1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một năm nhiều sóng gió của Tổng thống Ai Cập Morsi

(Dân trí) - Hôm nay Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đánh dấu tròn một năm lên nắm quyền. Mặc dù đã có nhiều cố gắng song vị Tổng thống dân sự đầu tiên trong lịch sử Ai Cập vẫn không thể xóa tan bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng đang chia rẽ đất nước.

Một năm nhiều sóng gió của Tổng thống Ai Cập Morsi
Ai Cập như đang bị xẻ làm đôi khi cả phe Hồi giáo và đối lập cùng dự định biểu tình rầm rộ trong ngày hôm nay.


Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức ngày 30/6 năm ngoái, vị Tổng thống dân sự được bầu đầu tiên trong lịch sử đất nước Kim Tự Tháp luôn là tâm điểm chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế với hàng loạt quyết định, chính sách gây tranh cãi.

Nhìn lại một năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Hồi giáo này, “di sản" lớn nhất mà ông để lại là một nền chính trị bế tắc, một bản Hiến pháp gây chia rẽ, các thể chế nhà nước dang dở, kinh tế lao dốc và bất ổn an ninh ngày càng đáng lo ngại.

Và hậu quả tất yếu của những điều này là một xã hội bị phân hóa hơn bao giờ hết, cùng làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng.

Về mặt chính trị, sau "thời kỳ trăng mật" ngắn ngủi kéo dài 4 tháng với cuộc "đảo chính mềm" nhằm thâu tóm mọi quyền hành pháp và lập pháp từ tay Hội đồng tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) cầm quyền, tham vọng độc chiếm quyền lực cùng quan điểm không nhượng bộ đã nhanh chóng đẩy ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo của ông vào thế đối đầu căng thẳng với các lực lượng còn lại. Giới tư pháp, phe đối lập chính trị, các lực lượng cách mạng, thậm chí cả những đồng minh Hồi giáo từng chung hàng ngũ trước đây như đảng Salafist Nour, giờ đều đã bị ông đẩy sang đứng ở bờ bên kia chiến tuyến.

Điểm lại, những ngày tháng sóng gió của ông Morsi bắt đầu từ tháng 11/2012, khi ông bất ngờ ban hành Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi nhằm thâu tóm toàn bộ quyền tư pháp.

Bản Tuyên bố này chứa các điều luật, sắc lệnh cho phép Tổng thống Morsi được "miễn dịch" trước mọi phán quyết của tòa án. Ông cũng được quyền sa thải và bổ nhiệm Tổng công tố, ngăn chặn mọi quyết định bất lợi của các cơ quan tư pháp đối với Hội đồng Lập hiến và Hội đồng Shura (Thượng viện) do phe Hồi giáo kiểm soát.

Đây được coi là quyết định gây tranh cãi nhất và bị phản đối nhiều nhất trong một năm điều hành đất nước của ông Morsi, và nó được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông làm trung gian thành công cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine ở Dải Gaza.

Ngay sau khi được ban hành, Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi đã lập tức làm bùng nổ làn sóng đình công rộng rãi, cũng như các hành động chống đối ra mặt của giới thẩm phán.

Suốt hai tuần lễ, Ai Cập đã rung chuyển trong các cuộc biểu tình nổ ra đồng loạt trên cả nước để phản đối Tuyên bố Hiến pháp, dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu dân ý về văn kiện này. Biển người biểu tình đã vây kín Phủ Tổng thống và quảng trường Tahrir –trung tâm của làn sóng chính biến đầu năm 2011 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak.

Trước sức ép mạnh mẽ từ đường phố và làn sóng chỉ trích của công chúng, ông Morsi đã buộc phải rút lại bản Tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi, song vẫn tiếp tục thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý về văn kiện này, bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập và giới thẩm phán.

Tuy cuối cùng bản Hiến pháp cũng đã được thông qua với sự ủng hộ của phe Hồi giáo, nhưng cùng với đó là sự gia tăng lo lắng của cử tri về nguy cơ bất ổn kéo dài. Đây cũng là lý do vì sao kế hoạch tổ chức bầu cử Quốc hội của ông Morsi nhằm nhanh chóng hoàn thiện các thể chế nhà nước vẫn bị trì hoãn vô thời hạn. Tính tới nay, dù đã qua nhiều lần sửa đổi, dự luật bầu cử Quốc hội vẫn tiếp tục bị các cấp tòa án hủy bỏ với lý do có nhiều điều khoản "vi hiến".

Trong khi đó, cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Tổng thống và phe đối lập vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt, không khoan nhượng trong suốt nửa năm qua.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, chính quyền đã phớt lờ các yêu sách của phe đối lập như thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, sửa đổi Hiến pháp, sa thải Tổng công tố và Bộ trưởng Nội vụ…Không chỉ thế, Tổng thống Morsi còn từng bước đẩy mạnh củng cố quyền lực qua mỗi lần cải tổ nội các và bổ nhiệm tỉnh trưởng mới.

Đáp lại, phe đối lập thẳng thừng tẩy chay các vòng đối thoại dân tộc được tổ chức theo kêu gọi của Tổng thống Morsi với cáo buộc các cuộc đối thoại này "không thực chất".

Trên lĩnh vực an ninh, bên cạnh các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc và các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu giữa những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống và lực lượng chống chính phủ, nguy cơ bất ổn đang ngày càng hiện rõ tại bán đảo Sinai, với sự nổi lên của các nhóm Hồi giáo cực đoan, các mạng lưới khủng bố và các băng đảng buôn lậu vũ khí.

Kể từ sau vụ tấn công nhằm vào đồn biên phòng gần biên giới với Dải Gaza của Palestine khiến 16 binh sĩ thiệt mạng, lực lượng an ninh Ai Cập đóng quân tại khu vực này thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hay bắt cóc con tin.

Cuối tháng 1 vừa qua, bạo loạn cũng đã đột ngột bùng phát tại 3 thành phố nằm dọc kênh đào Suez chiến lược, khiến hơn 60 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, buộc ông Morsi phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Về kinh tế, sau một năm dưới sự chèo lái của ông Morsi, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến, nếu không muốn nói đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2012-2013 (từ 7/2012 - 6/2013) chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 7% trước thời điểm xảy ra làn sóng biểu tình lật đổ ông Mubarack. Bất ổn an ninh khiến du lịch thiệt hại nặng nề và các nhà đầu tư tháo chạy được cho là nguyên nhân chính dẫn đến kết cục này.

Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Ai Cập hiện chỉ còn chưa tới một nửa so với thời điểm đầu năm 2011. Đồng nội tệ cũng đã mất giá hơn 10% kể từ cuối năm ngoái. Tình trạng cắt điện, thiếu hụt nhiên liệu và khí đốt diễn ra thường xuyên do chính phủ không còn đủ tiền để nhập khẩu. Giá cả tăng gấp đôi so với hồi cuối năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới mức đáng báo động là 13%.

Trước những “thành tích” nghèo nàn trên cả ba lĩnh vực trụ cột, uy tín của Tổng thống Morsi ngày càng tụt dốc. Kết quả thăm dò dư luận mới đây do Viện nghiên cứu Zogby tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Morsi chỉ còn 28% so với 57% cách đây một năm. Tỷ lệ ủng hộ đảng Tự do và Công lý (FJP) cầm quyền cũng chỉ còn 26% sau khi giành được 47% số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi năm ngoái.

Bế tắc chính trị, khó khăn kinh tế và suy giảm lòng tin đối với nhà lãnh đạo đất nước khiến làn sóng biểu tình bùng nổ liên miên ở đất nước Kim Tự Tháp. Có thể khẳng định rằng không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh ngang với "đất nước các Pharaon” về số lượng các cuộc biểu tình trong năm qua.

Theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC), tổng cộng đã có 9.427 cuộc biểu tình lớn, nhỏ nổ ra tại quốc gia Bắc Phi này trong thời gian từ ngày 1/7/2012 đến 20/6/2013. Từ đầu năm nay, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.140 cuộc biểu tình.

Đáng lưu ý, những cuộc biểu tình đó vẫn tiếp diễn tới tận ngày hôm nay, ngày Tổng thống Morsi kỷ niệm đúng một năm cầm quyền. Thế đối đầu căng thẳng này đang có nguy cơ đẩy Ai Cập vào vòng xoáy bạo lực mới và bất ổn kéo dài khiến ước mơ "bánh mỳ, tự do và công bằng xã hội" của hơn 84 triệu người nước này ngày càng xa vời.

Đức Vũ