1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga phản đối đề xuất thành lập quân đội chung của EU

Cho rằng lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa đủ mạnh để ngăn chặn những mối đe dọa bên ngoài lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) cũng như bảo vệ các "giá trị" của khối, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập lực lượng quân đội riêng của EU.

Trong bối cảnh Mỹ và EU đang bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ucraina, lời kêu gọi này cho thấy mối hiềm khích ngày càng gia tăng giữa EU với Nga cũng như ngay trong nội bộ EU.
 
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Welt am Sonntag ngày 8-3 vừa qua, Chủ tịch EC Juncker cho biết, nếu được thành lập, lực lượng quân đội EU sẽ giúp ngăn chặn những mối đe dọa bên ngoài lãnh thổ của khối (cụ thể là Nga) cũng như bảo vệ các "giá trị" châu Âu.
 
Ông Juncker cũng khẳng định, quân đội của EU không phải được xây dựng để sử dụng ngay lập tức mà để thể hiện quan điểm cứng rắn của EU trong việc bảo vệ các giá trị của liên minh. Bên cạnh đó, theo ông Juncker, một lực lượng chung của các nước EU sẽ giúp việc chi tiêu ngân sách cho các thiết bị quân sự hiệu quả hơn và tăng cường sự thống nhất giữa 28 nước thành viên của khối. Chủ tịch EC nhận định có một lực lượng quân đội riêng sẽ giúp EU đưa ra các chính sách an ninh và đối ngoại chung, song nhấn mạnh lực lượng này sẽ không thách thức vai trò phòng vệ của NATO.
 
Nga phản đối đề xuất thành lập quân đội chung của EU
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho rằng, NATO chưa đủ mạnh nên EU cần có lực lượng quân đội riêng (Ảnh: euractiv.com)

Đề xuất này của Chủ tịch EC Juncker đã được các chính trị gia Đức ngầm ủng hộ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen từng bày tỏ tin tưởng rằng, tương lai châu Âu sẽ là một hợp chủng quốc và sẽ có quân đội riêng. Người đứng đầu Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức cũng từng đưa ra tuyên bố ủng hộ vấn đề này.

Tuy nhiên, ý tưởng thành lập quân đội riêng của Chủ tịch EC Juncker dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối của các nước không ủng hộ tăng cường khối thống nhất EU, đặc biệt là Anh. Lodon cho rằng, đây là một ý tưởng “không có triển vọng” và nước Anh chưa có ý định tham gia vào liên minh quân sự này. Nhiều thành viên của đảng đối lập tại Anh còn cho rằng, việc tạo ra một lực lượng quân đội chung của EU sẽ là một “bi kịch” đối với khu vực cũng như đe dọa đến chủ quyền của mỗi một thành viên của khối này.

Những quan điểm trái ngược nhau về ý tưởng mà Chủ tịch EC đưa ra lại một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn nội tại vẫn đang lớn dần lên trong khối này. Trước đó, tại cuộc họp của ngoại trưởng EU diễn ra cuối tuần trước ở Latvia, EU đã cho thế giới thấy sự chia rẽ sâu sắc trong việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề Ucraina. Nếu ý tưởng lực lượng quân đội chung EU được triển khai, nhiều thành viên của liên minh này e ngại “hố ngăn cách” trong quan hệ Nga-EU chắc chắn sẽ được khoét sâu hơn, làm tổn hại đến nhiều nền kinh tế khu vực vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trong khi đó, Mátxcơva cho rằng, một quân đội thống nhất của EU, nếu được thành lập, có thể đóng vai trò khiêu khích đối với hòa bình và an ninh khu vực.
 
Phó chủ tịch thứ nhất Đảng Nước Nga Thống nhất tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, thành viên Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, ông Franz Klintsevich cho rằng, một quân đội như vậy sẽ không giúp EU thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh chung cũng như thực hiện các trách nhiệm của châu Âu đối với thế giới.
 
“Trong kỷ nguyên hạt nhân hiện nay, những đội quân bổ sung không thể đảm bảo được an ninh chung, mà chỉ có thể đóng vai trò khiêu khích", ông Klintsevich nhấn mạnh.
 
Nghị sĩ Nga lưu ý ngay cả trong những năm tháng đối đầu căng thẳng giữa NATO và khối Hiệp ước Vacsava cũng chưa nước nào trong NATO có ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu. Ngày nay, trong khi khối Hiệp ước Vacsava đã giải tán, lại càng không có lý do thành lập một đội quân như vậy.
 
Theo Bình Nguyên
Quân đội Nhân dân