1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO sẽ mở văn phòng liên lạc đầu tiên tại châu Á

Thanh Thành

(Dân trí) - NATO có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên tại châu Á với mong muốn tăng cường cam kết ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, chú trọng nâng cấp hợp tác về an ninh mạng, công nghệ đột phá và chống thông tin sai lệch.

NATO sẽ mở văn phòng liên lạc đầu tiên tại châu Á - 1

Tổng thư ký NATO (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc gặp ngày 31/1 ở Tokyo (Ảnh: AP).

Theo các nguồn tin, văn phòng liên lạc của NATO sẽ được đặt tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đánh dấu văn phòng liên lạc đầu tiên của liên minh quân sự này ở khu vực châu Á.

Văn phòng sẽ tạo điều kiện cho liên minh quân sự tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực như Hàn Quốc, Australia và New Zealand, giữa lúc NATO xem Trung Quốc nổi lên như một thách thức mới, bên cạnh mối quan tâm truyền thống của họ là Nga.

Ý tưởng mở văn phòng liên lạc lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Tokyo hồi cuối tháng 1 vừa qua.

Vào giữa tháng 4, liên minh đã đưa ra dự thảo đề xuất cho 31 thành viên, một nguồn tin cho hay. Việc Nhật Bản cung cấp không gian để mở văn phòng hay NATO tài trợ cho văn phòng hiện vẫn đang được đàm phán. 

NATO có các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên hợp quốc ở New York, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Vienna, cũng như ở Georgia, Ukraine, Bosnia và Herzegovina, Moldova và Kuwait.

Trong nhiều trường hợp, nước sở tại cung cấp không gian văn phòng cho NATO. Nếu Tokyo cung cấp tài chính để một liên minh quân sự phương Tây hiện diện tại Nhật Bản, động thái này sẽ tượng trưng cho giai đoạn mới trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên.

Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Taksoe-Jensen cho rằng, đây sẽ là văn phòng đầu tiên thuộc loại này của NATO ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. "Bước đi này không chỉ mang tính tượng trưng. Đây sẽ là cách rất rõ ràng và thực tế nhằm tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và NATO", ông nói.

Phó giáo sư Michito Tsuruoka tại Đại học Keio cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi cách NATO nhìn nhận Trung Quốc. "Bên cạnh những vấn đề mà Trung Quốc tự đặt ra, một khía cạnh mới đã được thêm vào chính là việc Bắc Kinh được xem là bên ủng hộ Nga. Điều này giờ lại liên quan trực tiếp đến an ninh của châu Âu", ông nhận định.

Phó giáo sư Tsuruoka nói thêm, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã nhiều lần đề cập đến lo ngại khi Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác. Ông Tsuruoka cho rằng, việc NATO có văn phòng tại Nhật Bản sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Tokyo.

Ngoài ra, NATO và Nhật Bản cũng sẽ nâng cấp phối hợp, hướng tới ký kết Chương trình hợp tác đáp ứng nhu cầu riêng (ITPP) trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva vào ngày 11-12/7 tới.

Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng, phối hợp lập trường về các công nghệ mới nổi và đột phá, đồng thời trao đổi các ghi chú về việc chống lại thông tin sai lệch.

Các kế hoạch trên đã được cả quan chức Nhật Bản và NATO xác nhận.

Theo Nikkei Asia