1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Kurd trong toan tính mới của các ông lớn

Người Kurd liên tục chiến thắng lực lượng khủng bố Hồi giáo tại những điểm trọng yếu tại lãnh thổ Syria, được cho là cả Nga-Mỹ hậu thuẫn.

Các chiến binh người Kurd Peshmerga hôm 1/6 đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 120 km2 diện tích lãnh thổ ở phía đông Mosul (Iraq) từ tay phiến quân Hồi giáo tự xưng IS.

“Sau ba ngày giao tranh ác liệt, lực lượng Peshmerga đã tái chiếm 120 km2 diện tích đất đai, trong đó có 9 khu dân cư, ở phía đông Mosul”, ông Amir Sherifi nói với Sputnik.

Ông Amir cho biết thêm, chiến thắng này là nhờ sự yểm trợ hỏa lực của liên quân quốc tế.

Các chiến binh người Kurd Peshmerga. Ảnh: AP.
Các chiến binh người Kurd Peshmerga. Ảnh: AP.

Theo Liên đoàn Yêu nước Kurdistan (PUK), khoảng 5.000 chiến binh người Kurd được trang bị vũ khí đang tham gia vào cuộc chiến chống IS này.

Thành phố Mosul với dân số trước chiến tranh vào khoảng 2 triệu người là thành phố lớn nhất nằm trong tay IS. Hồi cuối năm 2015, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã bày tỏ hy vọng, chiến thắng cuối cùng trước IS sẽ tới vào năm 2016 với việc tái chiếm Mosul.

Trên thực tế, theo kế hoạch, lực lượng an ninh Iraq thực hiện các cuộc tấn công nhằm tái chiếm thành phố Mosul trước nhưng vì tiến độ chậm nên Mỹ muốn quân đội Iraq chuyển hướng sang mục tiêu là Fallujah.

Chưa biết ai đã cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd tại Iraq để tăng hiệu quả các cuộc tiến quân của quân đội này.

Nga và Mỹ từng bị cáo buộc là chủ mưu đứng sau vụ này song các bằng chứng vẫn chưa chỉ rõ ra điều này.

Binh sĩ người Kurd ngồi trên một xe tăng tại thành phố Erbil (Iraq).
Binh sĩ người Kurd ngồi trên một xe tăng tại thành phố Erbil (Iraq).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên tiếng cáo buộc Nga cấp vũ khí cho người Kurd, lực lượng vốn bị Ankara cho là khủng bố. Cáo buộc này đưa ra khi Ankara đề xuất tham gia liên quân chống IS với Mỹ sau các cuộc đụng độ với người Kurd ở Syria.

Sau đó, những hình ảnh được chụp từ các nhà báo Pháp cho hay đặc nhiệm Mỹ trà trộn vào lực lượng dân quân người Kurd ở Syria và tấn công bên cạnh các chiến binh người Kurd. Điều này làm Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên nổi giận.

"Sự hỗ trợ họ dành cho... (dân quân) YPG... Tôi lên án việc này", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói. "Những người là bạn của chúng tôi, cùng là thành viên NATO... không thể, không được điều binh sĩ đến Syria đeo huy hiệu YPG".

"Không có sự khác biệt giữa PKK, PYD, YPG và Nhà nước Hồi giáo (IS). Chúng đều là những kẻ khủng bố", ông Erdogan nói.

Người Kurd chọn Nga hay Mỹ?

Trong một diễn biến liên quan, Sputnik News dẫn lời nghị sĩ người Syria gốc Kurd, Omar Ose cho rằng, sẽ tốt hơn nếu người Kurd lựa chọn liên minh với quân đội Syria và Nga:

"Tôi không ủng hộ việc tẩy chay Mỹ, nhưng người Kurd không nên lệ thuộc vào họ. Mỹ là một đất nước thực dụng, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Điều này hoàn toàn khác biệt với người Kurd, Syria hay Arab".

Nhà lập pháp Syria ca ngợi lực lượng dân quân người Kurd (YPG) chiến đấu chống IS ở Raqqa với sự hậu thuẫn từ Mỹ. Tuy nhiên, ông Ose nhấn mạnh rằng chỉ có phối hợp với quân đội Syria và Nga mới có thể diệt trừ hoàn toàn khủng bố.

"Các chỉ huy của lực lượng dân quân người Kurd tốt nhất là nên gia nhập vào liên minh Syria-Nga, tạo nên một mạng lưới kháng chiến trong khu vực, nếu không người Kurd sẽ phải trả giá đắt", ông Ose nói.

Theo ông Ose, Mỹ muốn người Kurd giành quyền kiểm soát Raqqa để tạo nền móng cho mục đích giành thắng lợi về mặt chính trị trong cuộc đàm phán tại Geneva, đối trọng với các sáng kiến của Nga.

Đặc nhiệm Mỹ ở Syria đeo huy hiệu Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ngày 25/5.
Đặc nhiệm Mỹ ở Syria đeo huy hiệu Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ngày 25/5.

Nghị sĩ Syria cho rằng Raqqa không phải là nơi tập trung số đông người Kurd sinh sống và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối bất kỳ hành động kiểm soát thành phố Raqqa từ người Kurd.

"Nếu như Mỹ có thể chiến thắng ở Raqqa dựa vào các chiến binh YPG, Washington có thể sẽ trao quyền quyết định cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã nổi giận khi người Kurd kiểm soát Qamishli, Kobani, Afrin và sẽ không chấp nhận để người Kurd tiếp tục mở rộng lãnh thổ".

Theo Đông Phong (Tổng hợp)

Đất Việt