1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Mốt” vợ chồng độc thân ở Trung Quốc

Tan sở vào lúc 5h, Tiểu Lý đi mua sắm cùng cô bạn thân thay vì trở về nhà chuẩn bị bữa ăn tối. Có vẻ như cô đang sống độc thân nhưng trên thực tế cô đã kết hôn ba năm nay.

Tiểu Lý đại diện cho những người đã lập gia đình, và không bao giờ che giấu tình trạng hôn nhân của mình, nhưng vẫn sống độc thân. Một số người tỏ ra đồng cảm và coi đây là hiện tượng không thể tránh khỏi trong một xã hội phát triển, những người khác lại có quan điểm đối lập.

 

Sống riêng

 

Một số "đôi vợ chồng độc thân" có thể vẫn sống cùng nhau nhưng duy trì những mảnh trời riêng. Họ thường một mình tập thể dục hay tới các bữa tiệc của bạn bè. Những "cặp" khác có thể sống riêng và hẹn hò nhau thường xuyên. Họ có thể cùng đi dạo trong công viên hay du lịch với nhau, và trông như đôi uyên ương hạnh phúc. Họ không bao giờ nấu nướng ở nhà, và ăn uống ở những nhà hàng bên ngoài.

 

Kết hôn hai năm trước, Tiểu Bảo, một nhân viên làm việc trong công ty nước ngoài, không hề ngừng việc tiệc tùng hay gặp gỡ bạn bè. Với cô, khác biệt duy nhất giữa kết hôn với cuộc sống độc thân là hiện cô đang sống cùng bạn đời. Cô và chồng vẫn duy trì chu kỳ, phong cách sống riêng biệt.

 

Lý Phương, phóng viên một tờ báo ở Bắc Kinh sống trong căn hộ riêng. Và chồng cô cũng sống riêng. Điều này tạo thuận lợi cho họ khi đi làm, họ gặp nhau vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ.

 

Lựa chọn duy nhất

 

Chồng của Lý Phương làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước tại ngoại ô Bắc Kinh. Anh sống trong nhà tập thể gần cơ quan kể từ khi kết hôn, nó rất thuận tiện khi anh đi làm và tới phòng ăn. Vì vậy, anh quyết định ở đây và Lý Phương thì chưa bao giờ nghĩ tới việc chuyển ra ngoại ô sống cùng chồng.

 

"Tôi không thích cuộc sống độc thân, tôi đã từng muốn trở thành người vợ truyền thống trước khi kết hôn. Nhưng chúng tôi phải đối mặt với thực tế’’, Phương nói.

 

Rất nhiều "đôi độc thân’’ chia sẻ quan điểm này khi có cùng hoàn cảnh như Lý Phương.

 

Quốc, một cảnh sát ở Bắc Kinh, sống với vợ nhưng hiếm khi trò chuyện cùng cô. Quốc nói: "Là một cảnh sát, tôi thường làm thêm giờ thậm chí tới nửa đêm. Khi điều tra những vụ án nghiêm trọng, tôi còn phải làm việc suốt tuần mà không được về nhà. Vợ tôi đi làm rất sớm và tôi thậm chí không biết lúc nào cô ấy tan sở’’.

 

Giai đoạn nhất thời?

 

Một số "cặp độc thân’’ tỏ ý thỏa mãn với cuộc sống của mình. Tiểu Lý mô tả quan hệ của cô với chồng như "roomie". Có vẻ khó tin nhưng Tiểu Lý không nghĩ đó là vấn đề giữa cô và chồng.

 

"Chúng tôi sẽ không buồn chán vì những việc vặt hàng ngày quen thuộc, thời gian yêu thương chúng tôi sẽ ở bên nhau’’, cô nói. "Hôn nhân đã làm thay đổ tâm lý tôi, tôi chẳng cảm thấy cô độc ở bất kỳ khi nào’’.

 

Còn theo Lý Phương thì, duy trì cuộc sống độc thân sau khi kết hôn đòi hỏi sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai vợ chồng. Cô phân tích rằng, tình trạng này là giai đoạn nhất thời khi hai người theo đuổi sự nghiệp của mình. Nó nên kết thúc khi họ có con và một trong hai người sẵn sàng quay lại với cuộc sống gia đình.

 

Cách sống thay đổi

 

"Cặp độc thân” là một sản phẩm của xã hội phát triển, Trần Dương, một nhà tâm lý học cho biết. "Quan niệm hôn nhân truyền thống đã thay đổi theo xã hội hiện đại’’.

 

"Rất nhiều vấn đề hôn nhân phát sinh từ những gánh nặng mà cuộc sống gia đình phải hứng chịu. Quan niệm hôn nhân truyền thống chỉ đúng vào thời điểm cũ khi mọi người thiếu thốn tiền và cơ hội. Nó gần như "buộc’’ hai người với nhau để đương đầu với những khó khăn và cung cấp bến đậu an toàn cho bạn đời. Thời gian trôi đi, hôn nhân truyền thống trở thành tù túng với người hiện đại’’, Trần nhấn mạnh.

 

Ông tin là, xã hội phát triển sẽ lôi cuốn con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, theo đuổi sự tự do phóng khoáng hơn. Khi thế hệ chào đời vào thập niên 80 tới tuổi kết hôn, họ sẽ mang cách sống và những giá trị mới vào hôn nhân. Vì thế, tình trạng "vợ chồng độc thân’’ trở thành một lựa chọn của họ.

 

Theo ông Trần, thế hệ trẻ lớn lên với ký ức về những vấn đề hôn nhân của cha mẹ họ. Họ từng chứng kiến những trục trặc trong cuộc sống chung của cha mẹ nên cũng không có ý theo đuổi một cuộc hôn nhân vĩnh cửu, mà tập trung vào việc bảo vệ bạn đời. Cách sống "vợ chồng độc thân’’ cũng là một lựa chọn để tự bảo vệ.

 

Mặc dù có những người như Trần Dương tỏ ra hiểu rõ và thông cảm với hiện tượng "vợ chồng độc thân’’ song cũng có rất nhiều người phản đối việc này. Bà Vương, một giáo viên về hưu nói, bà không thể đồng ý với một cặp vợ chồng khi kết hôn lại muốn sống riêng. Bà tin rằng, hôn nhân giúp mỗi người không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn thể hiện tình yêu với bạn đời.

 

Theo Kỳ Thư

Vietnamnet/Phụ nữ Trung Quốc