích hàng không Ellis Taylor cho biết.

Hãng hàng không Pháp Air France đã mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên (Ảnh: BBC)
Hãng hàng không Pháp Air France đã mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên (Ảnh: BBC)

Cũng theo ông Taylor, hồi đầu tháng 8, hãng hàng không Pháp Air France đã mở rộng vùng cấm bay xung quanh không phận Triều Tiên.

“Quyết định của Air France được đưa ra sau khi một máy bay của hãng này bay vào khu vực thuộc phạm vi 100 km trong một vụ thử tên lửa trước đây của Triều Tiên. Theo đó, các chuyến bay tới Tokyo và Osaka (Nhật Bản) bây giờ của hãng này phải kéo dài thêm 10-30 phút vì họ muốn tránh khu vực đó”, ông Taylor cho biết thêm.

Ngoài nguy cơ va chạm trực diện và trúng mảnh vỡ tên lửa, một nguy cơ nữa mà các hãng hàng không cũng đang xem xét đó là nhận diện sai máy bay dẫn tới hành động không chuẩn xác.

Các hãng hàng không lo ngại rằng, các máy bay chở khách của họ có thể bị “nhìn nhầm” là máy bay quân sự khi đang hoạt động ở trong hoặc gần khu vực không phận có rủi ro cao, từ đó có thể xảy ra thảm kịch giống như vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi trên không phận Ukraine khiến gần 300 người thiệt mạng năm 2014.

Theo đó, trong trường hợp căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục tăng cao, các hãng hàng không có thể chọn cách không bay qua khu vực này.

Thành Đạt

Theo BBC