1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO tạo phép thử cho John Kerry đến Nga

"Bất đồng dai dẳng và sâu sắc" mới đây giữa Nga - NATO càng khiến cho Ngoại trưởng Mỹ khi tới thăm Nga sẽ yếu thế hơn.

Cuộc họp mới đây của Hội đồng Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 13/7 tại Brussels (Bỉ) cho thấy rõ một "bất đồng dai dẳng và sâu sắc" trong không khí cởi mở và thẳng thắn.

Đây là nhận định của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp với báo giới sau cuộc họp trên.

Vấn đề hòa bình ở Ukraine vốn là mâu thuẫn chưa thể hóa giải nổi giữa Nga và NATO.

Đây cũng là nguyên do cho những bất đồng dai dẳng và sâu sắc được ông Stoltenberg nhắc tới bên trên, song không nêu cụ thể chi tiết.

Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Ảnh: RT
Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Ảnh: RT

Ông Stoltenberg cho biết thêm, với tinh thần minh bạch, NATO đã thông báo cho Nga về những quyết định quan trọng vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Vacsava (Ba Lan) hồi cuối tuần qua. Một trong những quyết định này là việc NATO nhất trí sẽ triển khai 4 tiểu đoàn gồm khoảng 4.000 binh sĩ tới Ba Lan và các quốc gia Baltic.

Đối lại, đại diện thường trực của Nga tại NATO, ông Alexander Grushko, trong phát biểu sau cuộc họp ở Brussels, cho biết một trong những chủ đề được hai bên thảo luận và việc thực thi những vấn đề chính trị trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk về Ukraine.

Theo đó, để làm được điều này cần có những cơ chế khác nhau như “nhóm Bộ tứ Normandy”, “nhóm Tiếp xúc”, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Ông Grushko khẳng định không có bất kỳ hoạt động quân sự nào của Nga tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng phụ thuộc vào khả năng chính quyền Kiev thực hiện những bước đi đã được thỏa thuận.

Nga cũng cáo buộc việc NATO triển khai các liên minh quân sự về sườn Đông là không thỏa đáng và phản tác dụng.

Theo quan điểm của Moscow, NATO đang đưa các bên quay trở lại bầu không khí thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời khẳng định “mô hình đối đầu” mà NATO đang tạo ra không thể gây áp lực đối với Nga.

Đối đầu Nga - NATO khó hòa giải, hòa bình Ukraine khó tới, Ngoại trưởng Mỹ sẽ khó mà đối thoại.
Đối đầu Nga - NATO khó hòa giải, hòa bình Ukraine khó tới, Ngoại trưởng Mỹ sẽ khó mà đối thoại.

Thực tế rõ ràng là khi NATO càng triển khai quân sự về sườn Đông, Nga sẽ không thể rút lui và liên tiếp sau đó là các cáo buộc vi phạm. Tình trạng này đương nhiên sẽ không tới hồi kết và do đó, dễ dàng để thấy được, với quan điểm hiện tại Nga - NATO khi chưa thể thấu hiểu những giá trị cốt lõi của nhau thì hòa bình ở Ukraine sẽ còn là những điều xa vời.

Tình thế đối đầu giữa Nga - NATO buộc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm tới Moscow vào trong một tâm thế yếu hơn rất nhiều.

Ngoại trưởng Mỹ có lẽ sẽ gặp khó trong việc vừa cân bằng giữa lợi ích của Mỹ - Nga trên các đấu trường Ukraine, Syria với việc hài hòa lợi ích của Tổ chức NATO hiện đang rất "hung hãn" tiến về phía Moscow, lại vừa đảm bảo hòa bình tại Ukraine với vai trò của một nước lớn.

Trước tình huống này, nhiều khả năng Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải nhún nhường trước Nga với tâm thế của một vị khách, một người hòa giải, giữa hai nước lớn với nhau trên các vấn đề quốc tế.

Bên cạnh đó, trước các lý luận của Nga về căng thẳng tại miền Đông Ukraine, chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục hứa hẹn về việc yêu cầu Ukraine tăng cường cải cách chính trị, kìm hãm tham nhũng và thực hiện nghiêm các thỏa thuận hòa bình bên cạnh việc gia tăng các viện trợ trang bị quân sự cho Kiev.

Ngày 14/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Nga và dự kiến sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Cũng không loại trừ khả năng cuộc gặp gỡ giữa ông Kerry với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chuyến thăm Nga là một phần trong khuôn khổ chuyến thăm 6 ngày của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới 5 nước gồm Nga, Luxembourg, Bỉ, Yemen và Anh.

Theo Đông Phong

Đất Việt