1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ nói muốn đàm phán vô điều kiện, vì sao Triều Tiên vẫn lạnh nhạt?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Triều Tiên từ chối đàm phán với Mỹ vì Bình Nhưỡng đang cảm thấy "bạo dạn" hơn do có mối quan hệ ngày càng tăng với Nga và Trung Quốc.

Mỹ nói muốn đàm phán vô điều kiện, vì sao Triều Tiên vẫn lạnh nhạt? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Xí nghiệp Cơ khí Ryongsong ở Bình Nhưỡng hồi tháng 11 (Ảnh: Reuters).

"Chính quyền của ông Kim Jong-un cảm thấy rằng họ đã có được sự hỗ trợ từ Nga, cùng với những mặt hàng thiết yếu từ Trung Quốc", ông Nah Liang Tuang, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cho biết.

"Do đó, nước này ở vào thế tương đối mạnh hơn và thấy không cần thiết phải đàm phán với Mỹ. Bình Nhưỡng không bao giờ đàm phán khi họ cảm thấy mạnh mẽ", ông Nah Liang Tuang nói.

Không vội nối lại đàm phán

Gần đây, Washington đã lên án vụ phóng vệ tinh do thám thành công của Triều Tiên vào cuối tháng 11.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, đã gọi vụ phóng này là "liều lĩnh", "bất hợp pháp" và là mối đe dọa đối với Hàn Quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Dù vậy, bà Thomas-Greenfield cũng nhắc lại rằng Washington sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời Bình Nhưỡng có thể "chọn thời gian và chủ đề".

Tuy nhiên, Triều Tiên đã lập tức bác bỏ lời đề nghị này, nói rằng "chủ quyền của một quốc gia độc lập không bao giờ có thể là vấn đề sẽ xuất hiện trong nghị trình đàm phán". Bình Nhưỡng cũng khẳng định họ "sẽ không bao giờ ngồi đối diện với Mỹ vì mục đích đó".

Mỹ nói muốn đàm phán vô điều kiện, vì sao Triều Tiên vẫn lạnh nhạt? - 2

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng từ Triều Tiên trong hình ảnh do KCNA công bố ngày 13/7 (Ảnh: KCNA).

Ông Nah nhận định động thái này phản ánh việc Bình Nhưỡng chỉ đàm phán trong những thời điểm "yếu thế". Chẳng hạn, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Bình Nhưỡng đã cố gắng "đạt thỏa thuận lớn với Washington".

Nga khi đó đã chỉ trích vụ thử, ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hành động của Triều Tiên. Lúc này, mối quan hệ giữa 2 nước đã nồng ấm trở lại sau cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 9.

Trong khi đó, Trung Quốc là nước lâu năm cung cấp viện trợ lương thực và nhiên liệu cho Triều Tiên.

Gabriela Bernal, nhà phân tích về Triều Tiên, cho rằng mối quan hệ với Nga và Trung Quốc đã góp phần "khuyến khích" thái độ của Bình Nhưỡng đối với Washington. Nguyên nhân là vì Triều Tiên cảm thấy họ "không đơn độc và có 2 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đứng về phía mình".

"Bình Nhưỡng có thể chờ đợi thời cơ và không vội nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ", bà Gabriela Bernal nói và lưu ý rằng điều này có thể thay đổi nếu người Mỹ bầu ra tổng thống mới vào năm tới, đặc biệt là nếu ông Trump trở lại nắm quyền.

Cho rằng Mỹ nói không đi đôi với làm

Bà Bernal, nghiên cứu sinh tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc, cho rằng việc từ chối đàm phán với Mỹ cũng xuất phát từ việc Bình Nhưỡng thấy rằng lời nói và hành động của Mỹ không đi đôi với nhau.

"Dù Washington luôn đề nghị đàm phán, rõ ràng chính quyền ông Biden vẫn không thay đổi cách tiếp cận chính sách tổng thể đối với Bình Nhưỡng", bà Bernal nói.

Mỹ nói muốn đàm phán vô điều kiện, vì sao Triều Tiên vẫn lạnh nhạt? - 3

Ông Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa mang vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên vào vũ trụ hồi tháng 11 (Ảnh: KCNA).

Giữa 2 bên có những sự khác biệt căn bản. Chẳng hạn, Washington muốn phi hạt nhân hóa Triều Tiên nhưng điều này hiện nay là bất khả thi, theo bà Bernal. Đây cũng "là điều mà Triều Tiên đã bác bỏ thẳng thừng".

Bà Bernal cho biết cách duy nhất để các cuộc đàm phán có thể diễn ra là khi Mỹ thể hiện sự linh hoạt, ưu tiên kiểm soát vũ khí và sẵn sàng cung cấp biện pháp giảm nhẹ trừng phạt dần dần để đổi lấy các biện pháp tương ứng từ Bình Nhưỡng.

"Điều đặc biệt khiến Triều Tiên tức giận là việc hôm nay Mỹ nói sẵn sàng đàm phán nhưng ngay ngày hôm sau lại triển khai máy bay ném bom chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Hàn Quốc và tổ chức các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản", bà Bernal chỉ ra.

"Đối với Triều Tiên, việc Mỹ tập trung mạnh mẽ vào khả năng răn đe không gửi đi tín hiệu cho thấy ngoại giao là ưu tiên hàng đầu của Washington", bà Bernal nói.

Theo SCMP