1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lời nhắc nhở nghiêm khắc

Ngày 20/7 vừa qua, người dân Nhật bất ngờ được biết thái độ của cố Nhật hoàng Hirohito (1901 - 1989) đối với ngôi đền Yasukuni ở Tokyo.

Ngôi đền thờ nạn nhân thế chiến 2 và cả những trùm phát xít Nhật là tác nhân làm căng thẳng quan hệ của Tokyo với Trung Quốc và Hàn Quốc lâu nay do ông Koizumi hằng năm đến viếng thăm đền kể từ khi làm thủ tướng năm 2001.

 

Trong cuốn hồi ký của cố quản gia Hoàng cung Tomohico Tomita được báo Nihon Keizai công bố, có đoạn nói về suy nghĩ của Nhật hoàng Hirohito về đền Yasukuni đáng để thần dân của ông suy ngẫm. Theo cuốn hồi ký, Nhật hoàng Hirohito năm 1978 đã quyết định không đến viếng đền Yasukuni vì nơi đây thờ thêm cả 14 tên trùm phát xít phạm tội ác chiến tranh.

 

Tờ Asahi Shimbun viết: “Thái độ của cố Nhật hoàng đáng để các chính khách lớn phải suy nghĩ. Nên nhớ rằng Nhật hoàng Akihito từ khi nối ngôi cha năm 1989 đến nay, đã vâng lệnh người, chưa bao giờ đến viếng đền Yasukuni. Người Nhật hãy nhớ lời răn dạy của cố Nhật hoàng!”

 

Không chỉ các chính khách mà đông đảo người Nhật thừa hiểu rằng việc lần đầu tiên tiết lộ thái độ của Nhật Hoàng Hirohito vào lúc này là nhằm nhắc nhở Thủ tướng Koizumi và người kế nhiệm ông sắp tới. Tháng 9, ông Koizumi sẽ mãn nhiệm, vậy mà ông vẫn chưa tỏ ra phục thiện. Trả lời giới báo chí, ông Koizumi thản nhiên nói: “Đoạn hồi ký của Tomita không hề ảnh hưởng tới những cuộc viếng thăm đền sau này của tôi vì đó là việc riêng của cá nhân”.

 

Có nhiều tin đồn ngày 15/8 tới ông vẫn sẽ viếng đền trước khi nghỉ làm thủ tướng. Ông Shinzo Abe, Chánh Văn phòng Nội các, ứng viên có khả năng nhất thay ông Koizumi, đang chịu một sức ép lớn vì đã công khai tuyên bố cũng sẽ viếng thăm đền Yasukuni sau khi làm thủ tướng. Cũng có tin nói đây là dịp tốt để ông Koizumi “sửa sai”, viện cớ kính trọng cố Nhật hoàng, thay vì chịu sức ép của Trung Quốc và Hàn Quốc. Chẳng lẽ ông lại bỏ lỡ cơ hội này?

 

Theo T.Tùng

Người lao động