1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam

Về tình hình Syria, Mỹ dừng đào tạo các nhóm nổi dậy, trong khi Nga úp mở mục tiêu không kích, tranh luận bài học chiến thắng ở Việt Nam.

Đấu trên mạng

Mỹ đã đề nghị Malaysia thành lập một trung tâm truyền thông kỹ thuật số cấp khu vực nhằm ngăn chặn sự truyền bá tư tưởng và tuyên truyền về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) qua internet.

Thông tin được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cập tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi ở Washington ngày 8/10, sau khi hai bên ký Chỉ thị số 6 của Tổng thống về An ninh nội địa (HSPD-6).

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 1

Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Phó Thủ tướng Ahmad Zahid cho biết trung tâm này có mô hình tương tự trung tâm ở thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), tập trung sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chống lại tuyên truyền trên mạng internet của IS.

Trung tâm sẽ được đặt tại thủ đô Kuala Lumpur và Mỹ sẽ giúp Malaysia trong các lĩnh vực đào tạo, trang thiết bị và hoạt động.

Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy truyền thông xã hội là công cụ chính mà IS sử dụng để thu hút các chiến binh, đặc biệt là ở Syria và Iraq.

Ông Ahmad Zahid cho biết có tới 87% chiến binh được IS tuyển mộ thông qua truyền thông xã hội. Quan chức Malaysia bày tỏ hy vọng rằng sẽ chống lại sự truyền bá IS và đảo ngược xu thế bằng chính công cụ mà tổ chức này sử dụng.

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 2

Internet hiện là kênh tuyên truyền, tuyển mộ hiệu quả của IS

Theo hãng tin Bernama, theo văn bản HSPD-6 vừa được ký kết, Malaysia và Mỹ có thể chia sẻ thông tin dựa vào danh sách 86.000 phần tử khủng bố và nghi can khủng bố tại Mỹ và các nước khác.

Đồng thời, Malaysia cũng sẽ cung cấp thông tin về nghi can khủng bố bị đưa ra toà theo Luật Phòng chống khủng bố (POTA). Nghi phạm khủng bố có thể bị bắt giữ mà không cần xét xử trong hai năm theo Đạo Luật.

Theo Phó Thủ tướng Zahid, trước đây, Malaysia sử dụng Interpol là kênh thông tin, nhưng từ nay sẽ nhận được thông tin trực tiếp từ Mỹ hoặc FBI, và cảnh sát Malaysia có thể hành động ngay lập tức để ngăn chặn cũng như kiềm chế các vấn đề liên quan đến các hoạt động khủng bố.

Mỹ chùn bước?

Trong khi đó, ngày 9/10, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ ngừng đào tạo các nhóm quân nổi dậy Syria chống IS và thay vào đó sẽ tập trung huấn luyện và vũ trang cho các thủ lĩnh đã được xem xét kiểm tra chặt chẽ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết: "Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter chỉ đạo Bộ Quốc phòng cung cấp các gói thiết bị và vũ khí cho những nhóm chọn lọc gồm các thủ lĩnh được xem xét kỹ càng cùng đơn vị của họ để dần dần tạo ra bước tiến có phối hợp vào vùng lãnh thổ vẫn do IS kiểm soát".

Theo ông Cook, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ trên không cho phe nổi dậy khi họ chiến đấu chống IS.

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 3

Các tay súng phiến quân tại Syria

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Christine Wormuth cũng thông báo Lầu Năm Góc sẽ cung cấp "các loại trang thiết bị cơ bản" cho thủ lĩnh các nhóm nổi dậy ở Syria chứ không phải các vũ khí tối tân như rốckét chống tăng hay vác vai.

Thông báo này đánh dấu sự thay đổi chương trình huấn luyện và vũ trang của Mỹ cho các tay súng ở khu vực bên ngoài Syria, vốn là nguyên nhân khiến chiến thuật chiến tranh mà Mỹ đang áp dụng hứng chịu nhiều chỉ trích.

Cũng trong ngày 9/10, một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ cho biết, Washington hiện không cân nhắc thiết lập vùng cấm bay ở Syria vì kế hoạch này quá tốn kém và làm sao nhãng cuộc chiến chống IS cũng như sự hỗ trợ phe đối lập Syria.

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest hôm 8/10 nói rằng Washington không loại trừ khả năng thiết lập vùng cấm bay tại Syria trong tương lai, song không cân nhắc điều này vào thời điểm hiện tại.

Thêm đòn dằn mặt

Liên quan tới chiến dịch không kích của Nga tại Syria, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, ngày 9/10, các máy bay chiến đấu của Nga đã oanh tạch một căn cứ của một nhóm nổi dậy từng được Mỹ huấn luyện tại Tây Bắc Syria.

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 4

Nga tuyên bố không kích thêm 60 mục tiêu của "những kẻ khủng bố"

Theo SOHR, các máy bay của Nga đã bắn trúng căn cứ của nhóm "Sư đoàn 13" (Division 13) gần làng Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, làm bị thương các tay súng và gây thiệt hại.

Trang Facebook của Division 13 cũng xác nhận vụ không kích, cho biết địa điểm này đã bị phá hủy hoàn toàn và nhiều tay súng của nhóm thiệt mạng. Nhóm phiến quân không theo đạo Hồi này cho biết, họ từng được đào tạo theo chương trình của Mỹ.

Bộ Tổng tham mưu Nga ngày 9/10 tuyên bố các cuộc không kích của nước này ở Syria đã khiến các “tay súng” chịu tổn thất nặng nề và buộc phải thay đổi chiến thuật, phân tán lực lượng, ngụy trang cẩn thận và ẩn náu trong các khu dân cư.

Trung tướng quân đội Nga Igor Makushev nói: “Trong điều kiện như vậy, lực lượng không quân vũ trụ Nga sẽ tiếp tục sử dụng không quân và tăng cường độ các đòn tấn công tể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu”.

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 5

Máy bay Su-24 của Nga tại Syria

Theo tướng Makushev, các mục tiêu bị tấn công được lựa chọn là các điểm chỉ huy, liên lạc của các “tay súng”, các kho vũ khí, nhiên liệu, các căn cứ huấn luyện khủng bố ở các tỉnh Raqqa, Latakia, Hama, Idlib và Aleppo.

Chi tiết đáng chú ý là tướng Nga đã sử dụng những từ như “tay súng” và “khủng bố” để chỉ các mục tiêu bị tấn công.

Hãng tin TASS của Nga cũng dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết trong vòng 24 giờ qua, không quân Nga tại Syria đã xuất kích 67 lần, tấn công vào 60 mục tiêu của “những kẻ khủng bố” trên lãnh thổ Syria.

Người Nga nhớ Việt Nam

Tại Nga, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chiến dịch mà quân đội nước này đang tiến hành ở Syria. Có không ít ý kiến tỏ ra lạc quan, song cũng có nhiều người tỏ ra thận trọng.

Mới đây, một phóng viên của tờ Vedomosti của Nga tên là Petr Kozlov đã lên tiếng phê phán thái độ lạc quan rằng đưa quân vào Syria sẽ thắng lợi như thời Liên Xô trong trường hợp của Việt Nam trước đây.

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 6

Nhiều người Nga lạc quan thái quá về chiến dịch tại Syria?

Nhà báo này cho biết, một thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga nói với ông rằng Moskva đang muốn "lặp lại kinh nghiệm thắng lợi thời Liên Xô ở Việt Nam" với Syria hiện nay.

Theo đó, với sự hỗ trợ của Liên Xô, quân đội miền Bắc Việt Nam "đã giải phóng toàn bộ miền Nam, khiến chính phủ bù nhìn phải bỏ chạy" và Nga có thể làm như vậy để giúp quân đội Syria giành đất mà quân Nga "không phải chiến đấu trên bộ".

Ông Kozlov không đồng ý với cách nhìn lạc quan đó, nhắc lại rằng "cuộc chiến tại Việt Nam kéo dài 18 năm".

Nhà báo này cũng nhắc lại bài học trong cuộc chiến ở Afghanistan, khi Liên Xô cũng từng đưa quân tới đây theo yêu cầu của Kabul. Thế những cuộc chiến kéo dài 10 năm đã gây ra những tổn thất nặng nề.

EU xoa dịu Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 8/10 tuyên bố, Phương Tây cần phải đối xử đúng đắn với Nga và nói chuyện với họ một cách bình đẳng, đồng thời chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá Nga chỉ là một "cường quốc khu vực".

Tại cuộc thảo luận diễn ra ở thành phố Passau, miền Nam nước Đức, ông Juncker nêu rõ: "Tôi nói rất thẳng thắn là chúng ta phải đối xử với Nga một cách đúng mực. Khi nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tôi biết ông ấy không chấp nhận những câu như ông Obama nói rằng Nga chỉ là một cường quốc khu vực...

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 7

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker phát biểu tại Đức hôm 8/10

Quan chức châu Âu khẳng định: “Nước Nga muốn được đối xử bình đẳng và trên hết, người Nga có lý". Tuy nhiên, ông Juncker cũng nhận xét: "Cách thức mà Nga phản ứng trong sự việc của Crimea hay của miền Đông Ukraine không đưa được Nga tiến lên".

Châu Âu và Mỹ đã áp đặt biện pháp trừng phạt Nga do ủng hộ quân ly khai ở Đông Ukraine và sáp nhập Crimea hồi đầu năm 2014.

Ngoài ra, Phương Tây cũng chỉ trích việc Nga can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria và cáo buộc Moskva ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hơn là tiêu diệt IS.

Theo Phong Minh

Đất Việt

Mỹ chùn bước, Nga tranh luận chiến thắng ở Việt Nam - 8