1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghị sĩ Kosovo ẩu đả sau khi lãnh đạo cơ quan hành pháp bị tạt nước

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vụ ẩu đả nổ ra trong cơ quan lập pháp Kosovo sau khi một nhà làm luật ở phe đối lập cầm chai nước tạt vào lãnh đạo cơ quan hành pháp Albin Kurti khi ông phát biểu.

Nghị sĩ Kosovo ẩu đả sau khi lãnh đạo cơ quan hành pháp bị tạt nước - 1

Vụ ẩu đả diễn ra tại cơ quan lập pháp Kosovo (Ảnh: AFP).

Theo Guardian, vụ việc xảy ra vào ngày 13/7 khi ông Albin Kurti đang có bài phát biểu ở cơ quan lập pháp về các biện pháp của chính quyền nhằm xử lý căng thẳng với cộng đồng người gốc Serbia tại phía bắc Kosovo.

Các nghị sĩ phe đối lập đã chỉ trích chính sách của ông Kurti liên quan tới cộng đồng trên, khiến căng thẳng với Serbia bùng phát, cũng như bị các đồng minh phương Tây chủ chốt của Kosovo chỉ trích.

Nhà lập pháp Mergim Lushtaku, từ Đảng Dân chủ Kosovo đối tập, đã tiếp cận ông Kurti và tạt nước vào nhà lãnh đạo, gây ra cuộc ẩu đả giữa nghị sĩ các bên. Trước đó, cấp phó của ông Kurti, Besnik Bislimi, đã xé một bức vẽ chế giễu ông Kurti mà phe đối lập đã đặt trên bục phát biểu của nhà lãnh đạo.

Nghị sĩ Kosovo ẩu đả sau khi lãnh đạo cơ quan hành pháp bị tạt nước (Video: Dailymail).

Truyền thông địa phương cho biết, ông Kurti sau đó được đưa ra khỏi cơ quan lập pháp.

Mỹ và Liên minh châu Âu trước đó đã gây áp lực lên ông Kurti để làm giảm căng thẳng ở khu vực phía bắc Kosovo. Bạo lực bùng phát vào tháng 5 khi các thị trưởng người gốc Albania nhậm chức sau một cuộc bầu cử mà đa số người Serbia trong khu vực đã tẩy chay rộng rãi.

Hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người Serbia địa phương với cảnh sát Kosovo và lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tương tự như sự kiện năm 1998-1999 khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.

Hôm 12/7, ông Kurti tuyên bố sẽ giảm số lượng cảnh sát đặc nhiệm bên ngoài 4 tòa nhà chính quyền ở các khu vực có đa số người Serbia sinh sống ở phía bắc Kosovo và tổ chức các cuộc bầu cử thị trưởng mới ở mỗi vùng.

Kosovo - vùng có đa số dân gốc Albania - từng là một phần lãnh thổ của Serbia nhưng đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008 nhờ sự ủng hộ của phương Tây. Tính đến nay, dù chưa được Liên Hợp Quốc chính thức thừa nhận, Kosovo vẫn được công nhận bởi hơn 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ và hầu hết các nước EU. Cả Nga, Trung Quốc và Serbia đều không công nhận Kosovo. 

Theo Guardian