1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ, Afghanistan, Pakistan: một mục đích chung, nhiều thách thức

(Dân trí) - Mỹ, Afghanistan và Pakistan khẳng định có cùng mục đích chung là triệt phá al-Qaeda và các đồng minh của chúng, nhưng tình hình nghiêm trọng hiện nay nhắc nhở những người tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Washington rằng chiến lược hành động của họ sẽ gặp nhiều thách thức.

Mỹ, Afghanistan, Pakistan: một mục đích chung, nhiều thách thức  - 1

Ba nhà lãnh đạo sau cuộc gặp tại Nhà Trắng.

“Chúng tôi gặp nhau hôm nay khi ba quốc gia cùng có một mục đích chung – đó là đập tan, giải giáp và chiến thắng Al-Qaeda cùng các đồng minh cực đoan của chúng”, ông Obama nói trong cuộc họp báo chung ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Pakistan Ali Asif Zardari tại  Washington ngày hôm qua.

 

“Con đường phía trước sẽ khó khăn. Sẽ có nhiều bạo lực và những bước thoái trào. Nhưng nước Mỹ đã có cam kết dẹp tan Al-Qaeda trong khi ủng hộ những chính phủ được bầu dân chủ của cả Pakistan và Afghanistan. Cam kết này sẽ không phải là sự khước từ và sự ủng hộ này sẽ được duy trì”, ông Obama nói.

 

Về việc các cuộc không kích của Mỹ đã làm hàng chục dân thường thiệt mạng, Obama nói Mỹ sẽ hợp tác với hai đồng minh Afghanistan và Pakistan “để nỗ lực tránh thương vong với người dân”. Ông cũng tuyên bố cần triển khai thêm quân và nguồn lực cho Afghanistan, nhắc lại rằng Mỹ đã sẵn sàng gửi thêm 21.000 quân và các đồng minh NATO cũng sẵn sàng tăng cường hỗ trợ.

 

Obama đã mời đến Nhà Trắng hai vị tổng thống từng bị chính quyền tiền nhiệm ở Washington chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, những thương vong của hàng chục dân thường trong các cuộc không kích ở hai nước này trong tuần đã phủ bóng đen lên cuộc họp thượng đỉnh.

 

Nghiêm trọng ở cả Pakistan và Afghanistan

 

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Pakistan-Afghanistan diễn ra khi tình hình hiện nay rất nghiêm trọng ở cả Afghanistan lẫn Pakistan.

 

Tại Afghanistan, mùa đông kết thúc và các đợt tấn công của Taliban gia tăng trong các vùng núi non hiểm trở. Hội Chữ thập Đỏ nói hàng chục thường dân, kể cả đàn bà trẻ em, đã bị thiệt mạng trong các cuộc oanh kích, dường như của Mỹ, vào Farrah. Chính phủ Afghanistan và quân đội Mỹ đều nói họ đang điều tra. Trước chuyến đi Washington, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nói ông sẽ nêu vấn đề này khi gặp Tổng thống Obama. Ông Karzai đã nhiều lần thục giục các lực lượng nước ngoài hãy có thêm các biện pháp để giảm thiểu thương vong cho dân thường.  

 

Còn ở Pakistan, hàng trăm nghìn dân thường đang phải lũ lượt kéo nhau chạy khỏi thung lũng Swat trong một chỉ dấu cho thấy trong những ngày tới, quân đội Pakistan sẽ mở cuộc tổng tấn công vào thung lũng Swat.

Trực thăng vũ trang của quân đội oanh kích dữ dội các cứ điểm của Taliban ngoài Mingora, thành phố duy nhất ở Swat. Taliban đã chiếm các công sở đêm 6/5 để chuẩn bị đối phó với quân chính phủ Pakistan.  

 

Nhiều tin cho rằng phe này đã tuyển mộ thêm hàng ngàn tay súng và củng cố các căn cứ của họ trong những tháng qua. Chính phủ tố cáo Taliban vi phạm ngưng bắn và mở chiến dịch đánh trả từ tuần trước nhưng lấy lại Swat không phải dễ vì trước đây quân đội chính phủ đã thất bại hai lần.

 

Điều khó với Obama

 

Điều khó khăn nhất cho ông Obama là thuyết phục Pakistan nỗ lực chống Taliban và ngăn chặn các chiến binh này sử dụng lãnh thổ Pakistan làm sào huyệt để thọc sâu vào Afghanistan.  

 

Afghanistan hiện là cuộc chiến sống còn với Obama. Khó khăn trên trước tiên là vì Washington tin chắc là chìa  khoá cuộc chiến nằm ở các vùng bộ tộc Pakistan, ở biên giới với Afghanistan. Thứ hai là Pakistan là một cường quốc hạt nhân. Mối lo ngại lớn của Mỹ là một ngày nào đó, vũ khí này  lọt vào tay những kẻ cuồng tín.

 

Mỹ vẫn muốn hỗ trợ Pakistan, nhưng một cách cẩn thận và theo dõi sát diễn biến tình hình. Mỹ hiểu vấn đề là tuy được đánh giá là lá bài quyết định, nhưng Pakistan không khỏi gây rất nhiều ngờ vực cho các lãnh đạo Mỹ. Nhưng cho dù vậy, như lời ông Bruce Riedel, cựu sĩ quan tình báo CIA và cố vấn về chiến lược cho Tổng Thống Mỹ, đã tuyên bố: ngày nay, nếu không làm gì, thì Mỹ sẽ mất Afghanistan.  

 

Tuy nhiên, ngay cả tại Washington, nhiều nhà quan sát cho rằng “liệu chiến lược này có đủ khả năng để đánh bại Taliban hay không” vẫn đang chờ câu trả lời.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp