1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo chí Pháp:

Mô hình kinh tế Trung Quốc - cỗ máy sản sinh khủng hoảng

(Dân trí) - Báo chí Pháp ngày 8/1/2016 nhận định kinh tế thị trường của Trung Quốc là cội nguồn gây khủng hoảng, là vấn nạn không giải pháp, khiến chứng khoán xáo trộn, là mối đe dọa với cả Bắc Kinh và thế giới.

Mô hình kinh tế Trung Quốc - cỗ máy sản sinh khủng hoảng - 1

Nhiều chuyên gia lo ngại mô hình Trung Quốc sẽ "hạ cánh thô bạo". (Nguồn: lematin.ma)

Nhật báo Le Monde nhận xét: "Trung Quốc là mối nguy hiểm kinh tế số một" (La Chine, danger économique numéro un). Sàn giao dịch lao đao, đồng tiền bị phá giá và tốc độ phát triển kinh tế chậm lại của Trung Quốc đã gây hiệu ứng lo âu trên toàn cầu.

Báo Les Echos cho hay, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã phải can thiệp với hàng loạt biện pháp khẩn cấp như hạ giá đồng nhân dân tệ, giới hạn bán cổ phần, bơm tiền mặt vào thị trường nhưng hủy bỏ "cầu chì an ninh tự động" 7%.

Theo Le Figaro, Trung Quốc đang làm thị trường tài chính thế giới lao đao và càng lúc càng gây lo ngại sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Ngân hàng Thế giới cũng báo động nguy cơ kinh tế, tài chính, xã hội, địa chính trị đều gia tăng trên khắp địa cầu.

Vì đâu nên nỗi?

Theo Le Figaro, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ "lột vỏ" đầy nguy hiểm và nhiều chướng ngại. Thứ nhất là không còn gây được niềm tin và thứ hai là giá nhân công lên cao. Trong bối cảnh tình hình địa chiến lược trên toàn cầu có nhiều bất trắc, giá nhiên liệu giảm, căng thẳng ở Trung Đông và quả bom H của Triều Tiên gây xôn xao dư luận, giới đầu tư đang mất hết tin tưởng vào nền kinh tế được đánh giá là lớn thứ hai này của thế giới.

Một nhà kinh tế độc lập tại Thượng Hải nhận định năm 2016 sẽ vô cùng khó khăn đối với Bắc Kinh. Ngay giới tài phiệt Trung Quốc cũng "hốt của mà chạy" sang Canada, Mỹ hay Úc để đầu tư vào các ngành công nghệ tiên tiến và thị trường địa ốc để được an toàn.

Trong vòng ba tháng cuối năm 2015, 367 tỉ USD đã bị tẩu tán ra khỏi Trung Quốc. Dấu hiệu nguy hiểm thấy rõ là công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, đầu tàu kinh tế quốc gia đã bị hụt hơi. Chính sách tái cấu trúc lĩnh vực quốc doanh là cuộc cải cách khó khăn nhất về mặt xã hội của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vì thế, chính quyền mới có thái độ do dự. Thái độ do dự này đang làm cho thị trường tài chính bất an.

Guồng máy kinh tế Trung Quốc "trục trặc" và đáp án xã hội dân sự

Cũng cùng nhận định, tờ Liberation phân tích qua bài viết "Mô hình Trung Quốc: cỗ máy khủng hoảng" rằng công nghiệp thiếu sức cạnh tranh, sức mua của dân thấp, đầu cơ địa ốc, tẩu tán tài sản, đầu tư bỏ chạy là biểu hiện rõ nhất về tình trạng "khốn đốn" của cường quốc kinh tế số hai thế giới này.

Cho dù chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin, nhưng vẫn phải báo cáo chỉ số hoạt động ngày càng giảm sút của ngành công nghiệp PMI (Purchasing Managers Index). Tin này không khác gì mồi lửa châm vào thùng thuốc súng khiến giới đầu tư và đầu cơ phải bán tống bán tháo cổ phần.

Thị trường Trung Quốc mất sức hấp dẫn, được cho là vì ba lý do.

Một là, tiền lương tăng lên trung bình 8% trong những năm gần đây, làm doanh nghiệp chỉ muốn dời nhà máy sang các nước khác.

Thứ hai, sức mua của người dân không cao.

Thứ ba là bong bóng địa ốc đang sắp vỡ vì những người có tiền không mua mà còn bán ra để chạy sang Úc, hay sang Mỹ.

Theo Nhật báo Cánh tả của Pháp, Trung Quốc không phải là "cứu tinh của thế giới" như từng được mô tả trước đây. Ngược lại, chế độ kinh tế có định hướng kiểu Trung Quốc này đang trở nên bất ổn định mà nhiều nhà kinh tế dự báo sẽ "hạ cánh một cách thô bạo".

Mô hình kinh tế Trung Quốc - cỗ máy sản sinh khủng hoảng - 2

Biểu hiện nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao. (Nguồn: latribune.fr)

Nhật báo kinh tế Les Echos đưa ra giải pháp: chính tệ nạn tham ô là căn bệnh trầm kha của Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển. Toa thuốc đầu tiên là phải trao trách nhiệm việc nước cho "xã hội công dân".

Trong những điều bất hạnh với Trung Quốc cũng tạo ra cả cái rủi và cái may cho nhiều nước. Chẳng hạn như trong nhóm những nước và vùng lãnh thổ bị "thua thiệt" có Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và Đức, vì những nước này phải giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngược lại, trong nhóm những nước "thắng" có Việt Nam, Indonesia, vì có cơ may "hốt bạc" từ những nhà đầu tư rời bỏ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo Le Monde, cụ thể ra sao thì vẫn còn phải chờ thực tế trả lời.

Quý Cao (tổng hợp từ báo chí Pháp)