1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lộ radar mới trong kế hoạch giám sát toàn cầu

Theo tờ Rossiyskaya Gazeta, Nga sẽ thiết lập một mạng lưới radar cảnh báo sớm toàn cầu, vượt trội hơn so với mạng lưới thời Liên Xô.

Trang bị mới

Thông tin này được Thiếu tướng Anatoly Nestechuk thuộc Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga cho biết và trụ cột chính của hệ thống phòng thủ toàn cầu này sẽ được hình thành bởi các trạm radar lớp Voronezh thế hệ thứ 3.

Hiện lực lượng này chuẩn bị được tiếp nhận các đơn vị radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.500km, Tướng Anatoly Nestechuk cho biết.

“Chúng tôi đã triển khai các đơn vị radar có thể “quan sát” các mục tiêu ở khoảng cách 1.200km và ở độ cao 150km. Hiện nay, chúng tôi muốn có các đơn vị có thể phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách xa tới 1.500km và ở độ cao 600km”.

Ông Anatoly Nestechuk khẳng định rằng, trong thực tế, lực lượng vô tuyến điện kỹ thuật đã có sẵn các đơn vị radar như vậy và sẵn sàng tăng cường chúng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cầm trên tay mô hình hệ thống radar Voronezh-M.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cầm trên tay mô hình hệ thống radar Voronezh-M.

Hiện tại, hệ thống radar cảnh báo sớm các cuộc tấn công tên lửa của Nga bao gồm 4 trạm radar thế hệ mới: một trạm radar Voronezh-M tại khu vực Leningrad, một trạm radar Voronezh-DM tại vùng lãnh thổ Krasnodar và một trạm radar Voronezh-DM ở khu vực Kaliningrad đã được đưa vào trực chiến, cùng với trạm radar Voronezh-M ở khu vực Irkutsk đang trong quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch sẽ triển khai thêm 3 trạm radar lớp Voronezh mới tại vùng lãnh thổ Krasnoyarsk ở đông Siberia, tại nước cộng hòa Altai ở nam Siberia và tại khu vực Orenburg ở nam Ural.

Theo ông Nestechuk, Phó tư lệnh Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga, các trạm radar mới này sẽ bắt đầu được đưa vào thử nghiệm trong năm 2015 và có tầm hoạt động 6.000 km (3.728 dặm) và có thể đồng thời theo dõi đến 500 mục tiêu khác nhau.

Được biết, Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga được thành lập vào ngày 1/12/2011, có nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như phóng và kiểm soát các vệ tinh trên quỹ đạo.

Giám sát phóng tên lửa toàn cầu

Với loạt trang bị trên, Nga hoàn toàn có lý do để khẳng định năng lực cảnh báo sớm tên lửa của mình. Cụ thể, chỉ trong 2 ngày cuối năm 2014, Lực lượng phòng thủ vũ trụ (ADF) Nga đã phát hiện 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ở phía Đông Thái Bình Dương, quỹ đạo phóng của tên lửa hướng về phía Tây, tức là về phía lãnh thổ Liên bang Nga.

“Sáng ngày 29/11/2014, chúng tôi đã phát hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước ngoài và 2 ngày trước đó (27/11/2014), chúng tôi cũng phát hiện hai vụ phóng tên lửa tương tự, lực lượng phòng thủ tên lửa của chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - Tướng Nestechuk nói.

Tuy Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga không cho biết các vụ phóng tên lửa trên do nước nào thực hiện, nhưng theo truyền thông phương Tây, đây là 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) do các tàu ngầm của Mỹ đang hoạt động ở phía Đông Thái Bình Dương thực hiện.

Mặc dù Nga không được thông báo trước về các vụ phóng tên lửa đạn đạo trên, nhưng việc phát hiện thành công các tên lửa đạn đạo đã cho thấy mức độ sẵn sàng chiến đấu cao và tính chuyên nghiệp của Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga.

Trong năm 2013, các lực lượng trực chiến thuộc hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã phát hiện được khoảng 40 vụ phóng tên lửa và thiết bị không gian ở trong nước và nước ngoài.

Hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa của Nga đã không để lọt một tên lửa nào trong khu vực kiểm soát của họ. Việc này cho thấy, các hệ thống của Nga đã sẵn sàng chiến đấu cao.

Minh chứng rõ nét nhất là vào ngày 3/9/2013, hai quả "tên lửa đạn đạo mục tiêu" do quân đội Israel phóng ở Địa Trung Hải đã bị radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo ở thành phố miền nam Armavir của Nga phát hiện.

Radar của Nga đã phát hiện và theo dõi toàn bộ quỹ đạo bay của 2 tên lửa đạn đạo mục tiêu này từ khu vực trung tâm đến phía đông Địa Trung Hải, cho đến khi các tên lửa mục tiêu này đã rơi xuống vùng biển giáp với bờ biển của Syria.

Còn trong năm 2014, Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga đã phát hiện tất cả các vụ phóng tên lửa đạn đạo diễn ra trên lãnh thổ “các nước đối tác” và 6 lần cảnh báo về các vật thể vũ trụ tiến tới gần Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong đó có các mảnh rác vũ trụ. Đồng thời, phát hiện 189 thiết bị vũ trụ và đã đưa vào danh sách theo dõi, trong đó có 161 thiết bị và phương tiện vũ trụ của nước ngoài.

Trong khi đó, ông Nestechuk cho biết thêm rằng, trong năm 2014, lực lượng này đã hoàn thành nhiệm vụ do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra là thiết lập hệ thống không gian vô tuyến định vị, bảo vệ toàn bộ lãnh thổ đất nước trước các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Theo kế hoạch, đến năm 2018, Nga sẽ thiết lập được một hệ thống quan sát vũ trụ thống nhất gồm 10 vệ tinh, trong đó vệ tinh đầu tiên dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo trong năm 2016.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng việc thiết lập hệ thống vũ trụ thống nhất sẽ giúp nước này phát hiện việc phóng các tên lửa hiện tại cũng như tương lai trên toàn cầu.

Theo Thùy Dung

Đất Việt