1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lo vũ khí siêu vượt âm Nga -Trung thành "cơn ác mộng" với tàu sân bay

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận rằng các tàu sân bay nước này đang đối mặt với mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc.

Mỹ lo vũ khí siêu vượt âm Nga -Trung thành cơn ác mộng với tàu sân bay - 1

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh minh họa: Reuters).

Trong bài phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tuần trước, người đứng đầu cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) John Hill cho hay, các hàng không mẫu hạm của nước này đang đối diện mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm của các đối thủ Nga và Trung Quốc. Ông Hill cho biết thêm, Mỹ đang phát triển các hệ thống phòng thủ sớm cho mối đe dọa này.

"Việc sở hữu năng lực đó (phòng thủ) là quan trọng vì mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm đã xuất hiện", ông Hill nói.

Trong vài năm qua, Nga và Trung Quốc đã tung ra các vũ khí siêu vượt âm, có khả năng bay nhanh hơn ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5 tương đương 6,125 km/h). Các hệ thống phòng thủ Aegis trên tàu sân bay hiện có thể chặn mối đe dọa từ tên lửa hành trình siêu thanh, tuy nhiên, các vũ khí siêu vượt âm sẽ bay nhanh hơn và có quỹ đạo khó lường hơn khi lao về phía mục tiêu.

Nga hiện đã đưa tên lửa siêu vượt âm "dao găm" Kinzhal vào biên chế. Tên lửa này có thể phóng đi từ các tiêm kích MiG-31 và Su-34. Nga cũng đang phát triển tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu có thể bay với tốc độ từ Mach 6 tới Mach 8 và có khả năng tiêu diệt mục tiêu hải quân và trên cạn.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa DF-17 có khả năng mang và phóng ra thiết bị lượn siêu vượt âm DF-Z.

Mỹ nhiều lần thừa nhận họ chậm chân hơn các đối thủ trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm. Vì vậy, Mỹ vừa tăng tốc phát triển vũ khí này, vừa tìm cách nhằm đánh chặn các mối đe dọa từ mục tiêu siêu vượt âm. Một trong những cách tiếp cận của Mỹ hiện là nâng cao khả năng đánh chặn ở pha cuối với tên lửa siêu vượt âm.

MDA đã đề nghị khoản ngân sách 248 triệu USD trong tài khóa 2022 để phát triển các vũ khí chống mục tiêu siêu vượt âm, với trọng tâm là hệ thống "Đánh chặn giai đoạn lượn" GPI.

GPI sẽ hoạt động với cảm biến không gian và theo dõi tên lửa đạn đạo siêu vượt âm (HBTTS) nhằm cung cấp thông tin cho các hệ thống đánh chặn của Mỹ.