1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ ráo riết trục vớt xác tiêm kích F-35 dưới đáy Biển Đông

Thanh Thành

(Dân trí) - Sau khi F-35 rơi xuống biển Đông, Hải quân Mỹ đang ráo riết tìm cách trục vớt tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này từ Biển Đông, do lo sợ các công nghệ bí mật có thể rơi vào tay đối thủ Trung Quốc.

Mỹ ráo riết trục vớt xác tiêm kích F-35 dưới đáy Biển Đông - 1

Một chiếc F-35C Lightning II trên boong đáp của tàu sân bay USS Carl Vinson vào ngày 22/1 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Chiếc máy bay chiến đấu F-35C gặp nạn khi cất hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ, khi tàu này đang ở Biển Đông hôm 24/1, khiến 7 quân nhân bị thương, trong đó phi công đã thoát chết bằng cách nhảy dù.

"Máy bay bị va vào sàn đáp khi hạ cánh rồi lao xuống biển. Hải quân Mỹ đang triển khai hành động trục vớt nó", phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Mỹ Nicholas Lingo tuyên bố.

Ông Lingo cũng bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ cản trở việc này và tìm cách trục vớt nó trước. "Chúng tôi không thể suy đoán ý đồ của Trung Quốc trong vụ việc này", ông nói.

Vụ việc mới nhất này khiến Hải quân Mỹ phải trải qua một cuộc trục vớt phức tạp nhằm tránh nguy cơ tiêm kích cơ tinh vi nhất, công nghệ hiện đại nhất, rơi vào tay Trung Quốc.

Video khoảnh khắc cuối cùng của máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở Biển Đông

Hải quân Mỹ không tiết lộ vị trí chính xác của vụ tai nạn ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp hầu hết ở biển Đông và đang tích cực xây dựng các cơ sở quân sự trên các rạn san hô và các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép. Mỹ và các nước phương Tây đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông bằng cách triển khai các lực lượng quân sự nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tiêm kích F-35C của Hải quân Mỹ là một phần của cuộc triển khai nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ gần Đài Loan sau khi Trung Quốc gần đây liên tục xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo. Một tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết vụ việc xảy ra trong "các hoạt động bay thường lệ" ở Biển Đông.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố "không có hứng thú" với máy bay này, nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh gần như chắc chắn muốn có thông tin về F-35C.

Theo các nguồn tin, hoạt động trục vớt F-35C rất gian nan và có thể mất tới 120 ngày. CNN dẫn lời các chuyên gia cho biết, việc trục vớt một máy bay chiến đấu từ đáy biển không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Theo cựu Giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii Carl Schuster, các tàu trục vớt của Mỹ sẽ phải mất 10-15 ngày để đến địa điểm máy bay gặp nạn và mất khoảng 120 ngày cho các hoạt động thu hồi. "Tất cả phụ thuộc vào độ sâu đáy biển nơi chiếc F-35C gặp nạn", ông Schuster nói.

Một nguồn tin cho biết USS Carl Vinson đã băng qua eo biển đảo Verde ở Philippines để rời Biển Đông vào tối 25/1. Như vậy, nhiều khả năng nhiệm vụ tìm kiếm và trục vớt chiếc máy bay F-35 sẽ do nhóm tàu USS Abraham Lincoln đảm nhận.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể cho nổ xác máy bay để đảm bảo an ninh hay không, câu trả lời là khó có thể làm được.

Chiếc F-35C gặp nạn là máy bay chiến đấu tàng hình tầm xa thế hệ 5 được thiết kế để hoạt động từ tàu sân bay. Nó có một móc hãm để giúp nó hạ cánh trên tàu sân bay và sải cánh mở rộng cần thiết để phóng bằng máy phóng. Để tránh được radar, nó được trang bị các cảm biến chiếu tia cập nhật trực tiếp đến mũ bảo hiểm của phi công.

Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua, một chiếc F-35 với những thiết kế siêu tân tiến trị giá 100 triệu USD bị mất tích trên biển.

Năm ngoái, Anh đã kêu gọi Mỹ giúp đỡ trong việc tìm kiếm một chiếc F-35B Lightning II từ trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã đâm xuống biển Địa Trung Hải. Khi đó, phi công đã nhảy dù thoát nạn và trở về an toàn. London đã yêu cầu sự giúp đỡ trong bối cảnh lo ngại các đối thủ sẽ cố gắng trục vớt tiêm kích cơ này và sao chép công nghệ. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, xác chiếc máy bay đã được tìm thấy sau đó.

Đầu tháng 1/2022, một chiến đấu cơ F-35A của Hàn Quốc đã phải hạ cánh khẩn cấp trong quá trình huấn luyện. Người phát ngôn của Không quân Hàn Quốc cho biết thiết bị trục trặc do các vấn đề điện tử, buộc phi công phải thực hiện hành động chưa từng có. Một quan chức quân đội từ chối xác nhận xem máy bay có bị thiệt hại gì trong vụ việc hay không nhưng xác nhận phi công không bị thương.

Vào tháng 4/2019, một máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Nhật Bản đã bị rơi ở Thái Bình Dương gần phía bắc Nhật Bản, khiến phi công thiệt mạng.