1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tung chiến thuật săn kho đạn, "bóp nghẹt" huyết mạch hậu cần Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã tăng cường tấn công các tuyến hậu cần của Ukraine, bao gồm các kho đạn, nhằm làm suy giảm năng lực tấn công của Kiev.

Nga tung chiến thuật săn kho đạn, bóp nghẹt huyết mạch hậu cần Ukraine - 1

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Grad của Nga (Ảnh: Sputnik).

Vadim Astafyev, người đứng đầu cơ quan báo chí của nhóm tác chiến phía nam thuộc quân đội Nga, ngày 21/8 xác nhận quân đội Nga đã phá hủy 3 toa tàu chở đạn dược của lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông nói rằng cuộc tấn công vào các toa tàu trên do các đơn vị tên lửa của nhóm tác chiến phía nam thực hiện ở tiền tuyến Avdeyevka. Các vụ tấn công này xảy ra sau khi một loạt kho đạn của Ukraine bị lực lượng Nga tấn công ở vùng Dnepropetrovsk, đông nam Ukraine.

"Những cuộc tấn công như vậy ngày càng trở nên thường xuyên hơn vì trọng tâm hiện nay là làm suy yếu khả năng tiến hành các chiến dịch khốc liệt của lực lượng vũ trang Ukraine", Boris Rozhin, chuyên gia quân sự của Trung tâm Báo chí Chính trị - Quân sự, một tổ chức nghiên cứu các vấn đề quân sự độc lập của Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Theo chuyên gia Rozhin, việc tiến hành các cuộc tấn công mà không có đạn dược là một nhiệm vụ khó khăn, đó là lý do "chúng ta đang chứng kiến quân đội Nga săn lùng các kho đạn và vũ khí (của Ukraine)".

"Việc phá hủy các cơ sở này ít nhất sẽ tạo ra những vấn đề hậu cần tạm thời cho đối phương, liên quan đến hoạt động vận chuyển và lưu trữ, cùng những vấn đề khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho đối phương trong việc tiến hành các hoạt động tác chiến", ông Rozhin nhấn mạnh.

Chuyên gia Rozhin cho rằng các cuộc tấn công của Nga "khá hiệu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine".

Chuyên gia Earl Rasmussen, trung tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định việc phá hủy các kho đạn của Ukraine từ "trước khi chúng có cơ hội được sử dụng" là "một bước đi khôn ngoan".

"Điều đó sẽ càng làm suy yếu hơn nữa khả năng của các lực lượng Ukraine. Nếu không có đạn dược, ngay cả xe tăng Leopard hoặc lựu pháo cũng không có ý nghĩa gì", chuyên gia Rasmussen nhận định.

UAV Nga lao thẳng mục tiêu, đánh nổ kho đạn Ukraine (Nguồn: Sputnik).

Các bình luận trên được đưa ra sau khi truyền thông phương Tây hồi tháng trước đưa tin, Mỹ và NATO đang vật lộn với "nguồn cung đạn dược ngày càng cạn kiệt" cho Ukraine. Các quan chức giấu tên cho biết Mỹ "đã tiến gần đến giới hạn đỏ khi tiếp tục cung cấp đạn pháo cỡ 155mm cho Ukraine theo tiêu chuẩn NATO".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng mặc dù Washington đã bắt đầu tăng cường sản xuất đạn dược vào năm ngoái, nhưng sẽ phải mất "nhiều năm" để có thể sản xuất đạn dược trên quy mô lớn.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này tạo sức ép lớn lên kho dự trữ quân sự của phương Tây khi các nước này hỗ trợ Ukraine ngay từ những ngày đầu chiến sự.

Các nước phương Tây tuyên bố sẽ ủng hộ Kiev đến khi cần, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột tiếp tục bế tắc và tiêu hao kéo dài, sự mệt mỏi có thể khiến phương Tây giảm nguồn viện trợ.

Theo Sputnik