1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo đanh thép về chiến dịch quân sự tại Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố Moscow đủ mạnh để đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt mặc dù phải đối đầu gần như trực tiếp với toàn bộ NATO.

Nga cảnh báo đanh thép về chiến dịch quân sự tại Ukraine - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 8/8 đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine và những diễn biến ở Nam Ossetia vào tháng 8/2008.

"Toàn bộ NATO gần như công khai chống lại chúng tôi. Chúng tôi đủ mạnh để đạt được tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Tương tự hồi tháng 8/2008, đối thủ của chúng tôi sẽ bị loại bỏ và Nga sẽ đảm bảo hòa bình theo điều khoản của mình. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi", ông Medvedev tuyên bố.

Trong tuyên bố hôm 7/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Mỹ vì phát ngôn cho rằng, Moscow đã bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: "Hiện tại không có cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga, bởi vì Nga đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực chất".

"Họ biết rõ chính họ đã yêu cầu (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 4/2022, họ đã khởi xướng lệnh cấm của chính quyền Kiev về việc đàm phán với Nga vào tháng 9/2022, họ đã tuyên bố trong suốt một năm qua rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để đàm phán, nhưng họ vẫn đổ lỗi cho Nga", bà Zakharova bình luận trên Telegram.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng khuyên ông Miller xem lại cuộc phỏng vấn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4, trong đó nhà ngoại giao Mỹ nói rằng ông không ủng hộ ý tưởng bắt đầu đàm phán, đồng thời ca ngợi cuộc phản công của Kiev.

Tuần trước, các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út về tình hình ở Ukraine. Nga không được mời tham dự, đồng thời tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào mà không có sự tham gia của Moscow là "vô nghĩa".

Sau sự kiện trên, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak, tuyên bố "nền tảng cơ bản duy nhất để đàm phán là công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra".

Cuối năm ngoái, Tổng thống Zelensky đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm, trong đó bao gồm yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới xác định năm 1991.

Ông Podoliak nhấn mạnh: "Sẽ không có sự thỏa hiệp như ngừng bắn ngay lập tức hay đàm phán ở đây, ngay bây giờ bởi nó giúp Nga có thời gian trụ lại các vùng lãnh thổ kiểm soát ở Ukraine. Chúng tôi chỉ chấp nhận Nga rút về bên kia đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991".

Nga kiểm soát bán đảo Crimea từ năm 2014 và tiếp tục kiểm soát thêm 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia từ cuối năm ngoái.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, hòa bình bền vững ở Ukraine chỉ có thể đạt được nếu "chính quyền Kiev ngừng các hành động thù địch và tấn công khủng bố", trong khi các nước phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Bà Zakharova nói thêm rằng, Kiev cũng cần cam kết duy trì một quốc gia trung lập, từ chối lấy lại tình trạng hạt nhân của nước này, đồng thời công nhận "thực tế lãnh thổ mới", đề cập đến 4 khu vực tại Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.

Theo RT, Tass