1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ, Cuba tổ chức cuộc đàm phán lịch sử để bình thường hóa quan hệ

(Dân trí) - Các quan chức cấp cao của Mỹ và Cuba sẽ tổ chức cuộc đàm phán cấp cao nhất trong nhiều thập niên qua trong tuần này, nhằm gạt bỏ sự thù địch thời Chiến tranh Lạnh để mở đường cho việc mở lại đại sứ quán ở mỗi nước và bình thường hóa quan hệ.

Mỹ, Cuba tổ chức cuộc đàm phán lịch sử để bình thường hóa quan hệ
Cờ Mỹ được treo sau xe của một người đàn ông hành nghề xích lô trên đường phố Havana, Cuba. (Ảnh: AFP)
 
Hơn nửa thế kỷ sau khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt vào năm 1961, giới chức Mỹ và Cuba sẽ gặp nhau tại thủ đô Havana của Cuba trong 2 ngày 21 và 22/1 để thảo luận các vấn đề nhập cư và một lộ trình để đưa đại sứ của mỗi nước trở lại nước kia.

Các cuộc đàm phán tại Havana diễn ra 5 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng lúc đưa ra tuyên bố rằng hai nước đang tiến tới việc bình thường hóa quan hệ.

Bà Roberta Jacobson, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, sẽ dẫn đầu phái đoàn của Washington, trong khi đứng đầu phái đoàn phía Cuba là giám đốc phụ trách các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ ngoại giao Cuba Josefina Vidal.

Ngày đầu tiên của cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề nhập cư và ngày thứ 2 sẽ thảo luận tiến trình thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở cửa trở lại đại sứ quán của hai nước.

Các nhà phân tích cho hay các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ cho phép hai nước đẩy nhanh công tác chuẩn bị mở lại các đại sứ quán.

Tuy nhiên, cũng có những nhận định thận trọng về vòng đàm phán lần này.

“Tôi cho rằng chuyến thăm của bà Jacobson đúng là một sự kiện lịch sử và nó sẽ mang tới những thay đổi, nhưng cũng cần phải thận trọng rằng bạn không nên kỳ vọng những phép màu bất ngờ”, ông Peter Schechter, một chuyên gia về Mỹ La-tinh tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Mỹ, nhận định.

Đối với Cuba, phần quan trọng của cuộc đàm phán là đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố của Mỹ, vốn khiến chính phủ Cuba không đủ tiêu chuẩn để nhận được tín nhiệm từ các thể chế tài chính.

Mỹ cũng đưa vào cuộc đàm phán các vấn đề như những lo ngại về quyền tự do cá nhân, vấn đề căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo ở phía đông Cuba, việc đền bù cho tài sản của các công ty Mỹ bị quốc hữu hóa tại Cuba sau cách mạng năm 1959.

An Bình
Theo AFP