1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do xe tăng "bất khả chiến bại" của Anh thất thế tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Xe tăng Challenger 2 của Anh được mệnh danh là "bất khả chiến bại", nhưng trên thực tế, các vũ khí này tác chiến không hiệu quả ở Ukraine như kỳ vọng.

Lý do xe tăng bất khả chiến bại của Anh thất thế tại Ukraine - 1

Xe tăng Challenger 2 (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Anh viện trợ 14 xe tăng Challenger 2 nặng 71 tấn cho Ukraine. Lữ đoàn 82 của lực lượng tấn công đường không Ukraine là đơn vị duy nhất sử dụng 13 chiếc xe tăng còn lại sau khi một chiếc bị phá hủy trong cuộc giao tranh ở Robotyne tại mặt trận miền Nam vào năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên Challenger 2 bị phá hủy trong chiến đấu sau gần 30 năm mẫu xe này được đưa vào sử dụng. Nga là quốc gia đầu tiên phá hủy chiếc xe tăng "bất khả chiến bại" của quân đội Anh.

Sau đó, dòng xe tăng này trở nên "im hơi lặng tiếng". Forbes nhận định, Challenger 2 có uy lực nhưng không phù hợp với chiến trường Ukraine. Trang tin Mỹ cho rằng, Anh quyết định viện trợ dòng xe tăng này dường như có mục tiêu khuyến khích các nước NATO khác chuyển cho Kiev các xe tăng hiệu quả hơn như Leopard 2, Strv 122.

Forbes chỉ ra, một trong những nhược điểm lớn của Challenger 2 là thiếu cơ động. Một binh sĩ của phía Kiev vận hành xe tăng này từng cho rằng động cơ 1.200 mã lực của Challenger không tương xứng với chiếc xe nặng 71 tấn.

Những chiếc Challenger 2 thường bị sa lầy trên nền đất yếu của Ukraine và cần được những chiếc Challenger hoặc phương tiện kỹ thuật khác kéo đi.

Khi chiến sự diễn ra dữ dội, việc một chiếc xe tăng không thể tự đi mà phải phụ thuộc vào phương tiện khác khiến nó đối mặt với rủi ro lớn.

Thêm vào đó, lớp giáp của Challenger 2 ở Ukraine chưa đủ khả năng bảo vệ toàn bộ những khu vực dễ bị tấn công trên vũ khí này.

Trong các chiến dịch chiến đấu trước đó, Challenger 2 trong biên chế Anh luôn được triển khai lớp giáp dày ở hai bên thân và phía trước. Đây là những điểm dễ tổn thương và cần được che chắn nhất của Challenger 2.

Tuy nhiên, Challenger 2 ở Ukraine không có những lớp giáp như vậy, vì chúng nặng tổng cộng 3 tấn. Nếu Challenger 2 được lắp thêm giáp dày, nó sẽ càng trở nên nặng nề và kém cơ động trên nền đất mềm.

Ukraine buộc phải triển khai các lớp bảo vệ mỏng, nhẹ nhưng chỉ chặn được UAV. Với các vũ khí chống tăng hạng nặng hơn, lớp bảo vệ này là không đủ.

Mặt khác, khẩu súng máy 120mm L30 trên Challenger 2 gây ra thách thức hậu cần lớn cho Ukraine. Đạn dùng cho L30 không tương thích với các loại đạn của các dòng xe tăng NATO khác. Điều đó buộc Ukraine phải duy trì một hệ thống hậu cần riêng để phục vụ 13 chiếc Challenger 2.

Ngoài ra, nếu pháo L44 nòng trơn trên một số xe tăng phương Tây thường bị hao mòn sau khi bắn ra 1.500 viên đạn thì L30 trên Challenger 2 sẽ gặp vấn đề sau khi khai hỏa 500 viên đạn. Điều này gây ra thách thức lớn với Ukraine.

Do lo ngại Challenger 2 bị sa lầy nếu xung kích lên trước, Ukraine thường giữ xe tăng này ở cách tiền tuyến hàng km và sử dụng chúng như những khẩu pháo di động. Nhiệm vụ của pháo là bắn đạn số lượng lớn nhưng với tốc độ hao mòn nhanh chóng của súng L30, Ukraine gặp thế khó để vận hành Challenger 2 hiệu quả.

Một nhược điểm lớn của Challenger 2 ở Ukraine là số lượng quá ít so với các xe tăng phương Tây khác. Với chỉ 13 chiếc Challenger 2 gặp hàng loạt các thách thức trên chiến trường, Forbes cho rằng, Ukraine đang đối mặt với bài toán khó để sử dụng chúng hiệu quả.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine