1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đề xuất thành lập liên minh quân sự tại Trung Á

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đề xuất thành lập liên minh quân sự kiểu NATO tại Trung Á nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực trên, trong một động thái phòng ngừa phiến quân Taliban tràn sang từ Afghanistan.

 

Hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và các nước Trung Á (Ảnh: AP)
Hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và các nước Trung Á (Ảnh: AP)

Đây là tín hiệu mới nhất của ông Putin đưa ra trong việc tăng cường liên minh quân sự, có thể sẽ sớm triển khai quân dọc biên giới Tajikistan kéo dài 1.280km, tiếp giáp với Afghanistan và tăng cường ảnh hưởng của Mátxcơva đối với các nước Trung Á-bao gồm Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan.

Tuyên bố trên của Tổng thống Nga Putin đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố sẽ duy trì quân đội trong thời gian ít nhất 2 năm nữa vì chính quyền Afghanistan không thể chống đỡ trước thách thức từ quân nổi dậy Taliban.

"Tình hình ở đó (tức Afghanistan) rất căng thẳng vì các nhóm phiến quân khủng bố đang ngày càng mạnh và họ không úp mở về các kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động. Một trong những mục tiêu của các nhóm này là xâm nhập vào vùng Trung Á", Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh với các nước đồng minh thuộc Liên Xô cũ tại Burabay, Kazakhstan hôm thứ Sáu (16/10).

Trong khi kế hoạch chi tiết về liên minh quân sự vẫn chưa được tiết lộ, lực lượng quân đội của Nga khá hiện đại và hùng mạnh có thể lập ra bất kỳ một lực lượng chủ chốt nào, theo tờ Telegraph.

Trước đó, quân đội Nga đã chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho vùng biên giới Tajikistan, tiếp giáp với Afghanistan đến tận năm 2005, nhưng sau đó quân đội nước này rút sau khi hiệp ước an ninh ký kết trước đó mãn hạn.

Những phát biểu của ông Putin đưa ra phù hợp với những tuyên bố trước đó rằng Nga sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Tajikistan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Điện Kremlin được biết đang hết sức quan ngại sau khi phiến quân Taliban tháng trước đã tấn công thành phố Kunduz, cách không xa biên giới Uzbekistan, về phía Bắc Afghanistan. Phiến quân Taliban kiếm soát thành phố Kunduz trong 3 ngày trước khi bị quân đội Afghanistan đánh bật cùng với sự yểm trợ của không kích Mỹ.

Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ đang ngày càng quan ngại về khả năng phiến quân Taliban tiếp tục tràn sang từ Afghanistan nếu quân đội Mỹ rút khỏi.

Ông Putin hôm qua cũng cho biết khoảng 5.000 đến 7.000 công dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gia nhập phiến quân Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq.

Một loạt các sự vụ gần đây cho thấy mối đe dọa của phiến quân Hồi giáo thuộc vùng Trung Á. Tháng trước phiến quân Taliban đã công bố một đoạn video ghi lại một người đàn ông người Uzbekistan đến từ Kyrgyzstan thực hiện một đánh bom cảm tử bằng xe tải tại Syria.

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Năm (15/10) tuyên bố sẽ duy trì binh lính Mỹ tại Afghanistan trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào cuối năm 2017. Theo đó, Nhà Trắng vẫn sẽ duy trì 9.800 binh lính tại Afghanistan đến cuối năm 2016 trước khi cắt giảm xuống 5.500, ông Obama nhấn mạnh.

Trong khi những phát biểu gần đây của Tổng thống Nga và ông Obama đều bày tỏ mối lo ngại chung về phiến quân Taliban và các nhóm sắc tộc khác tại khu vực Trung Á, các chuyên gia cho rằng hợp tác về vấn đề trên có thể bị rơi vào bế tắc vì sự nghi kỵ và xung đột về lợi ích địa chính trị giữa hai bên.

"Phương Tây đơn thuần không tin tưởng ông Putin. Trên chiến trường Syria là một ví dụ khi công Putin tuyên bố tiêu diệt phiến quân IS, nhưng trên thực tế lại ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Assad. Còn ở Trung Á, phương Tây sẽ vẫn nghi ngờ rằng ông Putin sẽ viện cớ thách thức từ phiến quân Hồi giáo để tạo thành một khu vực do Nga gây ảnh hưởng", Arkady Dubnov, chuyên gia quân sự về các vấn đề Trung Á trụ sợ tại Mátxcơva nhận định.

Vũ Duy

Theo Telegraph

 

Nga đề xuất thành lập liên minh quân sự tại Trung Á - 2