1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Mỹ và Israel cùng giành giải Nobel hóa học

(Dân trí) - Hai người Mỹ là Venkatraman Ramakrishnan và Thomas Steitz cùng một công dân Israel là Ada Yonath đã giành được giải Nobel trong lĩnh vực hóa học “vì những nghiên cứu về cấu trúc của ribôxôm” - Ủy ban Nobel vừa tuyên bố.

Người Mỹ và Israel cùng giành giải Nobel hóa học - 1
Bà Ada Yonath, người Israel, một trong 3 người đoạt giải
 
Ribôxôm (ribosome) là một bào quan có mặt trong tất cả các tế bào của sinh vật sống. Ribôxôm được xem như là một nhà máy tổng hợp ra protein dựa trên các thông tin di truyền của gen.

“Ribôxôm rất quan trọng cho sự sống, chúng cũng đóng vai trò chính trong việc sản xuất loại kháng sinh mới”, Ủy ban xét duyệt giải Nobel trong lĩnh vực hóa học thuộc Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói khi tuyên bố những người đoạt giải.

Giải Nobel trong lĩnh vực khoa học rất khó phỏng đoán vì Ủy ban xét duyệt giải Nobel không tiết lộ các ứng cử viên trong vòng 50 năm và bởi vì những phát minh được trao giải thường là những thành tựu được phát hiện cách đây hàng thập kỷ. Mans Ehrenberg, một thành viên của ủy ban này cho biết, nhiều nhà nghiên cứu xứng đáng với giải thưởng này lại không bao giờ nhận được giải vì ủy ban xét duyệt có quá nhiều phát minh để lựa chọn.

Giải về hóa học là giải Nobel thứ ba được trao trong năm nay. Trước đó là các giải Nobel giành cho lĩnh vực y học và vật lý.

Giải Nobel gồm 10 triệu kronor Thụy Điển (1,42 triệu USD), một giấy chứng nhận và một giấy mời dự lễ trao giải tại Stockholm vào ngày 10/12 tới - tức là vào dịp kỷ niệm ngày mất của người sáng lập ra giải thưởng này Alfred Nobel (năm 1896).

Giải Nobel hoá học 2008 đã được chia đều cho ba nhà khoa học Mỹ Osamu Shimomura (1928) (phòng thí nghiệm sinh học hải dương, Woods Hole, bang Massachusette) Martin Chalfie (1947) đại học Columbia tại New York, và Roger Y. Tsien (1952), đại học California, vì đã phát hiện và phát triển protein huỳnh quang xanh lục (GFP). Uỷ ban Nobel nhận xét sự phát hiện và phát triển protein này là một đóng góp chỉ đường cho ngành hoá sinh.

Việt Hà
Theo AP, Reuters
Dòng sự kiện: Giải Nobel 2009