1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mở khu công nghiệp quân sự, Philippines muốn trở thành điểm "trung chuyển" vũ khí

(Dân trí) - Philippines dự định sẽ thành lập khu công nghiệp kinh tế quân sự rộng 370 héc-ta trong thời gian tới nhằm hỗ trợ quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Manila.

Quân đội Philippines (Ảnh:

Quân đội Philippines (Ảnh: AFP

CNA dẫn thông báo của Tổng kho vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Philippines đưa ra ngày 22/7 cho biết khu công nghiệp nêu trên sẽ chào đón các công ty nước ngoài tới đầu tư, qua đó có thể hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của nước này và mở rộng khả năng tự sản xuất các khí tài quân sự của Philippines trong thời gian tới. 

Theo thông báo nêu trên, khu công nghiệp sắp được thành lập không chỉ có lợi cho các công ty nước ngoài mà còn giúp Philippines trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này. 

Tổng kho vũ khí của Philippines sẽ là đơn vị phụ trách điều hành khu công nghiệp Kinh tế Quân sự nêu trên. Toàn bộ lợi nhuận từ khu công nghiệp này sẽ được chuyển thẳng vào quỹ chuyên phục vụ quá trình hiện đại hóa quân đội của nước này.

Giám đốc Tổng kho vũ khí, ông Jonathan Martir cho biết mục đích của việc thành lập khu công nghiệp nêu trên là nhằm giúp Philippines nâng cao khả năng tự sản xuất các khí tài quân sự trong thời gian tới. 

Hiện nhiều công ty sản xuất vũ khí từ Hàn Quốc, Nam Phi và Mỹ đã bày tỏ quan tâm tới khu công nghiệp của Philippines. 

"Nhiều công ty đánh giá cao về vị trí chiến lược của Philippines. Một công ty của Nam Phi có thể đặt nhà máy tại đây và bán cho thị trường châu Á, dễ dàng hơn là sản xuất trong nước và phải vận chuyển qua đường biển. Philippines có vị trí chiến lược quan trọng nên nhiều công ty coi chúng tôi là một điểm trung chuyển hợp lý", ông Martir nhận định. 

Hiện Philippines chỉ có duy nhất một nhà máy sản xuất đạn dược và các loại khí tài quân sự khác. 

Trong thời gian tại nhiệm trước đây, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos từng phát động chương trình tự sản xuất vũ khí, trong đó yêu cầu các công ty trong nước hoàn tất quá trình nghiên cứu phát triển để tiến tới tự sản xuất loại súng M16 cũng như các loại xe jeep và thiết bị liên lạc. 

Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, chương trình trên đã không theo kịp được đà phát triển về công nghệ và sản xuất chung trên toàn thế giới. 

Để nâng cấp và hiện đại hóa quân đội, Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino đã công bố chương trình hiện đại hóa quân đội kéo dài năm năm với tổng kinh phí lên tới 1,68 tỷ USD. 

Chương trình trên sẽ cho phép tăng ngân sách quốc phòng mỗi năm từ 273 triệu USD trong năm nay lên 500 triệu USD vào năm 2021. 
 
Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Philippines được thực hiện trong bối cảnh nước này và Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. 

Theo các quan chức chính phủ Philippines, hỗ trợ nhân đạo và phản ứng nhanh trước các vấn đề thiên tai và an ninh ở vùng biển phía Tây nước này sẽ được tập trung hơn trong các chương trình hoạt động trong năm nay, trong khi các chiến dịch an ninh trong nước sẽ tạm thời được lui lại. 

Ngọc Anh 
Theo CNA 
Quân đội Philippines (Ảnh: