1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ thách thức “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc

(Dân trí) - Một tư lệnh hải quân Mỹ mới đây cho rằng loại tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” và là biểu tượng cho sức mạnh quân sự ngày một lớn của Trung Quốc sẽ không khiến Hải quân Mỹ thay đổi cách thức hoạt động trên Thái Bình Dương.

Mỹ thách thức “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc - 1


Tên lửa Đông Phong 21D trong một cuộc diễu binh tại Bắc Kinh.
 
Giới phân tích quốc phòng cho rằng tên lửa Đông Phong 21D (DF 21D) có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Á, nơi nhóm tàu sân bay của Mỹ đã giành thế thượng phong kể từ cuối Thế chiến II.
 
Tuy nhiên, phó đô đốc Scott van Buskirk, tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP rằng Hải quân Mỹ thấy loại vũ khí nhiều người lo sợ này khó có thể "làm mưa làm gió" cho các tàu sân bay Mỹ, được mệnh danh là vương miện của Hải quân.
 
“Đó không phải là nhược điểm của đội tàu sân bay của chúng ta hay của Hải quân Mỹ. Nó chỉ là một hệ thống vũ khí, một công nghệ trong muôn vàn công nghệ ngoài kia”, ông Van Buskirk cho biết trong cuộc phỏng vấn trong tuần này trên mũi tàu USS George Washington, tàu sân bay duy nhất hiện đồn trú tại quê nhà trên biển tây Thái Bình Dương.
 
DF 21D nổi bật với khả năng bắn vào các mục tiêu di dộng, được bảo vệ nghiêm ngặt, như tàu sân bay USS George Washington của Mỹ với độ chính xác gần như tuyệt đối.
 
Tên lửa này cũng có khả năng xuyên thủng các hàng phỏng thủ do tốc độ phóng của nó không cho các tàu sân bay hay các tàu chiến lớn khác có đủ thời gian để trở tay.
  
Tuy nhiên, người đứng đầu hạm đội chịu trách nhiệm hoạt động ở gần như toàn bộ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cùng với 60-70 tàu và 40.000 thủy thủ, lính thủy đánh bộ, cho rằng khả năng của Đông Phong 21D chưa được chứng thực. Nhưng ông cũng thừa nhận tên lửa này gây ra lo ngại đặc biệt.
 
Trung Quốc phát triển tên lửa Đông Phong 21D trong bối cảnh nước này ngày càng tăng cường sức mạnh trên biển và có thái độ quyết đoán hơn đối với vấn đề biển và tranh chấp lãnh thổ. Năm ngoái, Trung Quốc và Nhật đã vướng vào vụ tranh cãi ngoại giao nảy lửa về các quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, khu vực tàu Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra.
 
Một đội gồm 10 tàu chiến Trung Quốc, trong đó có tàu ngầm và tàu khu trục tiên tiến, đã đi qua Eo biển Miyako hồi tháng tư năm ngoái và đây là cuộc “ghé qua” lớn nhất kiểu này từ trước tới nay. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc dùng động thái này một mặt để thử Nhật và Mỹ, mặt khác muốn phô diễn khả năng mở rộng hoạt động trên biển của họ.
 
Trung Quốc cũng bày tỏ sự khó chịu của mình đối với các hoạt động của tàu sân bay Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, cho rằng chúng gây ra nguy cơ về an ninh cho thủ đô Bắc Kinh.
 
Tuy nhiên, van Buskirk cho hay Hải quân Mỹ không có ý định thay đổi sứ mệnh của mình trước những “đe dọa” mới và vẫn tiếp tục hoạt động trong các vùng biển quanh Nhật, Hàn, Philippines và những nơi khác nếu thấy cần thiết.
 

Tiến độ phát triển tên lửa Đông Phong nhanh hơn dự đoán đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình có thể dùng hỗ trợ cho hải quân nước này khi xảy ra xung đột. Trung Quốc cũng hi vọng triển khai được các tàu sân bay đầu tiên của mình trong thập niên tới.

Phan Anh

Theo AP