1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo nguy cơ tấn công hạt nhân phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc đưa Nga quay trở lại biên giới năm 1991 sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu giữa Moscow và phương Tây.

Nga cảnh báo nguy cơ tấn công hạt nhân phương Tây - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Sputnik).

"Những nỗ lực đưa Nga trở lại biên giới năm 1991 sẽ chỉ dẫn đến một điều: Dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn cầu với các nước phương Tây sử dụng toàn bộ kho vũ khí chiến lược của chúng tôi", ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga và là cựu Tổng thống Nga, bình luận trên Telegram hôm 18/2.

Ông Medvedev lập luận rằng ý định quay trở lại biên giới năm 1991 của phương Tây hàm ý "sự sụp đổ trực tiếp và không thể đảo ngược" của nước Nga ngày nay.

Khi đặt câu hỏi với phương Tây về việc liệu họ có tin người dân Nga sẽ chấp nhận sự chia cắt đất nước hay không, ông Medvedev nói rằng sự sụp đổ của Nga sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc hơn kết quả của một cuộc chiến thông thường, thậm chí là một cuộc chiến kéo dài nhất.

Ông Medvedev nói thêm rằng việc sử dụng toàn bộ kho vũ khí chiến lược của Nga trong cuộc chiến với phương Tây sẽ dẫn đến các cuộc tấn công vào Kiev (Ukraine), Berlin (Đức), London (Anh) và Washington (Mỹ), cũng như những nơi khác "từ lâu đã nằm trong danh sách mục tiêu của bộ ba hạt nhân Nga".

"Vì vậy tốt hơn hết là hãy trả lại mọi thứ trước khi quá muộn. Hoặc chúng tôi sẽ tự mình trả lại với tổn thất tối đa cho đối thủ. Tương tự Avdiivka", ông Medvedev tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/2 thông báo kiểm soát hoàn toàn thành phố Avdiivka ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt. Lực lượng Ukraine cũng tuyên bố rút lui khỏi pháo đài này để bảo toàn lực lượng.

Ông Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu các trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vào tháng 5/2022, ông nói rằng bằng cách gửi vũ khí và huấn luyện binh lính Ukraine, NATO "làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và công khai giữa NATO và Nga".

Vào tháng 9/2023, ông Medvedev tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ tiếp tục "cho đến khi chính quyền Kiev bị đánh bại hoàn toàn". Ông cũng nói rằng "chiến thắng sẽ thuộc về Nga và nước Nga sẽ có thêm nhiều vùng lãnh thổ mới".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tháng này cho biết, Nga hiện kiểm soát khoảng 26% lãnh thổ của Ukraine, song không thể đạt thêm những bước tiến lớn do vấp phải sự kháng cự của Ukraine. Ông Zelensky cho hay, quân đội Ukraine đã giành lại 50% số lãnh thổ đã rơi vào tay Nga kể từ tháng 2/2022.

Nga kiểm soát bán đảo Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Đến cuối năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục ký đạo luật sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk và Donetsk, nhưng đến nay vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ này.

Tổng thống Putin gọi đây là sự lựa chọn lịch sử của người dân sống ở 4 khu vực Nga tuyên bố sáp nhập để đoàn tụ với "Tổ quốc". Trong khi đó, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục phản công để giành lại lãnh thổ.

Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng chấm dứt xung đột nếu Ukraine đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra, trong đó có việc chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Theo Newsweek