1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Lửa” lại thử “vàng”

(Dân trí) - Tờ Korea Herald của Hàn Quốc hôm nay đã có bài viết cho rằng thách thức trên Biển Đông hiện nay, cụ thể là việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, đang đặt cho chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một cuộc “thử lửa” mới.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dụng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar ngày 11/5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar ngày 11/5.

Bài viết “Lửa” lại thử “vàng” của tác giả Lee Man-young đã được đăng tải ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trước Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra vào ngày hôm qua 11/5 tại Myanmar. Dân Trí xin được trích đăng.

Sự cố va chạm tàu giữa Trung Quốc và Việt Nam đang là “tâm điểm” của thời sự Châu Á. Người dân Việt Nam sôi sục ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhiều thanh niên bày tỏ nguyện vọng “sẵn sàng nhập ngũ”, tuần hành chống Trung Quốc diễn ra rầm rộ ở cả ba miền của đất nước trong sự ủng hộ của chính quyền đã đem lại một bầu không khí dân chủ cho nơi đây. Tinh thần đoàn kết lan tỏa cùng với niềm tin “Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp phù hợp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình". Thách thức trên biển Đông đang đặt chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào một cuộc “thử lửa” mới.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN sáng ngày 11/5 trước sự có mặt của lãnh đạo cao cấp các nước Đông Nam Á,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không ngần ngại lên án Trung Quốc “ngang nhiên” đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Như mọi lần, bài diễn văn của Thủ tướng ngay lập tức gây chú ý và được dư luận trong nước hoan nghênh, đánh giá cao. Với phân tích khéo léo, lập luận đanh thép, Thủ tướng đã thuyết phục ASEAN và cộng đồng quốc tế nhìn nhận hành động của Trung Quốc là “cực kỳ nguy hiểm”, hậu quả là “đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông".

“Hoan hô thủ tướng”, “Có thế chứ! Nội dung bài phát biểu quá tốt” “Thủ tướng lại ghi điểm”…là những nhận xét giới trí thức trong nước dành cho bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phải nói rằng, trong lúc tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc đang dâng trào trên khắp mọi miền ở đất nước Việt Nam thì hình ảnh vị Thủ tướng đầy cương quyết khi đứng trước cộng đồng ASEAN, cực lực phản đối các hành động vi phạm của “nước lớn” và tuyên bố Việt Nam “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế" thực sự để lại ấn tượng tốt.

Bài viết “Lửa” lại thử “vàng” trên báo Korea Herald.


Bài viết “Lửa” lại thử “vàng” trên báo Korea Herald.

Giới quan sát quả đã không lầm khi lâu nay vẫn đánh giá cao bản lĩnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - vị thủ tướng được truyền thông quốc tế nhận xét có tầm ảnh hưởng quan trọng tại Châu Á hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng có 20 năm phục vụ trong quân đội và từng cầm súng bảo vệ tổ quốc. Ông cũng là vị thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam kể từ năm 1975 tới nay và là vị thủ tướng đầu tiên “đăng đàn” Quốc hội khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương của Việt Nam là đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Không chỉ khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa trên diễn đàn trong nước, trên các diễn đàn quốc tế lớn từ Shangri -La tới Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng luôn thể hiện ý chí nhất quán đối với vấn đề Biển Đông và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế và nỗ lực “xây dựng lòng tin chiến lược” để hóa giải xung đột.

Một mặt, khi tyên bố với thế giới đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được sự đồng tình của quốc tế đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Mặt khác, Thủ tướng cũng “mạnh tay” quyết định mua một loạt tàu ngầm, tàu chiến, máy bay để nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam. Trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhanh chóng ban hành các quyết sách lớn hỗ trợ ngư dân bám biển, thành lập lực lượng kiểm ngư.

Trong một phát biểu từ Hà Nội, Thủ tướng đã ngầm đưa ra thông điệp khi khẳng định chính sách ưu đãi ngư dân: “không gian biển là nơi Việt Nam thực hiện chính sách hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế với các nước, gìn giữ và bảo đảm hòa bình để phát triển. Cần nhớ mục tiêu rộng như thế chứ không chỉ là đánh bắt cá!”. Những bước đi của ông Dũng không thể không khiến “người láng giềng” e ngại.

Hoạt động điều hành Chính phủ của ông Dũng gần đây đề cao vai trò của nhân dân, sức dân, ý dân và vì thế ông đang rất “được lòng dân” khi ra những quyết định “hợp ý dân” như ngừng đăng cai ASIAD 18. Đời sống chính trị Việt Nam từ cuối năm 2013 tới nay ghi nhận những tiến bộ vượt bậc, những giá trị dân chủ được đặt đúng vị trí, điển hình là việc người dân được tự do tranh luận, đóng góp ý kiến và thậm chí công khai phản biện xã hội. Sự kiện người dân xuống đường phản đối chống Trung Quốc những ngày vừa qua cho thấy rất rõ chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tiệm cận gần hơn với “lòng dân”. Dòng người tuần hành đã đưa ra nhiều biểu ngữ có nội dung “Đồng lòng với chính phủ, chống Trung Quốc”, “Đoàn kết xung quanh Đảng, Chính phủ, quân đội để bảo vệ tổ quốc”…

Ông Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM được Vietnamnet dẫn lời nói "quan trọng nhất trong việc bảo vệ chủ quyền vẫn là lòng dân. Khi mọi người cùng đồng lòng thì nhất định sẽ bảo vệ được đất nước, giang sơn mà cha ông ta đã xây dựng". Rõ ràng, những tiếng nói từ phía người dân đã được lắng nghe, khẳng định dấu hiệu của một nền dân chủ thực sự hiện hữu đúng với thông điệp đầu năm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố. Điều này cho thấy Thủ tướng  đang tiếp tục thực hiện một cuộc cải cách lớn trong tư duy quản lý đất nước. Thủ tướng làm dấy lên niềm hy vọng cho một giai đoạn chuyển biến mới cả về thể chế lẫn kinh tế xã hội, giai đoạn mà quyền làm chủ của nhân dân sẽ được thực thi để làm đòn bẩy phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn được nhìn nhận là người có công đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi “kịch bản xấu” và dần có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2014 tới nay nền kinh tế này đã phát đi những tín hiệu tốt, chứng khoán, bất động sản ấm dần lên, nhiều doanh nghiệp tiếp tục vượt khó, tăng trưởng, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam, niềm tin của doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài vào điều hành của chính phủ tăng lên, những “đại án” tham nhũng, tham ô được đưa ra xét xử cùng với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp với rất nhiều quan điểm mới mẻ, đột phá thể chế, mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xác định nghĩa vụ phục vụ và vai trò kiến tạo của Nhà nước… Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 mới được tổ chức, Thủ tướng tiếp tục cam kết: Chính phủ sẽ chăm lo cho doanh nghiệp, phát triển thị trường vốn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giờ đây, những thách thức trên biển Đông tiếp tục đặt lên vai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ của ông những trọng trách lớn lao: bảo vệ tổ quốc đi liền với giữ gìn hòa bình trên Biển Đông và sự thịnh vượng chung của quốc gia, của khu vực. Tiếp tục xây dựng, củng cố “lòng tin chiến lược” để tìm tiếng nói chung giữa các quốc gia. Nhiều học giả quốc tế cho rằng chỉ có sự tinh tế khôn ngoan, lòng quyết tâm bền bỉ và sự cương quyết kiên định vì một tương lai hòa bình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới có thể đưa đất nước này qua được thời khắc hiểm nguy, tiến tới thời cơ tạo dựng một nước Việt Nam hiện đại, tự tin và thịnh vượng.

Theo Korea Herald