1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mặt trận vô hình đầy khốc liệt trên chiến tuyến Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Từ cuối năm 2022, các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine bắt đầu bị rơi rụng nhiều trên các tiền tuyến khốc liệt mà không ai đưa ra được lời giải thích chính xác vì sao như vậy.

Mặt trận vô hình đầy khốc liệt trên chiến tuyến Ukraine - 1

Một khẩu súng chống UAV có thể gây nhiễu tín hiệu liên lạc (Ảnh: NYT).

Trong nhiều tháng qua, các máy bay không người lái do Quantum Systems, một công ty công nghệ của Đức, sản xuất vẫn hoạt động trơn tru trong hàng ngũ quân đội Ukraine. Chúng bay lượn trên không để phát hiện xe tăng và lực lượng của Nga.

Nhưng vào cuối năm ngoái, những cỗ máy này bất ngờ "rơi rụng" như lá cây từ trên trời xuống trong quá trình trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ. "Đó là điều thực sự bí ẩn", ông Sven Kruck, Giám đốc điều hành của Quantum, người đã nhận thư yêu cầu giải trình vụ việc này từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.

Nhưng các kỹ sư của Quantum đã sớm nhận ra vấn đề: phía Nga đã làm nhiễu tín hiệu không dây kết nối UAV với vệ tinh điều hướng, khiến máy bay lạc đường và lao thẳng xuống đất.

Để điều chỉnh, Quantum đã phát triển phần mềm hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) để nó hoạt động như một loại phi công phụ và thêm tùy chọn thủ công để UAV có thể hạ cánh bằng bộ điều khiển Xbox.

Công ty này cũng xây dựng một trung tâm dịch vụ để theo dõi các cuộc tấn công điện tử của Nga. "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là lấy thông tin từ những người vận hành, cố gắng tìm ra vấn đề, cái gì không hoạt động, kiểm tra và thử lại", ông Kruck nói.

Một trận chiến đang nổ ra ở Ukraine trong thế giới vô hình của sóng điện từ, với tín hiệu vô tuyến được sử dụng để lấn át các liên kết liên lạc với UAV, binh sĩ, xác định mục tiêu và đánh lừa vũ khí dẫn đường.

Chiến thuật này được gọi là tác chiến điện tử, vốn là đặc điểm của chiến tranh và xuất hiện được hơn 100 năm. Trong Thế chiến II, Anh đã bắt chước các tín hiệu radio của Đức quốc xã để đánh lừa hệ thống nhắm mục tiêu mà máy bay ném bom sử dụng.

Giờ đây, chiến thuật này đã trở thành "trò chơi mèo vờn chuột" giữa Nga và Ukraine, lặng lẽ thúc đẩy những thay đổi về chiến thuật trong cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua và buộc các kỹ sư phải thích nghi.

Bryan Clark, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết: "Chiến tranh điện tử đã tác động đến cuộc chiến ở Ukraine nhiều như vấn đề thời tiết và địa hình trong phổ điện từ". Ông nói thêm rằng, mọi hoạt động trên chiến trường giờ đây đều phải tính đến hành động tiềm tàng của đối phương trên mặt trận tác chiến điện tử. 

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đầu tư rất nhiều vào vũ khí điện tử để đạt được lợi thế trước tên lửa và máy bay của Mỹ. Trong những thập kỷ gần đây, việc sử dụng tấn công và phòng thủ điện tử ngày càng lệch lạc.

Trong Chiến tranh Iraq những năm 2000, Mỹ đã sử dụng bộ gây nhiễu khiến các thiết bị nổ tự chế không thể kết nối với ngòi nổ từ xa. Gần đây hơn, Israel đã trộn tín hiệu GPS trong không phận nước này với các hệ thống tác chiến điện tử để gây nhầm lẫn cho UAV hoặc tên lửa hướng đến tấn công họ.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là cuộc xung đột gần nhất mà năng lực tác chiến điện tử được triển khai rộng rãi phát triển các kỹ thuật theo thời gian thực.

Trước đây nó là mục tiêu của các chuyên gia được đào tạo nhưng giờ công nghệ này đã lan rộng đến quân bộ binh tiền tuyến. Các chiến thuật này đã trở nên quan trọng đến mức tác chiến điện tử đã được đưa vào một phần riêng trong một bài tiểu luận gần đây của tướng Valery Zaluzhny, tư lệnh quân sự hàng đầu của Ukraine. "Việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các vấn đề quân sự" sẽ là chìa khóa để phá vỡ những gì đã trở thành bế tắc trong cuộc xung đột với Nga, tướng Zaluzhny nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho biết, các kỹ thuật này đã biến cuộc chiến Ukraine thành "một phòng thí nghiệm ủy nhiệm" mà Mỹ, châu Âu và Trung Quốc theo dõi chặt chẽ để tìm ra những gì có thể ảnh hưởng đến một cuộc xung đột trong tương lai.

Chuyên gia Thomas Withington về chiến tranh điện tử tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức nghiên cứu về an ninh của Anh, cho biết các quốc gia NATO đã mở rộng các chương trình mua và phát triển vũ khí điện tử. "Cuộc chiến ở Ukraine là liều thuốc nâng cao hiệu suất cho tư duy điện từ của NATO. Đó là thứ tập trung tâm trí", ông nói.

Nga nổi tiếng là một trong những lực lượng tác chiến điện tử giỏi nhất thế giới. Tại Ukraine, Nga sử dụng các thiết bị gây nhiễu và tên lửa nghi trang để tấn công hệ thống phòng không khiến Kiev phải phụ thuộc vào máy bay chiến đấu để phòng vệ.

Mặt trận vô hình đầy khốc liệt trên chiến tuyến Ukraine - 2

Một thiết bị bay không người lái bằng nhựa màu đen được kết nối với một thiết bị trong ba lô đặt trên mặt đất (Ảnh: NYT).

Vũ khí điện tử thoạt nhìn không có vẻ nguy hiểm. Chúng thường là đĩa vệ tinh hoặc ăng-ten có thể gắn trên xe tải hoặc lắp đặt trên cánh đồng, tòa nhà. Nhưng sau đó chúng có khả năng phát sóng điện từ để theo dõi, đánh lừa và chặn các cảm biến cũng như liên kết liên lạc dẫn đường cho vũ khí chính xác và cho phép liên lạc vô tuyến. Các UAV kết nối với phi công hoặc tên lửa được liên kết với vệ tinh đều dựa vào tín hiệu điện từ.

Gần như mọi công nghệ liên lạc đều dựa vào tín hiệu điện từ, có thể là binh sĩ với sóng vô tuyến, UAV kết nối với phi công hoặc tên lửa được liên kết với vệ tinh. Một công cụ cơ bản nhưng hiệu quả là thiết bị gây nhiễu, làm gián đoạn liên lạc bằng cách gửi tín hiệu mạnh ở cùng tần số được sử dụng bởi bộ đàm hoặc UAV để gây nhiễu loạn đến mức không thể truyền tín hiệu.

Ngoài ra còn có tín hiệu giả, vốn có thể thuyết phục UAV hoặc tên lửa rằng nó đang đi chệch hướng bằng cách cung cấp cho nó tọa độ sai. Trong các trường hợp khác, tín hiệu giả bắt chước tín hiệu do tên lửa hoặc máy bay tạo ra để đánh lừa hệ thống phòng không phát hiện các cuộc tấn công không hề xảy ra.

Những thiết bị này thường được sử dụng để tìm và tấn công các phi công điều khiển UAV. Các nhà phân tích cho biết, sau thành công ban đầu khi sử dụng những công cụ này, quân đội Nga đã vấp ngã. Nhưng khi chiến tranh kéo dài, Moscow đã đổi mới bằng cách chế tạo các vũ khí điện tử di động nhỏ hơn, như súng chống UAV và thiết bị gây nhiễu cực nhỏ tạo thành bong bóng sóng vô tuyến xung quanh chiến hào.

"Nga đã phản ứng nhanh nhẹn hơn chúng tôi dự đoán. Điều đó sẽ gây lo ngại cho NATO", ông James A. Lewis, cựu quan chức Mỹ, người viết về công nghệ và an ninh cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết.

Mặt trận vô hình đầy khốc liệt trên chiến tuyến Ukraine - 3

Hình ảnh trực quan về tần số thay đổi nhanh chóng của đài phát thanh quân sự Himera, có công nghệ nhảy tín hiệu khiến nó khó bị gây nhiễu (Ảnh: NYT).

Tác chiến điện tử Nga vượt trội Ukraine?

Mùa hè này, ông Oleksandr Berezhny, một Giám đốc điều hành khác của Quantum, đã đi cùng một trong những phi công điều khiển UAV hàng đầu của Ukraine để chia sẻ những gì họ biết về chiến tranh điện tử với NATO. Tại một bàn tròn lớn ở một căn cứ quân sự của Đức, họ giải thích những vấn đề gặp phải trước những chỉ huy quân sự.

"Chúng tôi đã nói với họ rằng có lẽ 90% hệ thống của Mỹ và châu Âu hỗ trợ cho Ukraine chưa được chuẩn bị để đối phó với thách thức chiến tranh điện tử", ông Berezhny nói và nhấn mạnh: "Mọi người hoàn toàn hiểu rằng cần phải thay đổi điều gì đó".

Mỹ và Châu Âu đã rất chú ý đến việc những loại vũ khí mà họ hỗ trợ cho Ukraine có tác dụng như thế nào trước các hệ thống của Nga, và một số người lo ngại rằng chúng không phản ứng đủ nhanh. Các chuyên gia Trung Quốc cũng đã ghi chép một cách đầy đủ nhất về những cuộc tấn công điện tử nào của Nga có hiệu quả nhất đối với các hệ thống của NATO và việc Nga đã thất bại ở đâu.

Trong một báo cáo vào tháng 11/2022, một tổ chức tư vấn quốc phòng Trung Quốc đã trình bày chi tiết về cách một cuộc tấn công điện tử của Nga đã đánh lừa thiết bị phát hiện của NATO, khiến Ukraine tiết lộ vị trí đặt hệ thống phòng thủ điện tử của chính mình. "Khả năng chiến đấu chống UAV của quân đội Nga vượt trội so với quân đội Mỹ".

Ông Clark thuộc Viện Hudson cho biết, khi Ukraine phát triển các kỹ thuật chống gây nhiễu, một số chiến thuật đó đang được áp dụng cho Mỹ và các đồng minh. Đối với nhiều người ở mặt trận Ukraine, những cải tiến này là không kịp. "Ngay cả khi các bạn khiến UAV của mình vô hình, bộ điều khiển và ăng-ten của bạn vẫn phát ra tín hiệu", một phi công điều khiển UAV của Ukraine cho biết.

Ông nói thêm, phía Nga có thể phát hiện một cửa sổ rộng khoảng 200m2 nơi một phi công điều khiến UAV có thể ở đó và lưu ý rằng pháo binh Nga đã từng tiến đến trong phạm vi "khoảng 15-20m" khi bắn trúng ông. "Không thể che giấu hoàn toàn được", ông nói.

Theo New York Times