1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mali - Một cổ ba tròng

(Dân trí) - Mali đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi cùng lúc phải chịu sức ép từ cả 3 phía: phe đảo chính, lực lượng nổi dậy ở miền Bắc và sự cô lập của quốc tế. Chưa bao giờ quốc gia Tây Phi này chịu cảnh "một cổ, ba tròng" như hiện nay.


 Theo những diễn biến mới nhất, cuộc khủng hoảng tại Mali ngày càng có nhiều dấu hiệu lâm vào bế tắc khi phe đảo chính phải đối mặt với sự cô lập cả ở trong và ngoài nước, lực lượng nổi dậy người Touareg tuyên bố độc lập ở miền Bắc, còn Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) quyết định lên kế hoạch can thiệp quân sự sau khi đã áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với Mali.

Tình hình này khiến không ít nhà quan sát cho rằng Mali rất có thể sẽ rơi vào vòng xoáy bạo lực giống như ở Libya trước đây và Syria hiện nay. 

Phe đảo chính kẹt trong thế cô lập

Khi quyết định tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Amadou Toumani Touré ngày 22/3, chắc hẳn những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Mali không thể ngờ được rằng họ lại bị kẹt cứng trong chính cuộc chơi cho mình tạo ra khi bị cả dân chúng, chính giới và cộng đồng quốc tế cô lập.

Mali - Một cổ ba tròng
Người dân Mali biểu tình phản đối đảo chính.

Ở bên ngoài, phe đảo chính, đặt dưới sự điều hành của Ủy ban Quốc gia Khôi phục Dân chủ và Nhà nước (CNRDRE), đang chịu sự lên án mạnh mẽ của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), ECOWAS và một số thể chế khác trong khu vực.

Sự phản đối đó được thể hiện rất rõ qua việc Hội đồng Bảo an LHQ, và trước đó là ECOWAS, đã ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính cũng như lực lượng tiến hành đảo chính quân sự tại Mali. Theo hai tổ chức này, lực lượng đảo chính phải lập tức khôi phục trật tự hiến pháp, đồng thời lập ra chính phủ dân cử tại Mali.

Trong khi đó, ở trong nước, phe đảo chính cũng đang đối mặt với làn sóng phản đối giận dữ của Quốc hội, những người có ảnh hưởng trong xã hội và người dân vì đã đẩy đất nước vào tình cảnh tê liệt kinh tế, bạo loạn lan tràn và cướp phá xảy ra như cơm bữa. Những người dân Mali "chân chỉ hạt bột" ngày nào giờ đây đang phải trải qua những ngày tháng khó khăn cùng cực, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Nhưng đó không phải là những khó khăn lớn nhất đối với lực lượng đảo chính. Điều mà lực lượng này đang phải "đau đầu" đối phó là các cuộc tấn công ngày càng táo tợn của các tay súng nổi dậy Touareg ở miền Bắc, những người đang có mưu đồ thành lập nhà nước riêng ở 3 thành phố trọng điểm mà họ đang chiếm giữ. Đối với lực lượng đảo chính, việc đánh bại phiến quân Touareg mới là mục tiêu quan trọng nhất, vì đây cũng chính là nguyên cớ khiến họ phát động cuộc đảo chính lật đổ chế độ và dấn thân vào một cuộc chơi chính trị đầy mạo hiểm.

Tất nhiên, sau một thời gian bị cô lập, nhóm đảo chính đã quyết định "phá vây" bằng cách tuyên bố tái lập trật tự hiến pháp năm 1992 và ủng hộ một cuộc bầu cử dân chủ không có sự tham gia của quân đội. Mặc dù tuyên bố là vậy, song trên thực tế lực lượng này dường như vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn ý đồ thâu tóm quyền lực khi trực tiếp kêu gọi Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traoré đang sống lưu vong ở nước ngoài trở về nắm giữ quyền điều hành đất nước vốn bị bỏ trống kể từ khi Tổng thống Touré bỏ trốn. Phe đảo chính hy vọng rằng với động thái này, họ có thể sẽ được chính phủ mới dành cho những vị trí nhất định trong bộ máy quyền lực sắp được thành lập.

 Lực lượng nổi dậy chiếm ưu thế

Trong khi lực lượng đảo chính đang chật vật đối phó với sức ép “ba bề, bốn phía” thì lực lượng nổi dậy người Touareg ở miền Bắc dường như lại có phần rảnh rang hơn.

Sau khi HĐBA và nhiều nước trên thế giới tuyên bố lên án cuộc đảo chính, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Azouad (MNLA) của lực lượng nổi dậy đã quyết định đơn phương chấm dứt các chiến dịch quân sự bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/4, đồng thời tuyên bố nền độc lập riêng ở khu vực miền Bắc kể từ ngày 6/5 sau khi chiếm được ba thành phố quan trọng Timbuktu, Gao và Kidal.

Trong tuyên bố đăng trên trang web của MNLA và kênh truyền hình France 24 của Pháp, người phát ngôn MNLA Mossaa Ag Attaher cho biết lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho vùng lãnh thổ nói trên, cũng như sẽ duy trì hòa bình và thiết lập các nền tảng thể chế cho một nhà nước dựa trên hiến pháp dân chủ.

Bên cạnh đó, MNLA cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước độc lập Azouad và loan báo việc bắt đầu áp đặt luật Hồi giáo Sharia trên vùng đất này.

Trên thực tế, đây chính là cái đích mà MNLA đã theo đuổi từ hàng chục năm nay và là kết cục khó tránh khỏi tại Mali trong bối cảnh quốc gia đang chìm trong cảnh binh biến theo kiểu “nồi da nấu thịt” hiện nay.

ECOWAS quyết định ra tay

 Trước những diễn biến nghiêm trọng tại Mali, ngày 5/4, Tổng tham mưu trưởng 15 nước thành viên ECOWAS cùng với các sĩ quan của Pháp, Mỹ đã nhóm họp tại Abidjan (Côte d’Ivoire) để thảo luận khả năng huy động lực lượng khu vực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Mali.

Tại cuộc họp, phát biểu với tư cách Chủ tịch luân phiên ECOWAS, Bộ trưởng Quốc phòng Côte d’Ivoire Paul Koffi nhấn mạnh ECOWAS cần có giải pháp bảo đảm an ninh cho tiến trình lập lại trật tự hiến pháp, ngăn chặn cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy và giúp đỡ chính quyền hợp pháp tại Mali.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ở Dakar (Senegal) hôm 2/4, ECOWAS cũng đã đặt lực lượng gồm 2.000 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, đồng thời áp đặt các trừng phạt ngoại giao và kinh tế nhằm buộc lực lượng đảo chính tại Mali trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự của Tổng thống Touré.

Các trừng phạt này -  bao gồm đóng cửa biên giới với Mali, phong tỏa tài khoản của Mali tại ngân hàng khu vực – được cho là có thể sẽ bóp nghẹt nền kinh tế của nước xuất khẩu vàng lớn thứ ba châu Phi chỉ trong vài ngày.

Tất nhiên, việc ECOWAS buộc phải đi đến quyết định can thiêp quân sự và cấm vận toàn diện đối với Mali chỉ là giải pháp “đặng chẳng đừng”, vì hiện tổ chức này cũng đang trong thế kẹt giữa một bên là nhóm đảo chính không được thừa nhận tính hợp pháp và bên kia là phe nổi dậy đang mưu đồ thành lập nhà nước riêng.

Chính vì vậy, trong tuyên bố ngay sau khi ECOWAS thông báo ý định can thiệp quân sự vào Mali, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đã vội vã khẳng định không thể giải quyết vấn đề người Touareg bằng vũ lực và rằng chỉ có thúc đẩy đối thoại mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Mali hiện nay.

Ông Juppé cũng loại bỏ khả năng đưa binh lính tới Mali, vốn là một thuộc địa cũ của Pháp, mà chỉ cam kết trợ giúp hậu cần cho lực lượng khu vực nếu lực lượng này ủng hộ chính phủ dân sự của Tổng thống Touré.

Tuyên bố của ông Juppé đủ để cho thấy cả phe đảo chính và lực lượng phiến quân người Touareg đều không có chỗ trong bản đồ chính trị khu vực. Giải pháp thích hợp nhất là quân đội trở về doanh trại thực hiện chức năng bảo vệ lãnh thổ quốc gia, còn người Touareg quay lại với cuộc sống yên bình ở miền Bắc và cứt đứt quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda

     Vũ Anh