1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tin tưởng Quảng Trị không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025

An Bình

(Dân trí) - Mỹ đã hỗ trợ hơn 166 triệu USD cho các chương trình rà phá bom mìn tại Việt Nam và tin tưởng rằng với nỗ lực của cả hai phía, tỉnh Quảng Trị sẽ đạt mục tiêu không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025.

Mỹ tin tưởng Quảng Trị không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025 - 1

Một thành viên đội rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh thực hiện công việc rà phá tại Quảng Trị tháng 8/2019 (Ảnh: Toàn Vũ).

Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các nhà báo khu vực châu Á vào hôm nay, 6/4, ông Jerry Guilbert, Giám đốc Các chương trình tiêu hủy vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đánh giá cao các kết quả tích cực mà Mỹ và Việt Nam đã đạt được trong những năm qua liên quan tới nỗ lực rà phá vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Theo ông Guilbert, Chính phủ Việt Nam đã là một đối tác lớn của Mỹ trong việc giải quyết các di sản của chiến tranh, không chỉ về vấn đề bom mìn chưa nổ, mà còn cả vấn đề người mất tích, chất độc da cam và dioxin.

Ông Guilbert nói, tỉnh Quảng Trị bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất, với rất nhiều vật liệu chưa nổ vẫn còn sót lại. Nhưng một trong những kết quả lớn nhất mà Việt Nam và Mỹ, cùng các tổ chức phi chính phủ, đạt được là không có trường hợp nào tử vong do vật liệu chưa nổ ở Quảng Trị trong 2 năm qua.

Ông Guilbert nhấn mạnh, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam, Mỹ và chính quyền tỉnh Quảng Trị đã giúp đạt được kết quả to lớn đó.

"Quảng Trị đã rất tiên phong trong việc áp dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật mới, sáng tạo để xử lý bom mìn. Và hiện tại, chúng tôi đang hướng tới việc đưa Quảng Trị không bị đe dọa bởi bom mìn chưa nổ vào cuối năm 2025", ông nói.

Ông Guilbert cũng lưu ý, chỉ cách đây vài năm, Quảng Trị vẫn bị ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn, với các thương vong thường xuyên xảy ra. Nhưng với sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và Mỹ, mục tiêu trên giờ đây là "trong tầm tay".

Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trong cả nước. Theo khảo sát của Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 2017, diện tích đất còn ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ chiếm gần 82% tổng diện tích toàn tỉnh.

Thách thức lâu dài

Cuộc trao đổi trên của ông Guilbert diễn ra sau khi Bộ Ngoại Mỹ ngày 5/4 công bố báo cáo mang tên "To Walk the Earth in Safety" (Hướng tới trái đất an toàn), tóm tắt các nỗ lực và cam kết của Mỹ đối với các chương trình phá hủy vũ khí thông thường trên khắp thế giới.

Theo báo cáo, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể từ năm 1993, Mỹ đã hỗ trợ tổng cộng 665 triệu USD để giúp các quốc gia rà phá bom mìn chưa nổ, hướng dẫn những người sống gần bom mìn biết cách giữ an toàn, giúp đỡ những người sống sót sau tai nạn bom mìn phục hồi vết thương và nâng cao năng lực của các chính phủ đối tác để xử lý các mối đe dọa từ bom mìn và vật liệu nổ về lâu dài.

Cũng theo báo cáo trên, từ năm 1993 đến năm 2020, Mỹ đã hỗ trợ hơn 166 triệu USD cho các chương trình tại Việt Nam nhằm rà phá bom mìn, hỗ trợ các nạn nhân cũng như tăng cường năng lực quốc gia.

Việt Nam là một trong những nước bị ô nhiễm và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,1 triệu ha.

Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam công bố năm 2017, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15,35 triệu tấn bom mìn trong Chiến tranh Việt Nam và tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5%. Trong khi đó, các tài liệu được truyền thông Mỹ công bố cho thấy con số bom mìn chưa nổ là khoảng 10%.

Dù lạc quan về các nỗ lực đạt được trong thời gian qua nhưng ông Guilbert cũng nhấn mạnh rằng việc giải quyết vấn đề bom mìn chưa nổ sẽ vẫn tiếp tục là một thách thức ở phía trước. Ông lấy các ví dụ như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các câu chuyện tìm thấy bom chưa nổ sót lại từ Thế chiến I, Thế chiến II ở châu Âu và thậm chí tại Mỹ trong cuộc nội chiến 150 năm về nước. Do đó, cần có các nguồn lực, nỗ lực và sự hỗ trợ để ưu tiên giải quyết vấn đề này một cách lâu dài trong tương lai.