1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO lên tiếng sau nghi vấn mảnh vỡ UAV Nga rơi xuống Romania

Minh Phương

(Dân trí) - Trong một tuyên bố phát đi vào đêm 6/9, NATO cho biết sẽ theo dõi sát tình hình sau khi Romania phát hiện mảnh vỡ máy bay không người lái (UAV) nghi là của Nga rơi xuống lãnh thổ nước này.

NATO lên tiếng sau nghi vấn mảnh vỡ UAV Nga rơi xuống Romania - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Romania Angel Tilvar (thứ hai từ trái sang) đến khu vực bờ sông Danube gần biên giới Ukraine sau khi nước này phát hiện mảnh vỡ UAV rơi vào lãnh thổ (Ảnh: AP).

"Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát tình hình và liên hệ chặt chẽ với đồng minh Romania", NATO cho biết trong thông cáo phát đi cuối ngày 6/9.

Romania, một thành viên của NATO, ban đầu bác bỏ thông tin của Ukraine cho rằng mảnh vỡ UAV của Nga rơi xuống lãnh thổ nước này trong vụ tập kích cảng Izmail của Ukraine tối 3/9.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Romania hôm qua đính chính: "Các nhà điều tra của chúng tôi đã phát hiện các mảnh vỡ giống mảnh vỡ UAV tối 5/9".

Những mảnh vỡ này được tìm thấy gần làng Plauru, ở bờ sông Danube đối diện cảng Izmail của Ukraine. Bộ Quốc phòng Romania nói rằng họ sẽ tiến hành phân tích kỹ thuật để "xác định nguồn gốc và đặc điểm" của các mảnh vỡ.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis sau đó yêu cầu mở một cuộc điều tra khẩn cấp.

"Nếu những mảnh vỡ này được xác định là từ UAV của Nga, điều đó là không thể chấp nhận được và là vi phạm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Romania, một đồng minh NATO", Tổng thống Iohannis nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, Romania tiếp tục cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh NATO. "Trong NATO, chúng tôi luôn được bảo vệ tốt. Romania được hưởng lợi từ các cam kết an ninh mạnh mẽ nhất trong lịch sử", nhà lãnh đạo Iohannis cho biết.

Nga hiện chưa bình luận về những diễn biến trên.

Với tư cách thành viên NATO, Romania được bảo vệ theo Điều 5 trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể. Theo điều khoản này, khi một thành viên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công đồng nghĩa với toàn liên minh bị tấn công, do vậy liên minh có thể phối hợp ngăn chặn hoặc đáp trả mối đe dọa đó. Đến nay, Điều 5 mới được kích hoạt một lần sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.

Theo trang Avia-Pro, các chuyên gia không loại trừ kịch bản NATO sẽ bắt đầu triển khai các hệ thống phòng không để đánh chặn UAV, tên lửa tiếp cận biên giới Romania, Ba Lan và các nước thành viên khác gần khu vực xung đột.

Bộ trưởng Quốc phòng Romania Angel Tilvar cho hay, giới chức nước này xác định các mảnh vỡ UAV được tìm thấy không gây ra mối đe dọa trực tiếp. Đó dường như là mảnh vỡ UAV văng xuống Romania sau khi nhắm mục tiêu vào cảng của Ukraine, chứ không phải UAV phát nổ trên lãnh thổ Romania.

Sáng 6/9, Nga tập kích UAV vào cảng Izmail trên sông Danube ở tỉnh Odessa của Ukraine. Vụ tập kích khiến một người thiệt mạng. Danube là con sông nằm ở biên giới giữa Ukraine và Romania. Gần đây, Nga tăng cường tấn công vào các cảng của Ukraine. Động thái này được cho là nhằm kìm hãm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Từ lâu, nhiều người đã lo ngại nguy cơ xung đột Nga - Ukraine lan rộng sang các nước láng giềng, trong đó có những nước thành viên NATO như Romania, Ba Lan, và kéo theo một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine