1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Năm 2010 - năm đặc biệt với nhân dân hai nước Việt-Trung

(Dân trí) - Năm 2010 là năm đặc biệt với Việt Nam và Trung Quốc khi lãnh đạo hai nước nhất trí lấy năm nay làm “Năm hữu nghị Việt – Trung” và nhân dân hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (18/1/1950-18/1/2010).

Năm 2010 - năm đặc biệt với nhân dân hai nước Việt-Trung - 1
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 30/5/2008

60 năm và những thành quả đầy ý nghĩa

Ngày 18/1/1950, tức là chỉ hơn 2 tháng rưỡi kể từ khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949), hai nước Việt - Trung đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước và hai dân tộc. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 5/2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo hai nước đã nhất trí đưa quan hệ Việt - Trung lên một bước phát triển mới - xây dựng "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trong thế kỷ 21.

Hợp tác kinh tế, thương mại song phương đã có những bước phát triển vượt bậc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 6 năm liên tiếp. Đến nay, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với gần 700 dự án với số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD. Hợp tác về văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo không ngừng phát triển. Hiện tại, các trường đại học của Trung Quốc có hơn 10.000 sinh viên Việt Nam theo học.

Sự kiện hoàn thành đường phân giới cắm mốc trên bộ đã đánh dấu mốc son phát triển tốt đẹp giữa Đảng, Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc.

Hôm nay, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gửi điện mừng đến các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngày 23/2/2009, hai nước Trung Quốc và Việt Nam tổ chức lễ chào mừng kết thúc tốt đẹp công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền tại Cửa khẩu Hữu nghị ở Bằng Tường, Quảng Tây. Ngày 18/11/2009, Lễ ký văn kiện phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra tại Bắc Kinh, đánh dấu công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Trung Quốc-Việt Nam đã hoàn thành toàn tuyến sau nỗ lực chung trong 10 năm của cả hai bên. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước.

Năm 2009 còn là năm hai nước đạt được những thành quả to lớn trong hợp tác cả về chính trị (có 267 đoàn của hai nước thăm lẫn nhau), kinh tế (hợp tác thương mại song phương gia tăng bất chấp khủng hoảng kinh tế, đạt kim ngạch 20 tỷ USD), và giao lưu trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa, giáo dục...

Điểm lại quan hệ giữa hai nước trong 60 năm qua, trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 6/1 vừa qua, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường nói: “Chúng ta có hàng trăm lý do để phát triển quan hệ hai nước và không có lý do gì để làm hỏng mối quan hệ này”.

Năm 2010 – thời điểm lịch sử với cả Việt Nam và Trung Quốc

Năm 2009 đã qua là một năm hết sức đặc biệt đối với cả hai nước Việt – Trung và năm 2010 sẽ là khoảng thời gian đặt ra những cơ hội cho cả hai nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 đạt 5,32%, đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam. Việt Nam, cùng với Nga, Indonesia và Trung Quốc, là những nước đã đạt những thành quả kinh tế lớn nhất trong thập niên vừa qua - đó là kết luận của các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs.

Năm 2009 cũng là một năm thành công của đối ngoại Việt Nam. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao với việc nước ta hoàn thành tốt nhiệm kỳ hai năm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008-2009) và hai khóa chủ tịch luân phiên cơ quan này trong tháng 7/2008 và tháng 10/2009.

Năm 2010 có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho nhiều ngày lễ lớn, đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Về đối ngoại, từ ngày 1/1/2010 Việt Nam đã gánh vác vai trò Chủ tịch ASEAN và từ là nước điều phối viên ASEAN-Trung Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đăng cai Diễn đàn kinh tế Đông Á.

Trong khi đó, đối với nhiều người Trung Quốc, 2009 là năm tỏa sáng của nước này: Cuộc họp G-20 tại London (Anh) và chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung sang một chặng mới; Tại cuộc họp thượng đỉnh Copenhagen (Đan Mạch) về khí hậu, hai chữ “trách nhiệm” đã thay thế “phát triển” để trở thành từ quan trọng cho vai trò toàn cầu của nước này.

Năm 2009 cũng được coi là một năm mà phép màu kinh tế thực sự xảy ra đối với Trung Quốc. Tất cả các dự báo của các định chế quốc tế từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho rằng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2010 còn tươi sáng hơn so với 2009 - các dự báo giao động từ 9 đến 9,5%. Nhiều ý kiến ngay từ cuối năm ngoái thậm chí cho rằng 2010 có thể là năm mà Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới. Số liệu do Cơ quan thống kê liên bang Đức công bố ngày 8/1 cho thấy trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2009, Trung Quốc đã vượt Đức và trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Trong bối cảnh này, năm 2010 sẽ càng có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Trung - Việt. Hai bên đã thỏa thuận tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, góp phần làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt.

Việt Nam coi trọng việc thiết lập mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc khi Hà Nội đảm trách vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trung Quốc tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Việt Nam trên cương vị mới và tin rằng sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ được tăng cường hơn nữa trong năm nay, đặc biệt là khi Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN vừa có hiệu lực. Trong khi đó, sự góp mặt tích cực của Việt Nam tại hội chợ World Expo 2010 ở Thượng Hải vào tháng 5/2010 tới cũng như hội chợ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á ở Nam Ninh sẽ góp phần khẳng định uy tín của Trung Quốc với quốc tế.

Nguyễn Viết
Tổng hợp