1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Mồi nhử" của Ukraine khiến Nga lãng phí đạn dược như thế nào?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các công ty ở Ukraine đang chế tạo những bản sao vũ khí chất lượng cao với mục đích làm "mồi nhử" để thu hút hỏa lực của Nga, khiến Moscow lãng phí đạn dược.

Mồi nhử của Ukraine khiến Nga lãng phí đạn dược như thế nào? - 1

Công nhân Metinvest chế tạo mồi nhử radar ở miền trung Ukraine (Ảnh: WSJ).

Cho đến nay, các lực lượng Nga đã phá hủy khoảng một nửa số thiết bị mà công ty Metinvest của Ukraine sản xuất cho quân đội dùng trên chiến trường. Nhưng vấn đề được quan tâm ở đây là Kiev muốn quân đội Nga phá hủy càng nhiều thiết bị như thế này càng tốt. 

Lý do rất thực tế khi Metinvest là nơi chuyên sản xuất các bản sao vũ khí chất lượng, rất giống thật, dùng làm mồi nhử hỏa lực Nga khiến cho Moscow bị lãng phí đạn dược.

Tại một xưởng ở miền trung Ukraine, các công nhân đang bận rộn chế tạo các bộ phận cho pháo, trạm radar và súng cối. Tất cả đều là "hàng giả như thật". Metinvest đang nỗ lực tung ra các bản sao vũ khí chất lượng cao dùng làm mồi nhử, tìm cách thu hút hỏa lực của Nga.

Được làm từ xốp nhựa cứng, hệ thống ống nước và thiết bị phế liệu, thiết bị này được sản xuất dựa trên logic rằng, mỗi tên lửa, đạn pháo hoặc máy bay không người lái (UAV) của Nga được sử dụng để tấn công chúng sẽ bớt đi một mối nguy nhằm vào mục tiêu thực sự của quân đội Ukraine.

"Khi chúng tôi đặt những mồi nhử này dọc theo một số khu vực nhất định của mặt trận, chúng sẽ thu hút sự chú ý của đối thủ", một công nhân nói. Một chỉ huy trung đội Ukraine cho biết, đơn vị của anh đã sử dụng mồi nhử để xác định vị trí pháo binh Nga đang bắn vào, để các lực lượng Ukraine có thể phản pháo.

Năm ngoái, một tổ chức giám sát độc lập đăng tải đoạn video ghi lại cảnh một UAV Lancet của Nga tấn công hệ thống radar của Ukraine. Tuy nhiên, hệ thống này hóa ra là mồi nhử được chế tạo từ một chiếc xe đã bị hỏng.

Mồi nhử không phải là chiến thuật mới. Lâu nay, nó là một công cụ chiến tranh quan trọng nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã đặt ra những thách thức mới, nhất là khi sự phát triển của công nghệ đang khiến việc triển khai hàng giả trở nên khó khăn hơn.

Những tiến bộ trong hình ảnh nhiệt có thể tiết lộ các mục tiêu mà mắt thường không thể nhìn thấy hoặc làm lộ ra hàng giả dưới dạng hình nộm, thì việc đánh lừa như thế này hiện đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, UAV giá rẻ cũng đã giúp quân đội khả năng giám sát thời gian thực toàn diện, điều này làm phức tạp các phương pháp tiếp cận lâu đời trong việc lắp ráp hoặc thổi phồng các bản sao.

Ông Vojtech Fresser, Giám đốc điều hành của Inflatech, một công ty của Cộng hòa Séc chuyên sản xuất mồi nhử bơm hơi, cho biết: "Cuộc xung đột ở Ukraine rất khác bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây, nhất là về thông tin sai lệch".

Tuy nhiên, ông không cho biết liệu mồi nhử của Inflatech có được triển khai trên chiến trường ở Ukraine hay không. Ông chỉ nói rằng, một số tên lửa đang được các đồng minh phương Tây của Ukraine sử dụng trong các cuộc tập trận huấn luyện.

Trên thực tế, mồi nhử có thể giúp đánh lừa đối thủ về kế hoạch tấn công hoặc đánh lừa họ về một khu vực được phòng thủ tốt hơn thực tế, ngăn chặn một cuộc tấn công.

Hiện vẫn chưa rõ các mồi nhử được sử dụng rộng rãi như thế nào ở Ukraine. Quân đội Ukraine từ chối bình luận về việc sử dụng chúng với lý do an ninh.  Nga cũng triển khai mồi nhử nhưng cũng không rõ hiệu quả như thế nào.

"Bạn có thể nhét 4 xe tăng vào một chiếc xe"

Giám đốc điều hành Oleksandr Myronenko cho biết sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, quân đội Kiev đã tiếp cận Metinvest, nhà sản xuất thép lớn nhất đất nước, để chế tạo mồi nhử.

Đây là một trong những sáng kiến mà công ty theo đuổi để hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Kiev, bao gồm chế tạo hầm trú ẩn và áo giáp cho lực lượng Ukraine và thay mặt họ mua UAV.

Mồi nhử của Ukraine khiến Nga lãng phí đạn dược như thế nào? - 2

Metinvest cũng làm ra mô hình các loại pháo do Ukraine cũng như phương Tây sản xuất (Ảnh: WSJ).

Tại xưởng, các nhân viên làm việc bằng cách in hình ảnh vũ khí từ Internet và phân tích cách tái tạo cỗ máy cồng kềnh này từ vật liệu nhẹ. Để tiêu chuẩn hóa sản xuất, họ đã tạo ra các khuôn tô bằng ván ép để chạm khắc các bộ phận từ khối xốp.

Đối với con mắt không phải nhà nghề, một khẩu lựu pháo mồi hoàn chỉnh trông giống hệt như những khẩu pháo được triển khai trên chiến trường chống lại lực lượng Nga ở Ukraine. Chỉ khi sờ vào mới có cảm giác hơi xốp.

Công nhân của Metinvest cần 4 ngày để tạo ra bản sao một khẩu pháo D-20 của Ukraine và 2 tuần với bản sao một khẩu pháo M777 của Mỹ. Mồi nhử khiến họ tốn nhiều công sức nhất là radar 36D6 khi mất khoảng 1 tháng sản xuất vì kích thước lớn và nhiều bộ phận. 

Metinvest tạo ra các mô hình của các loại pháo do Ukraine cũng như phương Tây sản xuất. Trong khi đó, các sản phẩm bơm hơi của Inflatech, được làm bằng lụa tổng hợp, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, bệ phóng tên lửa di động Himars, xe tăng Leopard 2 và hệ thống tên lửa phòng không SA-8 do Liên Xô thiết kế.

Xe tăng Inflatech Leopard có thể gấp lại thành ba lô, dễ dàng mang theo và chỉ mất 10 phút để bơm phồng bằng máy phát điện. "Bạn có thể nhét 4 xe tăng vào một chiếc xe dân sự", ông Fresser nói.

Ông cho biết, các mồi nhử bơm hơi trước đây làm bằng cao su rất khó sử dụng và dễ bị thay đổi do nhiệt độ. Trong thời tiết lạnh, chúng dễ bị xẹp xuống khi không khí co lại, trong khi thời tiết nóng dễ khiến chúng nổ tung.

Theo Wall Street Journal